Lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội tưởng nhớ công đức của vị thánh Tản Viên, đệ nhất phúc thần, đứng đầu trong Tứ bất tử của thần điện của Việt Nam.
Nguồn gốc[sửa]
Lễ hội có nguồn gốc từ việc thờ phụng Thánh Tản Viên - một hiện tượng khá tiêu biểu cho sự dung hợp tín ngưỡng ở hai tộc người Mường, Việt. Tản Viên hiện diện như một vị thần Núi (với các tên gọi như Sơn Tinh, Tản Viên Sơn Thần, Bua Non..) trong tín ngưỡng thờ tự nhiên cổ sơ của cư dân bản địa vùng quanh chân núi Ba Vì. Ông còn là một vị Thánh (Tản Viên Sơn Thánh hoặc Tam vị Đức Thánh Tản) được thờ phụng ở hầu khắp các đền của hệ thống Đạo giáo dân gian, thậm chí vươn tới đứng hàng thứ nhất trong “Tứ bất tử” của điện thần Việt. Ông đồng thời cũng là vị thần Thành hoàng ngự trong các ngôi đình của người Việt hay Mường và là vị Vua Thần (Bua Thơ, Bua Ba Ví..) - vị vua toàn cõi được thờ phụng ở hầu khắp các gia đình người Mường.
Ngoài những truyện kể lưu truyền trong dân gian, những ghi chép về Tản Viên Sơn Thánh có từ khá sớm trong các thư tịch cổ. Giao Châu ký, Giao Chỉ ký là những cuốn sách do người Hán ghi chép về đất Giao Châu, Giao Chỉ thời Bắc thuộc đã nói đến chuyện thần núi Tản Viên, đến nay chưa tìm thấy. Chúng ta biết được đến việc ghi chép ấy là nhờ Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái ở các thế kỷ XIV và XV khi chép truyện Núi Tản Viên đã dẫn lại. Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê cũng chép truyện này vào phần ngoại kỷ thời Hồng Bàng. Theo đó, thần núi Tản Viên hay còn gọi Sơn Tinh là một trong số 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, kết hôn cùng công chúa Mỵ Nương (con gái Hùng Vương thứ 18), đánh thắng Thủy Tinh và dạy dân cách trị thủy tai; lại giúp Hùng Vương trị Thục Phán, giữ yên bờ cõi Văn Lang. Dân chúng vô cùng ngưỡng vọng. Lĩnh Nam chích quái kể rằng dân đời sau đã sớm lần theo vết chân Ngài đi lại các nơi để lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai, ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang, cực kỳ linh ứng.
Từ thời Lê trở về sau, việc ban cấp sắc phong và quản lý di tích cũng như việc đưa ra các hình thức, quy mô tế lễ đã được triều đình giao cho một số Nho thần có trình độ học vấn uyên bác sưu tầm, chỉnh lý và viết lại một cách đầy đủ, có hệ thống về các vị thần được thờ phụng ở Việt Nam. Đó là cơ hội cho rất nhiều các bản thần tích (ngọc phả) về các vị thánh thần ra đời, trong đó cũng có các bản ghi chép về sự tích và các sắc phong của Đức Thánh Tản Viên như Việt thường thị Hùng triều Duệ Vương Công thần Danh tướng Bảo Hựu Đại vương, Quý Minh Đại vương ngọc phả cổ lục, Tản Lĩnh Sơn ngọc phả, Tản Viên Sơn Thánh sự tích, Tản Viên Sơn Đông thần cung tối linh từ di tích… lưu giữ tại các đền, đình thờ Thánh và nhiều bản thần tích khác được bảo tồn tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong các bản ngọc phả, thần tích này; một số chi tiết không có trong các thư tịch cổ trước đó đã được “kể thêm”. Theo đó, Tản Viên Sơn Thánh có tên húy (“tên khai sinh”) là Nguyễn Tuấn (hay Nguyễn Tùng) là con của ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Điên ở động Lăng Sương bên bờ sông Đà. Năm 6 tuổi bố mất, mẹ con dắt nhau sang núi Ngọc Tản (Bà Vì) để kiếm sống, được bà Ma Thị, nữ thần cao sơn nhận làm con nuôi. Sau khi Ma Thị mất, Nguyễn Tuấn được bà di chúc cho một gia sản lớn, tức là toàn bộ đất đai, núi rừng, cây cỏ vùng này. Trong một lần lên núi, Nguyễn Tuấn gặp Thái Bạch Kim Tinh và được Ngài ban gậy thần và lời chú; lần khác lại được Long Vương tặng cho quyển sách ước vì đã có công cứu Thái tử của Long Vương thoát chết, từ đó trở thành Thần Sư hay Sơn Thánh “đi mây về gió” cứu giúp dân chúng một vùng. Sơn Thánh còn dạy dân trăm nghề như dạy dân làm ra lửa, làm ruộng và mở hội (múa Rô), đi săn bắt, kéo vó đánh cá, dệt lụa…được dân tôn xưng là Bách nghệ tổ sư của nước Nam.
Văn bản thần tích là sự biên soạn, cố định hóa các yếu tố động của truyền thuyết dân gian, và ngược lại, theo quy luật tự nhiên, từ trong thần tích, các thông tin mới về nhân vật lại được dân chúng chia sẻ, truyền tụng và nối dài trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng liên quan đến nhân vật. Sơn Tinh, Tản Viên Sơn Thần hay Bua Khú, Thần Khú, Bua Non (Mường) từ một vị thần tự nhiên đã được khoác thêm nhiều “tấm áo” chức năng mới, được dân chúng tôn sùng và thờ phụng ở nhiều nơi. Theo sơ đồ địa lý, sự lan tỏa tín ngưỡng thờ Tản Viên phổ biến ở vùng núi cao và trung du, phát triển dọc theo vùng đồng bằng sông Hồng cho thấy ý nghĩa tâm linh đặc biệt của Sơn Thánh với niềm tin vật linh và khát vọng trị thủy tai của nhân dân.
Địa điểm và thời gian tổ chức[sửa]
Việc thờ phụng kéo theo việc tổ chức lễ hội, tuy nhiên không phải điểm thờ phụng nào cũng có lễ hội thờ Thánh. Nếu như việc thờ phụng Thánh Tản Viên lan tỏa rộng khắp cả miền Bắc Việt Nam thì việc tổ chức lễ hội thờ Thánh lại đặc biệt đậm đặc ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Sơn Tây (Hà Tây cũ), nhất là vùng quanh núi Ba Vì. Ngay tại một tỉnh thì cũng không phải tất cả điểm thờ Thánh trong tỉnh đều tổ chức lễ hội. Ví dụ, theo con số thống kê trong đợt tổng kiểm kê lễ hội toàn quốc của Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở năm 2003, ở toàn tỉnh Hà Tây cũ có 66 nơi tổ chức lễ hội thờ Thánh Tản, trên tổng số 121 điểm thờ Thánh. Trong đó, đáng chú ý nhất là các lễ hội ở hành lang “tứ cung”, tương truyền là bốn cung điện mà lúc sinh thời Ngài đã lập ra để bảo vệ chính cung, trấn giữ đại bản doanh Ba Vì, đó là: Đông Cung – Đền Và (xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây); Tây Cung – Đền Hạ (xã Quang Minh, huyện Ba Vì); Nam Cung – đền Hạ (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì); Bắc Cung – đình Tây Đằng (huyện Ba Vì). Sự xác định này chỉ có tính tương đối và dựa trên cảm nhận dân gian, không hoàn toàn dựa trên la bàn địa lý. Do đó, có ý kiến cho rằng Nam Cung là đền Măng Sơn (thuộc xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây) chứ không phải là đền Hạ (ở xã Tản Linh), hoặc Bắc Cung là đền Thính (ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) chứ không phải ở đình Tây Đằng.
Các lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh hầu hết diễn ra vào tháng giêng: Hội Đền Và là ngày 15; hội đền Thính từ mùng 6 đến 15; hội đền Lăng Xương (nơi sinh Thánh Tản) từ ngày 14 đến 16, hội đền Măng Sơn từ mùng 6 đến mùng 8; hội đình Tây Đằng vào ngày mùng 10; hội đền Hạ vào ngày 15. Riêng ở đền Và, còn có một lần tổ chức lễ hội nữa là vào rằm tháng 9 (ngày 14) gọi là hội đả ngư. Dân làng cùng nhau đánh bắt hoặc mua cá, chế biến thành món ăn dâng lên Đức Thánh.
Các hoạt động chính[sửa]
Cấu trúc của lễ hội thờ thánh Tản Viên cũng bao gồm các công việc chuẩn bị; các công việc nghi lễ (tế, rước…) và phần sinh hoạt hội hè như bao lễ hội khác. Sau những ngày chuẩn bị, chọn người và phân công công việc, ngày khai hội sẽ được bắt đầu bằng nghi thức đầu tiên là lễ tế, lế cáo (tại đền, đình) với các phần việc như: đọc chúc văn, dâng lễ vật lên Đức Thánh, cử nhạc sinh tiền, múa bồng hầu lễ. Vật phẩm dâng lên Thánh là rượu, xôi, bánh chưng, thịt lợn, trầu cau… Một số nơi có quy định nghiêm ngặt về lễ vật như tại lễ hội đền Măng Sơn, đồ lễ là một hộp quả hình lục lăng, chồng tám tầng do bốn người khiêng, bao gồm những quả có sẵn trong vùng nhưng nhất định phải có mít xanh và dứa non (biểu tượng cho sản vật thời kỳ xa xưa). Tại lễ hội đền Và (mùa thu) lễ vật là những mâm cỗ cá, nhưng không được dùng muối, thụ hưởng lễ vật xong mọi người ăn trầu cau nhưng không được dùng vôi. Tất cả đều nhằm nhắc lại sự tích xưa kia khi Thánh Tản dạy cho ông kéo vó người làng này làm các món ăn từ cá không cần muối và sau đó ăn trầu cau để khử mùi tanh.
Chủ tế và các cụ tế được lựa chọn cẩn thận (thường là người có đạo đức, có gia đình đề huề, hạnh phúc trong làng). Tiêu biểu như tại lễ hội đền Thính (xã Tam Hồng), đội tế nhiều nhất có khi lên tới 18 cụ ông và lễ tế kéo dài khoảng hai giờ với bốn mươi lần xướng (từ khởi chinh cổ đến “lễ tất”).
Tiếp theo là lễ phụng nghinh (đón rước bài vị các thánh) từ đình ra đền hay từ đền này sang đền khác để thỉnh ngự lễ hội và phù hộ độ trì cho dân chúng. Tại lễ hội đền Và, người ta rước long ngai Tam vị đức Thánh (bài vị Tản Viên đặt ở giữa, bên hữu là Quý Minh, bên tả là Cao Sơn). Đường rước xuất phát từ đền Và ra cầu Cộng, qua phố Ngô Quyền, Phùng Hưng, Phó Đức Chính, Lê Lợi, Hồng Hà đến cảng Sơn Tây sang đền Dội (Di Bình, Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Đoàn rước bắt đầu bằng đội múa lân, tiếp đến là đội cờ thần, rồi đến kiệu lễ của các thôn, đội chiêng trống, đội tế, đội dâng hương, đội cầm bát bửu, đội cầm lục bộ, rồi mới đến kiệu chính, kiệu văn, kiệu lồng vũ. 32 người khiêng kiệu chính, 8 người khiêng kiệu văn và 8 người khiêng kiệu lồng vũ. Đi trước kiệu là một ông thủ hiệu, tay cầm trống để điểu khiển, cầm trịch đoàn rước. Đoàn rước đi đến đâu cũng được chào đón rất trang trọng. Hai bên đường các gia đình tự lập bàn lễ vật (hương hoa, oản, quả, xôi gà..) để nghêng tiếp kiệu Thánh. Đoạn đường trong thị xã còn có tới 6 điểm còn lập đàn, tại mỗi điểm, đoàn khênh kiệu đều diễn xuất màn nâng kiệu Thánh lên cao rồi xoay tròn nhiều vòng (dân gian gọi là hiện tượng kiệu bay) làm cho không khí trở nên rất náo nhiệt. Hết địa phận thị xã, đám rước còn phải đi qua sông để sang Di Bình. Tại bờ sông các cụ làm lễ độ hà (xin phép được qua sông), sau đó tất cả đều xuống thuyền theo thứ tự đã được quy định. Cả một khúc sông dài trở nên náo nhiệt, rợp bóng cờ. Khi cập bến, đoàn rước tiến vào đền Dội. Tại đây, dân thôn Di Bình đã chuẩn bị đón tiếp rất trọng thể, các đồ tế lễ đã sẵn sàng. Các lễ tế lần lượt diễn ra là tế yên vị, tế cung đốn và tế mộc dục (tắm rửa). Nước dùng vào các lễ tế này đã được người dân thôn Di Bình lấy ở giữa sông Hồng lúc sáng sớm.
Tại đền Lăng Xương (Thanh Thủy, Phú Thọ), lễ rước diễn ra vào ngày 15 tháng giêng, và người ta rước bài vị bà mẹ nuôi của Sơn Tinh là Ma Thị Cao Sơn thần nữ từ xóm Cốc bên núi Tản sang đền Lăng Sương dự hội. Dẫn đầu đoàn rước là đội chấp kích mang cờ phướn, giáo mác rồi đến kiệu bài vị, ngai thờ do 8 cô thanh nữ khiêng. Cứ đi được khoảng 50m thì chỉ huy đoàn rước lại hô lớn “Hai hàng chấp kích chạy quân cho đều”. Dứt lời, cả đội chấp kích răm rắp nghe lệnh, chạy vòng xuống dưới rồi lại quay lên như cũ. Nghi thức này nhằm diễn lại sự tích Tản Viên luyện quân đánh trận. Khi đám rước đến gần bờ sông, nơi non Tản hiện lên trước mặt thì dừng lại một lát, ông chủ tế trịnh trọng làm lễ bái vọng về phía núi Tản, rồi đọc bài cúng mời mẹ nuôi đức Thánh về dự hội. Đám rước về đến đền Lăng Xương thì lư hương thờ bà Ma thị được cung kính đặt lên ban thờ công đồng (ban thờ Tản Viên cùng mẹ đẻ và mẹ nuôi), tiếp đến là cuộc tế do 8 cụ ông là người có uy tín trong làng đảm trách.
Sau khi nhân dân vào dâng hương khấn cầu Đức Thánh thì sẽ tham gia vào các trò chơi vui khỏe diễn ra trong những ngày lễ hội, phổ biến là các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu, đánh cờ người…. Độc đáo là tại hội đền Thính còn có trò đánh phết. Quả phết là quả cầu bằng gỗ quý, đường kính khoảng 15 cm, cả năm để thờ trong hậu cung, ngày hội mới rước ra sử dụng. Người ta ra sức xô đẩy nhau, cố cướp cho được quả cầu trong niềm tin tưởng rằng đó là lộc Thánh ban cho trong một năm.
Lễ hội phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội đặc sắc của cư dân vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Lễ hội thể hiện niềm sùng vọng của nhân dân đối với vị thánh thần đa diện, đa chức năng là Tản Viên Sơn Thánh, do đó là sự tích tụ nguyên hợp của nhiều lớp tín ngưỡng văn hóa như lớp thờ Thần tự nhiên (Núi, Nước), lớp thờ Thánh sư (Đạo giáo), lớp thờ Thành hoàng (Nho giáo)…Lễ hội gửi gắm những mong cầu về mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội cũng thể hiện sự cố kết, gắn bó cộng đồng giữa các địa phương, và cả giữa các tộc người khác nhau cùng thờ phụng Đức Thánh (cụ thể như tộc Việt, Mường, Dao sinh sống xung quanh vùng núi Ba Vì). Vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của lễ hội đã được nhà nước ghi nhận qua việc xếp hạng một số lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trần Thế Pháp (Lê Hữu Mục dịch), Lĩnh Nam chích quái, Nhà sách Khai Trí (in lần thứ nhất, Sài Gòn, 1960.
- Lê Thị Hiền, Việc phụng thờ Sơn Tinh ở Hà Tây, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007.
- Lý Tế Xuyên (Trịnh Đình Rư dịch), Việt điện u linh, Nxb. Hồng Bàng, Gia Lai, 2012.
- Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.
- Nguyễn Xuân Diện, Tản Viên Sơn Thánh di tích và lễ hội đền Và, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017.