Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ hội Chử Đổng Tử

Lễ hội Chử Đổng Tử là chỉ hệ thống nghi thức tế, rước, trò chơi hay trò diễn được thực hiện ở quy mô lớn 3- 5 năm một lần trong việc thờ cúng Chử Đồng Tử, một trong Tứ bất tử của người Việt (đọc thêm mục Chử Đồng Tử). Theo dân gian, việc thờ cúng thần thành hoàng hay thần thánh của làng nói chung được gọi là hội làng hay tiệc làng, ngày làng vào đám, chữ “lễ hội” chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ XX.

Dân gian xưa lưu truyền, có 72 làng thờ Chử Đồng Tử ở châu thổ sông Hồng, nhưng khảo sát vào cuối thế kỷ XX cho biết là có 62 làng ở các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình. Tập trung nhất là 46 làng ở tỉnh Hưng Yên, trong đó huyện Khoái Châu có 25 làng thờ Chử Đồng Tử. Bốn làng xã được xem là có lễ hội Chử Đồng Tử gồm: Chử Xá (Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội), Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội), Đa Hòa (Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên), Yên Vĩnh (Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên). Ở những nơi này, Chử Đồng Tử được phối thờ với các vị thần khác nhau, có nghi thức riêng hay không cùng thời gian lễ hội. lễ hội Chử Đồng Tử trước đây thường được gọi theo tên địa danh, chẳng hạn: hội Chử Xá, hội Tự Nhiên, hội Đa Hòa, hội Dạ Trạch (hay hội đền Hóa- Dạ Trạch). Tại đình, đền của bốn làng này còn treo những bức hoành phi, câu đối đề cao sự tích hóa thánh tiên của bộ ba vợ chồng Chử Đồng Tử- Tiên Dung- Tây Sa nên lễ hội ở đây còn có tên là lễ hội Tam Thánh hay lễ hội Tam vị Thánh Tiên, vì thế lễ hội Chử Đồng Tử đã từng được xếp vào lễ hội Đạo giáo.

Sớm nhất là lễ hội Chử Đồng Tử ở Chử Xá (Gia Lâm, Hà Nội), kéo dài trong ba ngày 17-19 tháng Giêng (âm lịch). Xưa, 5 năm làng mới làm hội lớn, hàng năm làm hội lệ một ngày với nghi thức tế thần, không rước kiệu thánh, không có trò chơi và văn nghệ. Chử Xá được xem là "anh cả" của 72 làng thờ thánh Chử nên ở hội Chử Xá, làng thờ Chử Đồng Tử ở nhiều nơi đều tới tế thần.

Ngày đầu tiên, Chử Xá làm lễ rước nước trên sông Hồng để lấy nước cúng quanh năm cũng như để làm lễ mộc dục (phong y) cho các thần ở đình và ở lăng thân phụ, thân mẫu của Chử Đồng Tử. Ngày thứ hai, làng rước kiệu vợ chồng Chử Đồng Tử ra tế ở lăng cha mẹ rồi quay trở lại đình làm tế chính. Trên sân trước cửa đình, điệu múa sinh tiền và xếp hình chữ “thiên hạ thái bình” lễ thánh lần lượt trình diễn. Các làng thờ Chử Đồng Tử khác đến tế ở đình Chử Xá sau lễ tế của làng rồi đến các gia đình trong làng lần lượt vào lễ. Những trò chơi được tổ chức trước đây trong ngày hội như thi bánh dày, cắt đậu, chém mía, đấu vật, bơi thuyền thúng ở ao đình vào ban ngày, hay diễn chèo vào buổi tối, nay chỉ còn trò đấu vật. Ngày cuối hội, làng làm lễ Giải y đóng cửa đình với tục dâng cúng hũ mắm cá mòi nhưng nay không còn, dù đã từng khôi phục.

Chử Đồng Tử được phối thờ với Càn Hải đại vương và Tứ vị Thánh nương, đều là thần thành hoàng của Chử Xá. Đây là lễ hội thành hoàng làng nhưng chứa đựng cả việc thờ phụng tổ họ và tổ nghề chài lưới vùng cửa sông- biển qua tục hèm là lệ cúng mắm cá Mòi vào ngày lễ Giải y.

Lễ hội Chử Đồng Tử làm ở đền Đa Hoà (Khoái Châu, Hưng Yên) còn gọi là hội Đa Hòa, kéo dài ba ngày 10-12 tháng Hai (âm lịch). Xưa, đền Đa Hòa thuộc tổng Mễ, gồm tám làng: Mễ Sở, Đa Hoà, Nhạn Tháp, Phú Thị, Bằng Nha, Thiết Trụ, Phú Trạch và Hoàng Trạch, nên hội Đa Hòa là hội hàng tổng. Ở đây lấy ngày sinh 10 tháng Hai của bà Hữu (hay nàng Tây Sa, Ngải Hòa) là vợ hai của Chử Đồng Tử để tổ chức hội.

Ngày hội đầu tiên, tám làng trong tổng thực hiện nghi thức rước thần, là rước kiệu bài vị thần thành hoàng các làng về đền tổng. Đây là nghi thức quan trọng nhất của hội Đa Hòa, mang ý nghĩa kết “chạ” giữa tám làng kề nhau ven sông Hồng. Trong các thần thành hoàng của tám làng có thần cá chép, nữ thần tằm tang Phương Dung và một số vị thần thời Lý- Trần- Lê, trong đó có Lý Phục Man... Sau khi các kiệu thần của tám làng tề tựu tại sân đình, Đa Hòa làm tiệc chiêu đãi hàng tổng. Ngày thứ hai, “chạ” trưởng Đa Hòa tổ chức rước nước trên sông Hồng vào buổi sáng, thuyền của thần thành hoàng tám làng theo cùng thuyền vợ chồng thánh Chử. Đi theo còn có các đội trai kiệu, ban nhạc lễ, đội rước bát bảo, đội tế nam, đội múa rồng, múa sinh tiền,v.v.. Xã Tự Nhiên bên kia sông cũng đưa thuyền rồng ra sông nghênh đón đoàn rước nước Đa Hòa. Các điệu múa rồng được thực hiện trên thuyền khi đi trên sông tìm nguồn nước trong để làm lễ “cấp thủy” dùng thờ cúng quanh năm. Buổi chiều, tám làng vào tế vợ chồng Thánh Chử, dâng thánh điệu múa sinh tiền và múa rồng, xem làng nào múa sinh tiền và múa rồng đẹp nhất. Sau đó, các gia đình trong làng mang lễ vật vào lễ thánh. Các trò chơi như đấu vật, đập niêu, chọi gà, cờ gậy,... diễn ra ngoài sân đình. Ở hội Đa Hòa còn có lệ đua bơi chải giữa các làng trong tổng tại khúc sông Hồng trước cửa đền vào sáng ngày hội thứ ba. Chiều cuối hội, các làng làm lễ tạ thánh rồi rước kiệu thành hoàng làng mình trở về, Đa Hòa làm lễ đóng cửa đình. Khi một số làng thuộc tổng Mễ xưa bị tách khỏi huyện Khoái Châu nhập về huyện Văn Giang, lễ rước thần ở hội Đa Hòa khó thực hiện hơn...

Lễ hội Chử Đồng Tử ở đền Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) còn gọi là hội đền Hoá (nơi các thánh về trời), có cùng thời gian với hội đền Đa Hòa là ngày 10-12 tháng Hai (âm lịch). Đền Dạ Trạch thuộc tổng Yên Vĩnh nên hội đền Hoá cũng là hội tổng, gồm 9 làng: làng Vĩnh, Đức Nhuận, Xuân Đình, Đông Tảo, Ông Đình, Bình Kiều, An Cảnh, Ninh Vũ và Phú Hoà (nay thành 4 xã lớn với 15 làng). Tuy địa giới làng xã hay tổng nay đã thay đổi nhưng các làng này vẫn cùng nhau tổ chức hội lớn 3 năm một lần. Đây cũng là một lễ hội liên làng giống như hội đền Đa Hoà của tổng Mễ. Ngoài thờ Chử Đồng Tử, các làng trong tổng Yên Vĩnh còn thờ thần thành hoàng là thuộc tướng của Hai Bà Trưng, hay thờ Triệu Việt Vương và một số vị tướng của triều Lý, triều Lê, thần cá và thần sông ngòi.

Ngày hội đầu tiên, làng Vĩnh làm lễ rước nước trên sông Hồng rồi về đền làm lễ mục dục tại đền. Ngày thứ hai, làng làm lễ tế thánh, trong đó có sự tái hiện hình ảnh vợ chồng Chử Đồng Tử qua bộ ba thanh niên, một nam hai nữ trong lễ phục vương, hậu làm lễ ở hậu cung. Tế thánh xong, các gia đình trong làng vào dâng lễ, cúng bái. Trên các bãi đất cạnh sân đền diễn ra các trò chọi gà, bịt mắt bắt dê, cờ gậy (thay cờ người), hay ở ao đền có trò thi đi cầu thùm (cây tre bắc qua mặt nước nối với cọc giữa ao), bắt vịt dưới ao. Đặc biệt, không thể thiếu đấu vật với các cặp võ sĩ trong ngoài tổng tham gia, nhằm tái hiện sự kiện trong truyền thuyết: vợ chồng Chử Đồng Tử dùng gậy sinh tử giúp dân trừ dịch bệnh, dân làng đã tổ chức đấu vật để thánh thấy họ đã khỏe mạnh. Ngoài sông Hồng, làng Vĩnh còn tổ chức đua chải giữa các làng trong tổng, mời cả làng chài từ huyện Kim Động (cũng thờ Chử Đồng Tử) tới tham gia, là một cách tái hiện nghề sông nước của thánh.

Nếu như Đa Hoà có lễ rước thần (thành hoàng làng) về đền tổng vào ngày đầu hội, thì Yên Vĩnh lại rước thần (vợ chồng Chử Đồng Tử) đi phát du (đi chơi), cùng với kiệu rước gậy, nón của ngài và tượng cá vào ngày cuối hội, tới các làng trong tổng Yên Vĩnh. Phát du là nghi lễ chính của lễ hội Chử Đồng Tử ở đền Dạ Trạch, tái hiện cuộc chinh phục các dải đất ven sông của vợ chồng Chử Đồng Tử, lập nên các xóm làng ở vùng đầm Dạ Trạch xưa. Kiệu thánh đến đâu, dân các làng đều có bàn thờ trước cửa nhà nghênh lễ. Đoàn kiệu vợ chồng Chử Đồng Tử nghỉ tại đình Đông Tảo, là quê của bà Hữu (nàng Tây Sa, Ngải Hòa), dự tiệc làng và trở về vào buổi chiều, lễ hội kết thúc. Lễ hội Chử Đồng Tử ở đền Hạ, xã Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội) còn gọi là hội xã Tự Nhiên. Địa danh này có nguồn gốc từ truyền thuyết về bãi Tự Nhiên là nơi gặp gỡ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Đây là xã nhất thôn, hình thành từ làng Gòi xưa, có ba đền thờ Chử Đồng Tử (Thượng, Hạ và Thủy Cơ, nay chỉ còn đền Hạ) và miếu thờ thành hoàng làng là tướng Đào Thành thời Hai Bà Trưng.

Hội Tự Nhiên diễn ra từ 29 tháng Ba đến 3 tháng Tư (âm lịch), lễ rước nước được thực hiện vào ngày đầu tiên. Ngày thứ hai, 1 tháng Tư cũng là ngày chính hội, làng làm lễ lớn và quan trọng nhất là lễ ngự dội (thánh tắm) trên bãi cát trắng bên sông Hồng, tái hiện cảnh gặp gỡ của vợ chồng Chử Đồng Tử như truyền thuyết đã kể. Sau lễ Hà Bá ở miếu Ngự dội bên bờ sông, dân làng rước các kiệu thánh xuống bến sông, người ta quây ba chiếc màn đỏ cao khoảng hơn 2m để che kín các chiếc kiệu dưới nước (ngập chân kiệu khoảng 40cm). Đội hầu thánh tắm là các ông trung niên được làng lựa chọn dùng gáo đỏ múc nước dội lên kiệu và thánh (tạo hình từ bài vị và vàng khối bọc quanh rồi được choàng y phục, đội mũ, mang hài). Trên sông, các đội múa rồng trình diễn trên thuyền trong tiếng trống, chiêng vang lừng cùng với sự reo hò của các tốp trai trẻ lội dưới bãi sông. Nửa giờ sau, làng đưa kiệu đến bên cây gạo ở bờ sông để các thánh “ngồi chơi” (thực tế là làm khô kiệu), sau đó làm lễ thay y phục (mộc dục) rồi rước các thánh về đình vào đầu giờ chiều. Vào sáng ngày 2 tháng Tư, xã tổ chức tế tạ ơn các thánh đã phù trợ cộng đồng có sức khoẻ và được mùa, đồng thời cầu mưa thuận gió hoà trong vụ mùa mới, các trò chơi như chọi gà, vật, cờ gậy, kéo co diễn ra đến cuối ngày. Sáng ngày 3 tháng Tư, làng tế đóng cửa đình, kết thúc hội. Lễ hội Chử Đồng Tử ở bốn làng Chử Xá, Đa Hoà, Yên Vĩnh, Tự Nhiên có nghi thức riêng biệt, là những lựa chọn độc đáo, không đơn giản là tái hiện thần tích mà còn phản ánh quá trình phát triển của các cộng đồng dân cư ở dải đất ven sông Hồng miền hạ lưu, trong đó nổi lên là phố Hiến (Hưng Yên) thịnh vượng suốt thế kỷ XVI- XVII. lễ hội Chử Đồng Tử ở bốn làng cũng cho thấy đời sống tín ngưỡng đa dạng của người dân qua sự hội nhập của tín ngưỡng đa thần, được thấy trong lễ hội Chử Đồng Tử việc thờ cúng ngư thần, thủy thần, thần lúa với nhiều diện mạo, tạo nên sự đa sắc thái văn hóa phong tục của vùng. lễ hội Chử Đồng Tử ở bốn làng đã được xếp vào Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Trung Vũ (chủ biên), Lễ hội cổ truyền, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.192.
  2. Hồ Sỹ Vịnh- Phương Vũ (chủ biên), Lễ hội cổ truyền Hà Tây, Sở văn hóa Thông tin Hà Tây xb., 1992, tr. 216- 230.
  3. Thạch Phương- Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 181-189.
  4. Đỗ Lan Phương, Tục thờ Chử Đồng Tử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005.