Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ cầu tự

Lễ cầu tự là nghi lễ cầu con, được thực hiện khi gia đình nào đó hiếm muộn hoặc muốn có con trai.

Về nguồn gốc của lễ cầu tự, tuy hiện không rõ thời điểm ra đời chính xác nhưng các thông tin trong sử sách cho biết, nghi lễ này đã được thực hiện từ rất sớm. Khổng Tử (551 - 479 TCN), triết gia nổi tiếng của Trung Hoa, là con cầu tự. Sử chép rằng, thân phụ và thân mẫu ông làm lễ cầu tự ở núi Ni Sơn, sau về nhà có thai, sinh hạ ra ông. Hoàng hậu Catherine của nước Anh (thế kỷ XV), vua Philip IV của Tây Ban Nha (thế kỷ XVI) cũng đều từng đi cầu tự ở những nhà thờ có tiếng linh thiêng. Ở Việt Nam, nhiều truyền thuyết đã được lưu hành về việc những nhân vật lịch sử của các đời Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê và Nguyễn được sinh ra do bố mẹ đi cầu tự ở các ngôi chùa, đền. Truyền thuyết về sự ra đởi của Lê Thánh Tông là một ví dụ. Tương truyền, thân mẫu của ông khi đi cầu tự đã mơ thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con, nhưng tiên đồng này chần chừ mãi không chịu đi, bị Thượng đế lấy cái hốt ngọc đánh vào trán. Sau này, khi bà hạ sinh vua, trên trán vua vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ và mãi đến khi chết vết ấy vẫn không mất. Lê Hiến Tông, con trưởng của vua Lê Thánh Tông với hoàng hậu Trường Lạc cũng là con cầu tự.

Trong dân gian, sự hiếm hoi con cái bị coi là do những nguyên nhân thần bí (liên quan đến “tà ma”) và đặc biệt là nguyên nhân đạo đức (liên quan đến “nghiệp chướng”…). Xem xét mối liên hệ giữa phúc đức của người sống trong gia đình với tình trạng con cái, việc cầu tự cho thấy rất rõ quan niệm dân gian về sự quả báo. Nhìn nhận con cái là tài sản, là người gánh vác bổn phận phụng dưỡng cha mẹ khi về già, thờ cúng tổ tiên và duy trì nòi giống, nhiều người coi việc không có con là không có phúc đức, là do nghiệp của gia đình, của cha mẹ gây ra trong kiếp này và từ kiếp trước. Vì thế, bên cạnh việc điều trị bằng y học (uống thuốc bồi bổ khí huyết, chữa các bệnh liên quan…), nhiều người cầu tự bằng cách làm việc thiện để “tích đức”. Bên cạnh đó, họ cần nhờ đến các thế lực có sức mạnh siêu nhiên giúp đỡ, chẳng hạn như nhờ thầy địa lý xem hướng đất, đổi phong thủy, định mồ mả… hoặc chăm việc khói nhang tại nhà cũng như đi khấn xin ở những nơi linh ứng. Khi cầu tự, người ta thường giữ mình sạch sẽ, ăn chay niệm Phật để tấm lòng của mình động tới thánh thần. Nhiều người còn tắm nước ngũ vị và kiêng việc ăn các loại thực phẩm không thanh khiết. Họ cho rằng, sự thành tâm và kiên trì là mấu chốt để giải quyết vấn đề.

Việc cầu tự thường được tiến hành ở những đình, chùa, đền, miếu vốn được xem là linh ứng. Ở miền Bắc Việt Nam, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ) là một nơi như vậy. Chùa thu hút đông đảo người dân đến cầu tự. Trong hang động của chùa này có nhiều tảng đá nhô lên trông giống các em bé. Người ta thường vào động Hương Tích, lễ bái Đức Quan Âm Bồ Tát tại đây và xin có con theo ý nguyện, sau đó hai vợ chồng xoa tay vào hòn nhũ đá gọi là núi cậu để cầu con trai, xoa tay vào hòn nhũ đá gọi là núi cô để cầu con gái. Khi rời chùa, các cặp vợ chồng tự tưởng tượng rằng những đứa con mà Bồ Tát cho đang cùng mình về nhà. Họ làm động tác như đang dắt con đi theo. Khi ra đò, họ trả tiền vé cho đứa con “tương lai” và khi mua quà, họ cũng mua thêm một suất mang về nhà. Cũng cần nói thêm là do tính chất đặc biệt của mình, con cầu tự thường được gọi là “con ranh, con lộn”, bị tin là khó nuôi, hay quấy phá, dễ chết do tai nạn nên thường sẽ nhận được sự chăm sóc hơn mức bình thường khi chúng ra đời.

Tập tin:Dong-huong-tich.jpg
Động Hương Tích

Tuy nhiên, ở nhiều nền văn hóa, việc cầu tự dù rất cầu kỳ cũng không nhất thiết diễn ra tại cơ sở thờ tự. Chẳng hạn như lễ Then cầu con (then xò lụ) của người Thái. Lễ này diễn ra ngay tại nhà gia chủ. Trước ngày làm lễ, đôi vợ chồng trẻ cùng cha mẹ đến cậy nhờ bà Then giúp đỡ. Sau khi chọn được ngày tốt, gia chủ tiến hành sắm sửa các lễ vật cần thiết. Ngày làm lễ, người ta dựng ở giữa gian thờ các loại cây đã chuẩn bị sẵn, trang trí hoa, treo các loại quả và chiếc túi, chiếc khăn thêu... Trên bàn thờ có đặt rượu, nước, gà luộc, đèn dầu, hoa quả, bánh kẹo, hương, thuốc lá, trầu cau, chè, nến, quạt, khăn... Người ta cũng chuẩn bị nhiều vật phẩm khác cho việc làm lễ mà mỗi thứ trong số đó đều mang một ý nghĩa: chó sống để dẫn đường cho bà Then cùng quân binh lên trời, vịt sống để đưa bà Then và quân binh qua sông, những gia súc và gia cầm khác để cúng tổ tiên. Gia chủ hoàn thành việc trình báo tổ tiên xong, bà Then cất lời hát trong tiếng đàn và trong màn múa khăn phụ họa của một nhóm các cô gái. Sau đó, một mâm lễ được đưa đến cho đôi vợ chồng và đội múa nâng chén rượu chúc họ sớm sinh con. Bà Then thực hiện nghi thức bói bằng lá trầu. Tiếp theo, bà làm một nghi lễ gọi là “tụ hồn” cho gia chủ. Sau khi bà cúng bằng lời hát Then xong, một mâm lễ khác được đưa đến. Đội múa buộc chỉ vào cổ tay đôi vợ chồng và nói những lời chúc tụng. Bà Then mời cặp đôi ăn xôi, canh và thịt lợn, mỗi thứ một ít. Cuối cùng, sau khi nghe bà dặn dò, đôi vợ chồng sẽ lạy tạ. Kết thúc lễ, gia chủ mời mọi người cùng ăn cơm, uống rượu. Khi ra về, bà Then mang theo gà, vịt, chó, đùi lợn, bánh kẹo, hoa quả… để cúng trước bàn thờ Then.

Có thể nói, lễ cầu tự cho thấy quan niệm của dân gian về vai trò hết sức quan trọng của việc có con trong mỗi gia đình. Con cái được coi là sự bảo hiểm cho tuổi già vì khi đã già yếu thì người ta phải trông cả vào con cái (“Trẻ cậy cha, già cậy con”). Hơn nữa, trước đây, việc nhà nông thường đòi hỏi nhiều sức lao động nên càng có đông con lại càng tốt: “Đông tay hơn hay làm”. Cầu tự, trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt ở người Việt, còn liên quan tới quan niệm về chữ hiếu và tư tưởng trọng nam của Nho giáo. Theo đó, không có con cái là bất hiếu (“bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”), vì người không có con là không hoàn thành được nghĩa vụ duy trì nòi giống. Có con, nhưng phải là con trai mới được tính là có con trong nền văn hóa trọng nam: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Tới một độ tuổi nhất định (thường là tứ tuần) mà không có con trai là một nguy cơ thực sự đối với nhiều người, vì việc có con trai được họ xem là để nối dõi tông đường, kéo dài hương hỏa khi người con trai vốn là người đảm nhiệm những hoạt động nghi lễ trong nhà, trong họ và trong làng. Bên cạnh đó, việc cầu tự tất nhiên còn là để đáp ứng khát vọng làm cha mẹ của một đôi vợ chồng: “Có vàng vàng chẳng hay phô - Có con con nói bi bô cả ngày”. Việc có con cũng khiến người sinh thành có một vị trí mới: “Sinh con rồi mới sinh cha - Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Mặt khác, việc cầu tự còn có một lý do quan trọng nữa là giữ gia đình khỏi đổ vỡ vì tình trạng vô sinh.

Lễ cầu tự thể hiện niềm tin tâm linh của con người về sự hiện diện của các lực lượng siêu nhiên có thể lắng nghe và đáp ứng lời cầu xin do hiếm muộn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Trung Vũ (chủ biên), Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Thanh, Nghi lễ vòng đời người, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
  2. Quảng Tuệ, Một số phong tục nghi lễ dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.
  3. Phạm Côn Sơn, Văn hóa lễ tục, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.
  4. Triệu Thị Mai, Lễ cầu tự của người Tày ở Cao Bằng, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2013.