Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ cầu siêu

Lễ cầu siêu là một thực hành nghi lễ cúng tế quan trọng của Phật giáo để tưởng nhớ người đã khuất và cầu nguyện cho linh hồn người đó sớm siêu thoát.

Sau khi Đức Phật nhập vào niết bàn, các nhà sư đã làm một nghi lễ trước bảo tháp nơi đặt thánh tích của ngài. Nghi thức này chính là nguồn gốc của lễ cầu siêu. Không rõ thời điểm chính xác lễ cầu siêu bắt đầu có mặt tại Việt Nam. Chỉ biết rằng, theo sử sách, từ thời Lý, các nhà vua đã tiến hành lễ cầu siêu cho người thân; đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng là vị vua tổ chức nhiều lễ cầu siêu nhất cho các tử sĩ vô danh.

Bài trí Đại lễ cầu siêu trai đàn chân tế tại Chùa Vạn Đức ở Bình Tân để cầu siêu cho những người tử vong vì Covid19

Cầu siêu có tác dụng làm tăng công đức của người quá cố để họ được tái sinh nơi cực lạc. Tuy nhiên, theo quan niệm Phật giáo, tác dụng ấy có giới hạn nhất định. Cụ thể hơn, cầu siêu chỉ là sức mạnh thứ yếu, không phải là sức mạnh chủ yếu - thứ sức mạnh được tạo ra bởi một quá trình tu thiện, hành thiện lâu dài của con người khi họ còn tại thế. Trong khi đó, lễ cầu siêu là do người sống tổ chức để giúp người chết được siêu thoát nên sức mạnh của lễ cầu siêu đến từ sự hồi hướng công đức tu thiện, hành thiện của người sống dành cho người chết. Mặt khác, với quan niệm “âm siêu dương thới”, lễ cầu siêu còn có tác dụng không nhỏ đối với người sống. Kinh Địa Tạng cho biết, lợi ích của lễ cầu siêu có bảy phần thì sáu phần thuộc về người còn sống (tức người tổ chức lễ cầu siêu), chỉ có một phần thuộc về người đã chết. Do đó, thông qua lễ cầu siêu, người sống và người chết có thể chi phối và giúp đỡ lẫn nhau.

Theo tập quán dân gian, khi có người qua đời, gia đình làm lễ tẩm liệm, lễ phát tang và thọ tang tại nhà. Nhiều gia đình mời nhà sư đến tận nơi quàn linh cữu người quá cố để tụng kinh cầu siêu. Thời hạn siêu độ tốt nhất là trong vòng 49 ngày bởi sau khi chết, linh hồn còn trải qua thời gian 49 ngày chờ đợi cho nghiệp duyên chín muồi mới quyết định tái sinh ở cõi nào. Theo sách Việt Nam phong tục, vào tuần chung thất, “có nhà đem vào chùa làm chay, nhờ nhà sư tụng kinh sám hối ba đêm hoặc bảy đêm ngày để vong hồn được siêu thăng tịnh độ” (Phan Kế Bính, 1992 : 34).

Tuy vậy, chủ thể của việc cầu siêu lại không phải là tăng ni mà là gia quyến của người quá cố. Trong giờ phút lâm chung, gia thuộc của người sắp lìa trần nếu biết đem các đồ vật thiết thân của họ bố thí kẻ nghèo và giúp họ hiểu rằng đó là làm công đức thay cho họ, thì sẽ khiến người sắp mất được an ủi, thanh thản ra đi với niềm tin sớm được vãng sinh cõi Phật. Khi họ đã qua đời rồi mà con cháu một lòng thành kính tổ chức trai tăng, cúng dường Tam bảo, làm điều thiện lương, tỏ rõ sự hiếu thảo thì cũng có thể giúp cho vong linh người thiên cổ sớm được siêu thoát. Như vậy, muốn cứu độ người quá cố, không nhất thiết phải mời tăng ni đến tụng kinh. Phật giáo tuy có nói tụng kinh để siêu độ người chết, nhưng không giới hạn việc tụng kinh ấy là thuộc về tăng ni mà mong muốn tất thảy mọi người đều thành tâm tụng niệm. Như vậy, để lễ cầu siêu được viên mãn, ngoài vai trò của chư tăng và kinh văn giáo lý, yếu tố quan trọng nhất vẫn chính là sự thành tâm của người nhà.

Tập tin:Le-cau-sieu-chua-ba-vang.jpg
Lễ cầu siêu chùa Ba Vàng

Ngày nay, khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, lễ cầu siêu lại càng được coi trọng. Dịp thanh minh, hầu hết các gia đình đều đi tảo mộ, chăm sóc mộ phần tổ tiên và đến chùa để cầu siêu. Nhiều nơi còn cung thỉnh chư tăng cử hành nghi lễ cầu siêu cho đồng bào tử nạn trong các đợt thiên tai, cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông… Nhiều địa phương trong cả nước tổ chức cả đại lễ cầu siêu để tưởng niệm những vị anh hùng liệt sĩ, qua đó, nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Có thể nói, ngoài việc nguyện cầu để người quá cố sớm siêu thoát, lễ cầu siêu còn nhắc nhở con người hôm nay sống thiện lương, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh tinh thần hiếu đạo và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 1992.
  2. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 2005.
  3. Phan Thị Yến Tuyết, “Nghi lễ cầu siêu - cầu an trong cộng đồng các dân tộc tại Nam Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 năm 2005.
  4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, 2007.
  5. Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb. Hà Nội, 2008.
  6. Nhất Thanh, Đất lề quê thói – phong tục Việt Nam, Nxb.Văn học, Hà Nội, tái bản, 2016.
  7. Vũ Ngọc Khánh, Việt Nam phong tục toàn biên, Nxb. Văn học, 2018.