Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ cầu mùa

Lễ cầu mùa là nghi lễ nông nghiệp truyền thống phổ biến đối với hầu hết các dân tộc ở Việt Nam. Nếu người Việt gọi là lễ cầu mùa thì các dân tộc khác đều có những tên gọi khác cho nghi lễ này như Tê Hrệ (trong tiếng Khơ Mú), Kăm buh (trong tiếng Ê Đê), hay Bun huột nặm trong cách gọi của dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên.

Là nghi lễ đặc thù của cư dân nông nghiệp, lễ cầu mùa của các dân tộc đều có mục đích chung là cầu cho thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu, phong đăng hòa cốc, giúp cuộc sống của các gia đình và cộng đồng no ấm, đầy đủ. Đây là một trong những nghi lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của các cộng đồng.

Tập tin:Lễ cầu mùa, nghi lễ quan trọng của người Nùng.jpg
Lễ cầu mùa, nghi lễ quan trọng của người Nùng

Tuy là lễ nghi phổ biến của các cư dân nông nghiệp nhưng lễ cầu mùa ở mỗi dân tộc có những nét riêng về thời gian, địa điểm và cách tiến hành.

Thời điểm các dân tộc Tây Nguyên như dân tộc Ê Đê thường làm lễ kăm buh vào đầu mùa mưa khi sắp bắt đầu vụ mùa mới, giống một số dân tộc ở miền núi phía Bắc như người H’Mông ở Mù Cang Chải, người Mường ở Hòa Bình, hay người Thái ở Điện Biên. Người Khơ Mú (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) lại làm lễ Tê Hrệ khi cây lúa nương sau khi gieo trồng đã lên cao bằng gang tay hay bằng đầu gối và bắt đầu xanh tốt.

Tập tin:Chủ lễ thực hiện nghi thức.jpg
Chủ lễ thực hiện nghi thức

Quy mô và địa điểm và cách thức làm lễ cầu mùa cũng đa dạng theo tộc người. Người Ê Đê làm lễ cầu mùa chung của cộng đồng tại khoảng đất rộng gần rẫy. Bên cạnh gà và rượu, đồ cúng còn bao gồm những những đồ dùng để canh tác và bảo vệ vụ mùa như gậy chọc lỗ, ống đựng thóc giống, mô hình kho lúa, hay khiên đao. Sau khi thầy cúng làm lễ, dân làng thực hiện luôn những động tác chọc lỗ tỉa lúa để báo hiệu vụ mùa mới và cầu cho một mùa mới bội thu. Nhiều nhóm người Dao địa phương ở miền núi phía Bắc lại tiến hành lễ cầu mùa theo quy mô dòng họ. Các gia đình mang lễ vật (rượu, gạo, gà, và trứng) đến nhà trưởng họ tham gia lễ. Thầy cúng sau khi làm các nghi thức xin giống, mầm, nước, phân bón cho vụ mùa mới sẽ làm những lá bùa có in hình nhiều đồng xu ném ra ruộng để xua đuổi sâu bệnh, bảo vệ mùa màng. Người Khơ Mú tổ chức lễ cầu mùa cho nhiều gia đình hay cả bản khoảng 1 tháng sau khi gieo hạt tại một khoảng nương. Trong lễ cúng, các lễ vật như cơm, xôi, lợn, gà, khoai, sắn… được bày trên giàn cúng đơn giản bằng tre nứa. Khi lễ, thầy cúng sẽ làm những tấm phên đan bằng nan tre được bôi máu những con vật cúng như lợn gà cắm tại các khoảng ruộng nước để ngăn chặn tà ma, sâu bệnh, bảo vệ mùa màng.

Tập tin:Mâm lễ vật cầu mùa.jpg
Mâm lễ vật cầu mùa

Lễ cầu mùa được đánh giá qua nhiều khía cạnh khác nhau về tín ngưỡng, kỹ thuật nông nghiệp, hay như một sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Trước hết, quan niệm phổ biến cho rằng lễ cầu mùa thể hiện tính ngưỡng vạn vật hữu linh (animism) của cư dân nông nghiệp. Theo tín ngưỡng này các thế lực siêu nhiên trú ngụ ở mọi cảnh vật, nơi chốn, tạo nên các hiện tượng thiên nhiên và do đó tác động mật thiết tới đời sống và sản xuất của con người. Do vậy, lễ cầu mùa được các cộng đồng tổ chức để cầu mong, giao kết hay tạ ơn thần linh bảo vệ mùa màng.

Bên cạnh tính vạn vật hữu linh, tính phồn thực cũng được chỉ ra trong lễ cầu mùa, đặc biệt ở cộng đồng người Kinh ở đồng bằng sông Hồng. Theo cách nhìn này, lễ cầu mùa ở đồng bằng có các yếu tố phồn thực như việc thờ các sinh thực khí hay các tục “hèm” để cầu cho cây trồng vật nuôi sinh sôi, phát triển.

Lễ cầu mùa và các nghi lễ nông nghiệp khác cũng được xem như một hệ thống các nghi lễ mang tính kỹ thuật (“ritual technology”) (Condominas 1986) của cư dân nông nghiệp. Theo cách nhìn này, nghi lễ nông nghiệp là một khâu kỹ thuật không thể thiếu cùng với các kỹ thuật canh tác khác đảm bảo cho vụ mùa đạt sản lượng tốt.

Theo chính sách Bảo tồn có chọn lọc, trong khi nhiều hoạt động tín ngưỡng được đánh giá là lạc hậu hay mê tín thì lễ cầu mùa cùng các nghi lễ nông nghiệp có liên quan được đánh giá là các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc, là di sản văn hóa lưu giữ và truyền lại các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cư dân nông nghiệp. Nhiều lễ cầu mùa của các dân tộc vì thế được phục hồi và duy trì. Năm 2019 “Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay” (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Condominas, G., ‘Ritual technology in Mnong Gar swidden agriculture’, trong I. Norlund et al. (chủ biên), Rice Societies: Asian Problems and Prospects, pp.28-29, 1986.
  2. Phan Hữu Dật, Lê Ngọc Thắng, Lê Sĩ Giáo, Lâm Bá Nam, Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
  3. Vũ Thị Hoa, Lễ hội cầu mùa của người Thái ở Tây Bắc Việt Namm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.
  4. Nguyễn Đăng Duy, Các hình thái tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
  5. Lê Văn Kỳ, Lễ hội nông nghiệp Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002.
  6. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng). Nxb. TP Hồ Chí Minh, 2005.
  7. Hoàng Lương, Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam. Các tỉnh phía Bắc (tái bản có bổ sung), Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2011.