Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ cầu đảo

Lễ cầu đảo là nghi lễ được thực hiện nhằm hướng tới mục đích cầu mưa, cầu nắng, cầu an cho cộng đồng. lễ cầu đảo xuất phát từ quan niệm, trời, đất và con người có sự cảm ứng, nên những hiện tượng trong tự nhiên như nắng, mưa…, các hiện tượng trong xã hội như họa, phúc, no, đói… đều do sự cảm ứng này mà thành.Một trong những mục đích quan trọng của lễ cầu đảo là điều hòa trạng thái của bầu khí quyển. lễ cầu đảo dạng này có thể là sự cầu xin lực lượng siêu nhiên ban cho mưa (nếu đang kỳ hạn hán) hoặc nắng (nếu đang trong giai đoạn mưa kéo dài), cũng có thể là những hành vi có tính ma thuật để đạt được việc làm cho trời ngừng mưa hoặc ngừng nắng. Sở dĩ việc cầu mưa hay cầu nắng rất quen thuộc trong lễ cầu đảo là bởi, trong quá khứ, hoạt động nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và tình trạng của nguồn nước sẽ là yếu tố hàng đầu chi phối sự ổn định của hoạt động này. Nếu việc cầu đảo mang tính chất khấn nguyện lực lượng siêu nhiên, người ta sẽ chọn cầu xin vị thần nào thích hợp nhất. Còn nếu việc cầu đảo là hành vi ma thuật, việc đó sẽ dựa trên nguyên lý ma thuật vi lượng (ví dụ, muốn có mưa, người ta vẩy nước và giả làm mây, còn ngược lại, họ tìm đến ngọn lửa và hơi nóng).

Lễ cầu đảo không phải là nghi lễ hướng tới lợi ích cá nhân mà hướng tới lợi ích của cộng đồng, vì thế nó không được thực hiện chỉ bởi từng người, từng gia đình mà do một cộng đồng tiến hành, trong sự lựa chọn cẩn trọng về người chủ trì nghi lễ.

Với người Việt, việc cầu đảo diễn ra phổ biến trong thời trung cận đại. lễ cầu đảo có thể diễn ra ở cấp độ một cộng đồng nhỏ như các lễ cầu an, lễ cầu phúc làng xã, hoặc ở một cấp độ lớn hơn như lễ đảo vũ của vùng, hay lớn hơn nữa là tế đàn xã tắc, tế đàn Nam Giao, tế cờ (tế kì đạo) của quốc gia, v.v… Dù diễn ra ở cấp độ nào, lễ cầu đảo luôn được thực hiện bài bản và cẩn trọng. Chẳng hạn, một lễ cầu phúc ở làng - được thực hiện hai hoặc bốn lần một năm - sẽ có đầy đủ các bước sau: cáo yết (trình với Thành hoàng việc tổ chức lễ), tả văn và rước văn (soạn văn tế và rước bản văn trên long đình về làng), và thực hiện nghi thức tế với các vai dự tế là những người khoa bảng và chức sắc (gồm chủ tế, bồi tế, Đông xướng, Tây xướng, nội tán, chấp sự…). Trong lúc tế, những thời điểm dâng rượu, đốt văn tế, nhạc sinh đều phải cử nhạc và sau khi tế xong, dân làng sẽ theo thứ tự vào lễ thần. Còn một lễ cầu an ở làng thì gồm có việc lập đàn tràng và cúng lễ (gồm lễ thu tinh cấm giới, lễ phát tẩu, lễ dâng lục cúng, lễ cát đoạn, lễ cúng tràng phiên, lễ phóng sinh, lễ tạ trời phật, lễ tiễn Ôn chúa...). Lễ cầu an được thực hiện hàng năm vào cuối xuân, đầu hạ. Ngoài ra, nếu trong làng xã đột ngột có ôn dịch, người ta cũng sẽ lập đàn cầu đảo ở đình (gọi là lễ tiễn thảo). lễ cầu đảo cấp cao nhất và quan trọng nhất là của quốc gia, do người đứng đầu nhà nước thực hiện. Các cuốn sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục… cho biết rằng trong suốt thời kỳ quân chủ, đích thân nhiều vị quân vương đã làm lễ cầu đảo khi quốc gia có sự biến, đặc biệt khi có nạn hạn hán kéo dài. Vua Lý Thần Tông (1128, 1134, 1137), vua Lê Nhân Tông (1449), vua Lê Thánh Tông (1496), Minh Mạng (1824, 1826), Đồng Khánh (1868)… đều từng thực hiện lễ đảo vũ một cách trang trọng, thành kính. Việc vua chúa cầu đảo khi trong nước có dịch bệnh cũng không ít gặp, chẳng hạn vào các năm 1670, 1762, 1814, 1826. Khi cầu đảo, vua thường thực hiện nghi thức trai giới kèm theo sự cắt giảm chi tiêu, ngừng các lễ hội, tịnh tâm, sám hối, thực hiện những việc có tính an dân như giảm hoặc hoãn hình ngục, miễn tô thuế, chẩn cấp cho người nghèo đói,… để biến cố sớm chấm dứt. Người xưa xem thiên tai, dịch bệnh,… là hệ quả của những hành vi trái luân thường của con người (chẳng hạn, vua không đủ từ ái, quan không đủ khoan dung); và vì thế, việc thành tâm cầu quỷ thần có thể giúp tác động khiến thay đổi tình hình. Cho đến nay, việc cầu đảo vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng chủ yếu với quy mô địa phương, đặc biệt trong tín ngưỡng thờ Tứ pháp (tín ngưỡng thờ các vị thần nông nghiệp là mây, mưa, sấm và chớp) với loạt lễ cầu mưa ở các chùa thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện ở Thuận Thành (Bắc Ninh), Gia Lâm (Hà Nội), Văn Lâm (Hưng Yên).

Cầu đảo là một nghi lễ thể hiện khát vọng, niềm mong cầu của con người về một đời sống yên ổn.Sự thực hành nghi lễ này cho thấy niềm tin tâm linh, quan niệm về vũ trụ và về nhân sinh của cộng đồng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng, Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1968.
  2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1999.
  3. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện Sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
  4. Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
  5. Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học, Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.