Lễ cấp sắc là nghi lễ công nhận sự trưởng thành về thể chất và khả năng tâm linh của một cá nhân, phổ biến ở các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc như Tày, Nùng và Dao. Với hai tộc người đầu tiên, lễ cấp sắc là nghi lễ dành riêng cho những người làm nghề cúng bái như Then, Mo, Tào, Pụt..; làm lễ cấp sắc là để xác nhận một người chính thức trở thành thầy cúng hoặc được thăng cấp lên vị trí cao hơn trong hoạt động nghề, cho phép họ có thể điều khiển nhiều âm binh hơn và thực hiện được những nghi thức cúng bái phức tạp. Riêng với người Dao, lễ cấp sắc (còn gọi là Cấp đèn trong tiếng Việt hay Quá tăng, Tẩu sai hay Phùn voòng trong tiếng dân tộc) là bắt buộc đối với tất cả nam giới. Mọi nam giới, khi đến một độ tuổi nhất định sẽ phải tổ chức lễ cấp sắc. Chỉ sau khi trải qua nghi lễ này họ mới được coi là trưởng thành, được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy và được cấp âm binh để đi làm lễ cho người khác hoặc chỉ đơn giản là được phép thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Người Dao quan niệm nếu ai không làm lễ cấp sắc khi chết linh hồn sẽ không được siêu thoát, về đoàn tụ với tổ tiên.
Lễ cấp sắc khá phổ biến và có lịch sử lâu đời, tuy nhiên, thời điểm xuất hiện, sự tồn tại và quá trình phát triển của nó ra sao hiện chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào đề cập. Về vấn đề này, duy nhất có câu chuyện truyền thuyết của người Dao kể rằng: Ngày xưa, khi tổ tiên của người Dao đang sinh sống bình yên trên các triền núi, bỗng ma quỷ xuất hiện, chúng giết hại con người, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng, làm cuộc sống của người Dao vô cùng cực khổ. Trước tình cảnh ma quỷ lộng hành dưới trần gian, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ hoạ suốt 3 tháng mà không hết. Ngọc Hoàng kêu gọi người dân cũng phải tự cứu lấy mình nhưng dù cố gắng họ vẫn không thể thắng được ma quỷ. Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh các vị thần truyền phép thuật cho những người đàn ông là chủ các gia đình, cấp cho họ một đạo sắc để cùng với quân nhà trời giệt trừ ma quỷ. Nhờ có sự hiệp lực giữa người trời và người trần mà ma quỷ bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông để họ có thể tự bảo vệ gia đình, cộng đồng của mình. Lễ cấp sắc của người Dao đã ra đời từ lâu và được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.
Các lễ cấp sắc có nhiều loại khác nhau, được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao. Lễ cấp sắc của người Dao được tính theo số đèn gồm: 3 đèn, 5 đèn, 7 đèn, 9 đèn và 12 đèn trong đó lễ cấp sắc 12 đèn ít thực hiện do số lượng thầy cúng cao tay trong cộng đồng hiện nay không còn nhiều. lễ cấp sắc của các bà Pụt người Nùng thì được phân biệt qua các vật phẩm và màu sắc trang phục; cấp 3 thì trên mũ nghi lễ sẽ có thêm một cái trâm bằng ngà trên đó đính con chim nhỏ bằng đồng, từ cấp 4 cho đến cấp 5 thì họ chỉ thay đổi ở màu sắc trang phục. Lễ cấp sắc dành cho các ông/bà Then của người Tày, Nùng thì được tính theo số dây gắn trên mũ nghi lễ gồm: 5 dây, 7 dây, 9 dây, 11 dây, 13 dây và 15 dây. Một ông/bà Then khi cấp sắc cần có sự đồng ý của thày dạy và họ sẽ không được cấp sắc cao hơn người thầy của mình.
Các lễ cấp sắc được tổ chức tại nhà riêng của người được cấp sắc vào những tháng nông nhàn (các tháng 1,2, 11 và 12 âm lịch) và kéo dài trong vòng 2-3 ngày. Nội dung của các lễ cấp sắc, ngoài những nét tương đồng còn có sự khác biệt giữa các dân tộc; mỗi một nghi lễ phản ánh quan niệm về vũ trụ quan và thể hiện đặc trưng văn hoá tộc người. Trình tự lễ cấp sắc của các bà Pụt người Nùng sẽ khác với trình tự của một lễ cấp sắc của các ông/bà Then người Tày hay của người Dao. Một lễ cấp sắc của các bà Pụt ở người Nùng sẽ gồm các bước: (1) chuẩn bị trong đó gồm các thủ tục thỉnh sư, thắng yên ngựa, cảm tạ những lực lượng trợ giúp lễ, biên sớ, biên lễ, mở đường; (2) quyét lễ, rước lễ và đi xin chức danh, (3) tiên đoán vận hạn của người dự lễ thông qua các lễ vật họ mang tới; (4) cấp sắc trong đó các nghi thức đội mũ lễ, đi giày tất mới, lễ tuyên thệ, lễ trao ấn tín, lễ đọc sắc phong, chúc mừng người vừa được cấp sắc, lễ tạ pháp sư; (5): lễ xuống đồng trình diện Ngọc hoàng và bái tạ trời đất; (6) vượt biển; (7) mời tướng phép; (8) diễn trò cày cấy và đi săn; (9) mở hào quang hào ích để đoán tương lai cho người vừa được cấp sắc. Một lễ cấp sắc của các ông/bà Then người Tày sẽ gồm các nghi thức: Báo cáo tổ tiên của người được cấp sắc về việc làm lễ sau đó thực hiện tẩy uế không gian diễn ra nghi lễ bằng cách vẽ bùa lên nước lá bưởi rồi phun ra xung quanh. Tiếp đến là mời các vị tổ sư và thần tưởng của Then tới ngụ ở đàn cúng, dâng hương và các lễ vật lên bàn thờ tổ tiên, dâng rượu, dâng cỗ, rồi mới thực hiện các nghi thức cấp sắc như đọc sắc phong và cấp mũ áo. Sau đó là tạ ơn và chúc mừng; thỉnh mời tổ tiên nhập đồng và thực hiện nghi thức thề ở bốn phương trời. Trình tự lễ cấp sắc của người Dao phải trải qua các nghi thức: đón thày đến nhà làm lễ, dâng đèn, đưa người được cấp sắc đi gặp Ngọc Hoàng, lên đàn cấp dấu, đặt pháp danh (tên âm), đón hình mã trở về và thu quân, đi trên đá nóng để thử thách lòng dũng cảm của người được cấp sắc, hoá vàng, cấp bằng và sau cùng là thực hiện các điệu múa nghi lễ.
Tham dự các lễ cấp sắc ngoài các thành viên trong gia đình còn có nhiều thành phần khác gồm những người họ hàng nội ngoại, thông gia, bạn bè và hàng xóm láng giềng thân thiết. Riêng với lễ cấp sắc của các thầy Then, Mo, Tào, Pụt... người Tày và người Nùng còn có thêm sự hiện diện của các con nhang đệ tử - những người từng nhận sự giúp đỡ trước đó. Họ đến để chia vui cùng với gia đình người được cấp sắc hoặc để cảm tạ công ơn của các thầy Then, Mo, Pụt, Tào... Lễ vật do những vị khách đem đến tuỳ thuộc vào tộc người và đặc điểm văn hoá địa phương. Chẳng hạn với khách tham dự lễ cấp sắc của người Dao sẽ là tiền mặt và rượu còn với người Tày và Nùng thì lại là gạo tẻ, rượu hoặc bánh kẹo, hoa quả sản vật địa phương và một chút tiền mặt đặt lễ.
Các lễ cấp sắc là những tư liệu qúy phản ánh đời sống tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá phong phú của tộc người; chúng đã tích hợp được những giá trị/quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan và nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc. Thông qua lễ cấp sắc, các nhà nghiên cứu có thể xây dựng những luận điểm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan tới bản sắc, lịch sử tộc người, sự giao thoa ảnh hưởng của các tôn giáo lớn (đạo Phật và Đạo giáo) đối với đời sống các tộc người thiểu số miền núi.
Hiện nay, các lễ cấp sắc không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, bản làng. Ở một số địa phương, các lễ cấp sắc đã được (trích đoạn) đưa lên trình diễn trên các sân khấu lớn như là một nét đẹp văn hoá đặc sắc của tộc người, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, người dân và các phương tiện truyền thông đại chúng. Ghi nhận giá trị của lễ cấp sắc, ngày 21/11/2016, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch đã chính thức đưa lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-bài vịHTTDL. Tương tự, các lễ cấp sắc của người Tày, người Nùng cũng đã được ghi nhận và có những chính sách bảo tồn, phát huy cùng với các nghi lễ tôn giáo cụ thể của dân tộc
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lý Hành Sơn, Các nghi lễ trong chu kỳ đời người của nhóm Dao Tiền ở Ba Bể, Bắc Kạn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
- Phan Ngọc Khuê, Lễ cấp sắc của người Dao Lô Gang ở Lạng Sơn, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
- Nguyễn Liễn, Đỗ Quang Tụ (đồng chủ biên), Người Dao trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2005.
- Nguyễn Thị Yên và Nguyễn Thiên Tứ, Lễ cấp sắc pụt Nùng, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2006.
- Vũ Quốc Khánh, Người Dao ở Việt Nam, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2007.