Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ bỏ mả

Lễ bỏ mả là một loại nghi lễ cúng cho người đã mất của một số dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên như Ba Na, Jrai, Ê Đê, Mơ Nông, và Cơ Tu.

Theo quan niệm của các dân tộc này thì hồn của người đã qua đời biến thành ma (atâu– trong tiếng Jrai) nhưng vẫn lưu luyến với cuộc sống của con người. lễ bỏ mả là nghi lễ để người sống, các thành viên trong gia đình, chính thức tiễn biệt những linh hồn này về thế giới của người chết (čar atâu – trong tiếng Jrai) để bắt đầu một cuộc sống mới với ông bà tổ tiên.

Nhà mồ là nơi các gia đình tiến hành lễ bỏ mả. Mỗi nhà mồ là nơi chôn cất chung của một gia đình mở rộng hay một dòng họ. Nhà mồ kết cấu đơn giản gồm cột và mái che rào quây xung quanh. Những người qua đời được chôn nối tiếp nhau trong gian nhà mồ của dòng họ, và do đó nhà mồ được nối dài ra theo thời gian. Trong lễ bỏ mả nhà mồ được trang hoàng lại nhưng sẽ bị bỏ đi vĩnh viễn khi lễ kết thúc.

Lễ bỏ mả thường được các gia đình tiến hành khi mùa vụ kết thúc và mùa mưa vừa dứt. Lúc này các gia đình có thời gian rảnh rỗi để chuẩn bị cho lễ. Người Jrai có câu "Bơlan ning nông thông atâu" (tháng nghỉ đi chơi lễ bỏ mả) còn người Ba Na có câu "Khêi ning nơng pơm bơxát" (tháng nghỉ làm nhà mả) để gọi khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, thời gian làm lễ cũng được xác định khi tất cả các gia đình có người mất ở cùng một mái nhà mồ đủ khả năng và đã chuẩn bị được đủ gạo, rượu, heo, trâu, bò để hiến sinh lần cuối, tiễn biệt người chết.

Những người tham dự lễ bỏ mả không bó hẹp trong phạm vi cộng đồng mà còn được mở rộng theo các quan hệ thông gia, bạn bè, họ hàng, bạn bè anh em kết nghĩa, cha con, mẹ con kết nghĩa của các thành viên trong gia đình tham gia làm lễ. Do đó, trước khi làm lễ cả tháng, các thành viên trong gia đình phải thông tin tới những người muốn mời để họ thu xếp thời gian đến dự lễ và chia sẻ cùng gia đình.

Dựng và trang hoàng nhà mồ chiếm phần chính trong công tác chuẩn bị cho lễ bỏ mả. Nhiều ngày trước lễ bỏ mả, các thành viên gia đình cùng bạn bè và người thân trong làng mà chủ yếu là đàn ông cùng nhau vào rừng tìm gỗ, tre, song mây, cỏ gianh tập hợp về khu nhà mồ. những nghệ nhân khéo tay trong làng cũng được mời đến để đẽo tượng dựng quanh nhà mả. Mỗi tượng đều chứa đựng những ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn nhà mồ Jrai thường có bốn trụ tượng chim čim sing đứng gần nhau bốn góc. Với người Jrai, hình tượng chim này tượng trưng cho ước mong hồn người chết luôn no đủ. Ngoài ra người ta còn dựng quanh nhà mồ tượng người với nhiều tư thế trong đời thường ngày như hình người đang giã gạo, đang chọc lỗ trỉa lúa, đang săn bắn… Khi công việc chuẩn bị được hoàn tất, ngôi nhà mồ sắp được bỏ nổi bật giữa một khu nghĩa địa phong quang, sạch sẽ. Các con trâu sắp hiến sinh được cột ở một bên khu nhà mả. Rượu ghè được xếp thành hàng dài ở khoảng trống gần nhà mả.

Trong đêm bỏ mả đầu tiên, các thành viên gia đình tham gia lễ bỏ mả vào nhà mả để than khóc và chuyện trò với người đã mất lần cuối. Trong khi đó, bạn bè thân quen trong làng hay ở các làng xa đến tham dự thay nhau đánh chiêng, nhảy xoang đi xung quanh khu nhà mồ suốt đêm để chia sẻ nỗi buồn và đồng cảm với gia đình người mất. Thường từ chập tối cho đến nửa đêm là thời gian chiêng trống và xoang của thanh niên với tiết tấu nhanh, mạnh.

Là nghi lễ tiễn biệt vĩnh viễn linh hồn người đã mất, lễ bỏ mả hướng đến sự tái sinh, đến một “cuộc sống mới” cho cả linh hồn người đã khuất cũng như cho những người thân còn sống. Với linh hồn người mất, lễ bỏ mả như một nghi thức tiễn họ về với “cuộc sống mới” ở thế giới bên kia. Trong những đồ hiến cúng cho người chết có một con gà con mới nở - vật sống duy nhất trong lễ vật dâng cúng. Vật cúng này tượng trưng cho sự sinh nở, cuộc sống mới bắt đầu và khả năng tự mưu sinh cho mình. Sự sống này cũng tương tự như việc hồn ma người chết cũng sẽ tái sinh trong một cuộc sống mới ở thế giới čar atâu của họ. Sau lễ bỏ mả, một cuộc sống mới cũng mở ra với những người sống vì sau khi làm lễ bỏ mả, việc chăm sóc mồ mả, sự ràng buộc giữa người sống và người mất cũng chấm dứt. Đàn ông góa vợ, đàn bà góa chồng được tự do tái giá.

Bên cạnh ý nghĩa nhân văn, lễ bỏ mả của một số dân tộc ở Tây Nguyên chứa đựng những giá trị văn hóa cộng đồng, cùng những giá trị về biểu tượng và nghệ thuật. lễ bỏ mả là môi trường thực hành, diễn xướng và trao truyền các kỹ năng và sinh hoạt văn hóa dân gian như làm tượng nhà mồ, diễn tấu cồng chiêng, hay xoang. Do đó, lễ bỏ mả, một hội lễ văn hóa - nghệ thuật và xã hội lớn nhất ở Tây Nguyên, là một lễ hội tiêu biểu cho dạng thức văn hoá dân gian tổng thể, nơi các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được kết hợp thực hành và trình diễn một cách nhuần nhuyễn và sinh động.

Với những ý nghĩa văn hóa và nhân văn đó, lễ bỏ mả là một sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa đặc trưng điển hình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – di sản phi vật thể được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2005.

Ngày nay, lễ bỏ mả của các dân tộc ở Tây Nguyên đã thay đổi nhiều dưới ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại với xu hướng đơn giản hóa các lễ nghi, hay sự biến đổi của cảnh quan các buôn làng Tây Nguyên. Chịu các tác động này, không gian khu chôn cất của các gia đình, dòng họ ngày càng bị thu hẹp và ở gần khu dân cư, thay vì ở gần rừng như trước đây, ngày càng có nhiều những ngôi nhà mồ bằng xi măng cốt thép hoặc nhà mồ xây lợp mái tôn, các tượng nhà mồ hay thậm chí quan tài cũng đã được đắp ngày càng phổ biến bằng xi măng. Bên cạnh đó do việc cải đạo sang đạo Thiên Chúa hay Tin Lành khiến các làng theo những tôn giáo mới này từ bỏ phong tục bỏ mả. Trước những biến đổi theo hướng suy thoái mau chóng đó của lễ bỏ mả các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, ngành văn hóa đã có những nỗ lực để giữ lại các giá trị của nghi lễ và di sản văn hóa độc đáo này.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ngô Văn Doanh, Nhà mồ và tượng mồ Gia rai - Bơhnar, Sở văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai và Viện Đông Nam Á, Gia Lai, 1993.
  2. Ngô Văn Doanh, Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1995.
  3. Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Tấn Cứ, Điêu khắc tượng mồ Tây Nguyên, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội, 1995.
  4. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hoá tộc người, NXB Văn hoá thông tin và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 1996.
  5. Ngô Văn Doanh, Bơ thi - cái chết được hồi sinh: lễ bỏ mả và nhà mồ bắc Tây Nguyên, Nxb Thế giới, 2007.