Mục từ này cần được bình duyệt
Lễ

Lễ (phồn thể: 禮, giản thể: 礼) - một trong những khái niệm trung tâm của Khổng giáo (nhân, nghĩa, lễ), là một trong năm đức cở bản nhất của con người trong thuyết “ngũ thường” của Nho gia (nhân, nghĩa, lễ, trí và tín)..

“Lễ” nguyên là kính trời, thờ quỷ thần, tôn thờ tổ tiên, cầu phúc đức, một dạng sinh hoạt văn hóa tinh thần mang màu sắc lễ nghi tôn giáo ở Trung Quốc cổ đại. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, khái niệm “lễ” ngày càng được mở rộng về nội dung và tính chất. Lễ được coi là lễ nghi (nhất là tang và tế), nghi điển; là lề lối cư xử, là quy tắc, luật lệ chuẩn mực quy định trật tự quan hệ xã hội, từ gia tộc đến ngoài xã hội. Sang thời kỳ nhà Thương cùng với sự hình thành đẳng cấp xã hội và việc tôn sùng Trời, tế lễ Trời và tế lễ tổ tiên trở thành việc trọng đại nhất của đất nước, lễ có được một nội dung mới là lề lối, quy tắc duy trì trật tự đẳng cấp xã hội, làm cho thần quyền và thế quyền hợp lại làm một trong lễ. Rút ra bài học diệt vong của nhà Thương, phản ánh sự biến đổi của đời sống xã hội, nhà Chu cho rằng, bên cạnh việc kính trời, thờ cúng tổ tiên thì còn cần phải tu dưỡng đạo đức cùng với lễ, “kính thiên” cùng với “bảo dân”, tạo ra một bước tiến lớn trong quan điểm về lễ. So với thời kỳ nhà Thương, lễ giờ đây bao hàm của ý nghĩa tôn giáo, chính trị lẫn đạo đức.

Thời kỳ Xuân thu là thời kỳ xã hội đầy biến động, đánh dấu sự suy tàn của chế độ tông pháp nhà Chu và bước đầu hình thành chế độ phong kiến. Sự phản kháng của nhân dân lao động và sự phê phán của các nhà tư tưởng tiến bộ đối với quan điểm thiên mệnh, lễ trị đã làm cho trật tự biến đổi, “lễ băng nhạc hoại”, uy thế của trời bị lung lay. Từ đó đã xuất hiện quan điểm đề cao đức nhân, tức thông qua sự tu dưỡng nội tâm của mỗi người, hình thành đức nhân như một đức tính bao gồm tất cả đức tính tốt đẹp của con người, để từ đó thực hiện lễ trị, khôi phục lễ nhà Chu có cải biến nhờ tư tưởng “khắc kỷ phục lễ vi nhân” của Khổng Tử.

Trong Khổng giáo, lễ là tất cả những quy tắc ứng xử chi phối quan hệ giữa người với người, từ quan hệ vua tôi đến quan hệ gia đình, bạn hữu, cũng như cách thức thể hiện, thái độ cần phải có trong một hoàn cảnh cụ thể. Lễ có hai phương diện (1) cách thức ứng xử, như thái độ giao tiếp, trang phục, tiếp đón, chào hỏi, v.v. (nên được dịch ra tiếng Anh là proprieties - phép lịch sự) và (2) các nghi thức, trong quan hệ nhà nước (quốc lễ), trong hôn nhân gia đình (hôn lễ), v.v. (dịch ra tiếng Anh là rites - nghi thức, nghi lễ). Lễ cũng còn là biểu hiện sự tôn kính và ghi công những người đã quá cố (tang lễ, tế lễ, lễ hội). Thật ra, hai phương diện này cùng với những hình thức biểu hiện khác nhau đều xuất phát từ một mục đích là thể hiện sự thương yêu, tôn trọng người khác.

Theo Khổng giáo, lễ là biểu hiện đức “nhân” về mặt hình thức ứng xử (khác với “nghĩa” –hy sinh lợi ích của mình để cứu giúp người khác). Nếu không có “nhân”, tức là không có lòng thương yêu và tôn trọng thật sự thì lễ chỉ còn là hành vi giả dối, phô trương. Người không có đức nhân thì dùng lễ, nghĩa chỉ để che đậy lòng dạ xấu xa của mình. Khổng Tử nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà ? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà ?” (Người không có nhân thì lễ để làm gì? Người không có nhân thì nhạc để làm gì?). Lâm Phóng (người nước Lỗ) hỏi về cái gốc của lễ, Khổng Tử nói: “Câu hỏi này rất quan trọng! Lễ nghi mà xa hoa thì không bằng tiết kiệm. Đám tang mà cầu kỳ phô trương, chẳng bằng đau buồn trong lòng” (Xem Luận ngữ, Bát Dật, 3 va 4).

Tài liệu tham khảo

1. Từ điển Bách khoa Việt Nam ;

2. Nguyễn Ước. Nho giáo đại cương

3. Nguyễn Kim Sơn (2017). Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

4. Từ điển Triết học giản yếu (1980). Nxb Sự thật.