Mục từ này cần được bình duyệt
Lưu trữ chuyên ngành

LƯU TRỮ CHUYÊN NGÀNH hoạt động lưu trữ đối với tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ hình thành trong hoạt động của một ngành hay lĩnh vực. Hoạt động của cơ quan, tổ chức sản sinh ra hai loại hình tài liệu phổ biến, đó là tài liệu hành chính và tài liệu chuyên môn nghiệp vụ. Tài liệu chuyên môn nghiệp vụ là tài liệu kỹ thuật, nghiệp vụ hình thành trong quá trình giải quyết công việc để phục vụ cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ hàng ngày của cơ quan, tổ chức. Đặc điểm của tài liệu chuyên môn nghiệp vụ là sử dụng ngôn ngữ riêng để diễn đạt nội dung như thuật ngữ chuyên ngành, con số, hình vẽ, biểu đồ… ;thể hiện trên các vật mang tin đa dạng như giấy, phim ảnh, đĩa từ... Xuất phát từ tính đặc thù, hoạt động lưu trữ tài liệu chuyên ngành có nhiều điểm khác biệt so với tài liệu hành chính. Đây là lý do cơ bản để thành lập các Lưu trữ chuyên ngành trong hệ thống các cơ quan lưu trữ.

Lưu trữ chuyên ngành có chức năng thu thập, tổ chức khoa học, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ chuyên môn của một số ngành hay lĩnh vực. Lưu trữ chuyên ngành được thiết lập ở hai nhóm ngành: Thứ nhất là những ngành hoạt động có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia như ngành quốc phòng, công an, ngoại giao; Thứ hai là những ngành hoạt động có tính chuyên môn, nghiệp vụ sâu cần có chế độ quản lý tài liệu lưu trữ riêng như ngành khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất, địa chính, khoáng sản... Những ngành hoạt động khác do tài liệu lưu trữ chuyên môn nghiệp vụ không mang đặc điểm trên nên không thiết lập các Lưu trữ chuyên ngành.

Tiếp cận góc độ lý luận, Lưu trữ chuyên ngành là một dạng của Lưu trữ lịch sử, tuy nhiên, căn cứ quy định pháp lý của Việt Nam, tài liệu lưu trữ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn của các ngành này, trong vòng ba mươi năm, kể từ năm kết thúc công việc được nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử. Những tài liệu lưu trữ chưa được giải mật hoặc tài liệu lưu trữ cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ hàng ngày được bảo quản tại các Lưu trữ chuyên ngành.

Hiện nay, ở Việt Nam, việc công nhận các cơ quan có thẩm quyền lưu trữ loại hình tài liệu đặc thù như phim ảnh, băng ghi âm, băng ghi hình hay tài liệu lưu trữ điện tử là một Lưu trữ chuyên ngành vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đào Xuân Chúc, Nguyễn Văn Hàm, Vương Đình Quyền, Nguyễn Văn Thâm: Lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990, tr.49;
  2. Luật Lưu trữ năm 2011;
  3. Nghị định 01/2013/NĐ-CP ngày 03.01.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ.