Mục từ này cần được bình duyệt
Lưu Quý Kỳ

Lưu Quý Kỳ (1919-1982) nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động chính trị, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1919 tại xã Minh Hương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một vùng đất nghèo, nhưng giàu truyền thống yêu nước. Cha ông làm nghề cắt tóc, mẹ chạy chợ bán hàng rong. Sau khi học xong bằng Thành chung, Lưu Quý Kỳ (LQK) được cha mẹ lo cho vào học Trường Kỹ nghệ thực hành tại Huế Âu với ước nguyện có công ăn việc làm để đổi đời. Nhưng việc học của ông đã lỡ dở. Tháng 6 năm 1937, LQK bị đuổi học do tội chủ mưu tổ chức phong trào học sinh bãi khóa chống nhà cầm quyền. Sau sự kiện này, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của tổ chức Đảng ở Hội An. Tháng 11 năm 1937, ông được cử vào Sài Gòn làm Bí thư Liên đoàn thành niên dân chủ Nam Kỳ, kiêm Tổng thư ký Ban vận động Đông Dương văn sĩ tả phái liên đoàn nhằm vận động các nhà văn yêu nước, tiến bộ tham gia hàng ngũ cách mạng. Với trách nhiệm công tác được giao, ông thâm nhập vào các trường học, xưởng máy, khu lao động, tuyên truyền, vận động, xây dựng lực lượng cách mạng.

Vừa hoạt động chính trị, LQK vừa làm Thư ký tòa soạn báo Dân tiến, tờ báo do Xứ ủy Trung kỳ xuất bản tại Sài Gòn để phát hành về khu vực miền Trung thay thế tờ báo Dân ở Huế đã bị đóng cửa. Sau khi tờ Dân tiến bị cấm như, ông tiếp tục làm Thư ký toàn soạn các tờ báo: Dân muốn, Tiến tới. Năm 1939, ông được cử làm Chủ bút và trở thành cây bút chủ lực của tờ báo Mới - cơ quan của Liên đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ, kiêm nhiệm biên tập viên một số tờ báo do Đảng xuất bản công khai như: Lao động, Phổ thông, Dân chúng, Tin tức. Những bút danh của LQK như: Thanh Vệ, Phác Căn, Lưu Quang Khải cũng thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo công khai khác nhau như: Công luận, Điện tín, Thế kỷ, v.v..

Năm 1940 LQK bị thực dân Pháp bắt, đưa đi đầy ở Trà Khê - Tây Nguyên. Đầu năm 1945, ngay sau khi được trả tự do trở về quê, ông liên lạc với tổ chức, tham chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công, LQK được giao làm chủ bút tạp chí Ánh Sáng - Cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (tên công khai của Đảng cộng sản Đông Dương lúc đó) ở Trung bộ. Năm 1947, ông nhận trách nhiệm chủ bút báo Cứu nước - cơ quan của Khu ủy khu 4 và phụ trách tờ tạp chí Kháng chiến, kiêm ủy viên Ban biên tập báo Sáng tạo - Cơ quan văn nghệ khu 4.

Tháng 8 năm 1948, LQK lên đường vào Nam Bộ lần thứ hai. Đây là cuộc hành quân vô cùng gian nan, kéo dài sáu tháng, đi bộ dọc theo dãy Trường Sơn, đến tháng 3 năm 1949 mới vào đến Đồng Tháp Mười. Tại đây, ông đã được cử làm Ủy viên Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ, Giám đốc Sở Văn nghệ - Tuyên truyền Nam Bộ (sau đổi là Sở Thông tin Nam bộ), Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nam bộ, Chủ bút tạp chí Lá lúa – cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam bộ, Chủ bút tạp chí Thống nhất, Chủ bút báo Nhân dân miền Nam - cơ quan Trung ương cục, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ. Đây là thời kỳ công tác kháng chiến, làm báo gian lao, thiếu thốn, nguy hiểm nhưng cũng đầy sôi nổi và sáng tạo của ông.

Sau Hiệp nghị Giơnevơ, LQK cùng vợ gửi lại hai đứa con thơ cho người má vợ nuôi, tập kết ra Bắc. Gia đình ông sống trong cảnh chia lìa suốt hai mươi mốt năm trời. Trong những năm sống, làm việc trên đất Bắc, hầu như lúc nào ông cũng canh cánh nỗi nhớ quê hương, người thân bên kia giới tuyến, gắng vượt lên mình, mong được đóng góp một phần cho ngày thống nhất đất nước mau đến. Ông đã được cử làm Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Tháng 10.1981, tại Đại hội Tổ chức quốc tết các nhà báo (OIJ) họp ở Mátxcơva, ông tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội và được bầu làm Phó Chủ tịch OIJ. Ông cũng là người có đóng góp lớn trong xây dựng phát triển cơ sở đào tạo cán bộ báo chí, trực tiếp giảng dạy và ấp ủ nhiều dự kiến về phát triển, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ tuổi.

Ngày 1-8-1982, trong chuyến đi công tác nước ngoài với trách nhiệm đặc phái viên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, LQK đột ngột qua đời tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan, khi mới sáu mươi ba tuổi. LQK là một ngòi bút đa dạng với sức viết đáng khâm phục. Năm 1935, khi mới mười sáu tuổi, ông đã có truyện ngắn Vượt Ngục đăng trên tờ Tin văn ở Hà Nội. Ông làm thơ đăng trên các báo và xuất bản tập thơ đầu tiên Bài thơ Nam Bộ năm 1950. Các tác phẩm lý luận phê bình văn học của ông được tập hợp trong hai cuốn sách: Tác phong văn nghệ nhân dân do Nhà xuất bản Lá lúa in năm 1951 và Qua thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam Bộ do Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1958. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của LQK là hoạt động báo chí, trong đó bút ký là thể loại chiếm vị trí đặc biệt. Các bút ký của ông được in trên báo, phát trên đài phát thanh và phần cơ bản đã được tập hợp lại trong các cuốn sách như: Miền Nam yêu quý (Nxb Sự thật 1955), Một phút về Nam (Nxb Thanh niên 1960), Phút im lặng (Nxb Sự thật 1972), Nước về biển cả (Nxb Thanh niên 1972), Tâm sự với anh (Nxb Văn học 1984) v.v..

Các bút ký của LQK mang hơi thở của thời cuộc, bám sát, các sự kiện của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Trong những năm tháng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông cũng khoác ba lô lên đường, như một phóng viên mặt trận. Không ít lần, ông có mặt tại các trận địa ngay sau trận đánh, khi khói súng còn chưa tan, thậm chí ngay cả khi máy bay địch đang gầm réo, pháo sáng đang treo trên đầu và tiếng bom đạn nổ rung chuyển mặt đất. Các bút ký của ông không chỉ ghi lại những chất liệu sống ngồn ngộn, thu được trong mỗi một chuyến đi, mỗi điểm dừng chân, mỗi cuộc gặp gỡ, mà còn dâng trào cảm xúc trước hiện thực hào hùng của cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, trước cuộc sống gian khổ, ác liệt nhưng rất lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của nhân dân, cán bộ và bộ đội ta. Do trách nhiệm công tác, ông thường có các chuyến đi nước ngoài nên có nhiều bút ký viết về đời sống văn hóa và tình đoàn kết của nhân dân các nước dành cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bút ký của của ông giàu chất thơ, chất nhạc; chau chuốt trong mỗi câu, mỗi chữ; nhịp nhàng trong vần điệu, sinh động về tiết tấu; tính sự kiện báo chí hòa trộn với sự bay bổng hào sảng, lãng mạn của tâm hồn. Những cái riêng có trong bút ký của ông bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, từ niềm say mê lý tưởng cách mạng, từ sự trải nghiệm cuộc sống phong phú, và từ một tâm hồn trong sáng với chất nghệ sĩ đậm đà hương sắc xứ Quảng, để làm nên một phong cách bút ký riêng có của LQK.

Trong bốn mươi bảy năm liên tục làm báo phục vụ cách mạng, LQK đã viết đến gần ba nghìn bài báo, xuất bản hai mươi bảy cuốn sách các loại và nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc. Tên ông được đặt cho ba con đường ở Quảng Nam, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được OIJ tặng thưởng Huy chương Julius Fucik - “Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lưu Quý Kỳ: Nhân dân miền Nam không có con đường nào khác, Nxb Sự thật, H., 1962.
  2. Lưu Quý Kỳ: Phong trào nhân dân thế giới chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam, Nxb Sự thật, H., 1967.
  3. Lưu Quý Kỳ: Nước về biển cả, Nxb Thanh niên, H., 1972.
  4. Lưu Quý Kỳ: Tâm sự với anh, Nxb Văn học, H., 1984.
  5. Lưu Quý Kỳ: Tuyển tập tác phẩm ký, Tạ Ngọc Tấn sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, Hội Nhà Báo Việt Nam, HN, 2004.