Mục từ này cần được bình duyệt
Lý thuyết lực hấp dẫn trong kinh tế quốc tế
Mô hình lực hấp dẫn trong thương mại quốc tế

Lý thuyết lực hấp dẫn trong kinh tế quốc tế là một lý thuyết kinh tế học được sử dụng để dự đoán quan hệ thương mại song phương hoặc dòng chảy FDI dựa trên quy mô của nền kinh tế - thường sử dụng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GDP bình quân đầu người, Tổng sản phẩm quốc dân (GNP), và GNP bình quân đầu người - và khoảng cách giữa hai đối tác thương mại/đầu tư. Mô hình trọng lực đầu tiên được áp dụng bởi Tinbergen (1962) và Linnemann (1966). Nó được đặt tên là “mô hình lực hấp dẫn” tương tự với định luật vạn vật hấp dẫn của Isaac Newton khi tính toán lực hút tương tác giữa hai vật thể Fij, tỷ lệ thuận với khối lượng Mi, Mj và tỷ lệ nghịch với khoảng cách, với công thức:

Fij = G * Mi * Mj / Dij

Ở đây G là hệ số hấp dẫn

Mô hình lực hấp dẫn trong thương mại quốc tế[sửa]

Trong lý thuyết lực hấp dẫn đầu tiên, lý thuyết này giả định rằng luồng thương mại giữa hai nước phụ thuộc vào quy mô của hai nền kinh tế (tính theo GDP), độ giàu có tính theo (GDP/người) và khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia. Nói cách khác, lý thuyết trọng lực về thương mại dựa trên ba nhóm yếu tố: nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến cung của nước xuất khẩu (thể hiện năng lực sản xuất của nước xuất khẩu) bao gồm: quy mô nền kinh tế (GDP), quy mô dân số; nhóm nhân tố ảnh hưởng đến cầu của nước nhập khẩu (thể hiện sức mua của thị trường nước nhập khẩu) bao gồm quy mô dân số, quy mô nền kinh tế (GDP); nhóm các nhân tố hấp dẫn/cản trở bao gồm các chính sách quản lý hoặc khuyến khích xuất khẩu/nhập khẩu, khoảng cách giữa hai quốc gia (thường xét trên hai khía cạnh là khoảng cách địa lý và khoảng cách trình độ phát triển kinh tế). Cả ba nhóm nhân tố trên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, chúng vừa có tác động hút (nước nhập khẩu) và cũng có tác động đẩy (nước xuất khẩu) giúp quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Mô hình đơn giản đầu tiên[sửa]

Trong mô hình đơn giản,

Ở đây

  • Tij là kim ngạch trao đổi thương mại giữa quốc gia i và quốc gia j
  • A là Hệ số hấp dẫn hay cản trở
  • Yi là Quy mô nền kinh tế của quốc gia i
  • Yj là Quy mô nền kinh tế của quốc gia j
  • DISij là Khoảng cách giữa hai quốc gia ij
  • β1; β2; β3 là các Hệ số hồi quy riêng của từng nhân tố có trong mô hình
  • uij là Sai số ngẫu nhiên

Về cơ bản lý thuyết trên đã lượng hóa được ảnh hưởng của 3 nhân tố cơ bản là quy mô nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu, quốc gia nhập khẩu và khoảng cách giữa hai quốc gia đến kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai quốc gia.

Các mô hình nâng cao[sửa]

Các nghiên cứu sau đó trên cơ sở của mô hình này đã phát triển và bổ sung thêm các nhân tố khác vào mô hình như nghiên cứu của Gbetnkom và Khan (2002), Erdem và Nazlioglu (2008), Hatab, Romstad và Huo (2010) và một số nghiên cứu khác.

Theo đó, tác động đến kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia không chỉ có quy mô nền kinh tế (thường được thể hiện bằng GDP) của hai quốc gia, khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia mà còn có một số nhân tố khác như: Quy mô dân số quốc gia; Sự khác biệt văn hóa: lịch sử thuộc địa, sự đa dạng ngôn ngữ (số lượng ngôn ngữ được sử dụng) và tỷ lệ biết chữ (tính bằng %); Thể chế, sự bất ổn định (cường độ xung đột, khủng bố, khủng hoảng, ổn định chính trị kinh tế vĩ mô, hiệu quả quản lý nhà nước, v.v…); Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences [GSP], Hiệp định Thương mại ưu đãi [PTA]); Tiếp cận thị trường, độ mở cửa (% thuế suất trung bình, tỷ lệ đo bằng (xuất khẩu + nhập khẩu)/GDP), WTO, FTA.. v.v…) ; Chỉ số tương đồng về quy mô, khác biệt về nguồn lực tương đối ([ln(GDPit/(dân số)it) – ln(GDPjt/(dân số)jt)]).

Ứng dụng[sửa]

Lý thuyết lực hấp dẫn trong kinh tế quốc tế đã được sử dụng trong kinh tế quốc tế để đánh giá tác động của điều ước quốc tế hoặc hiệp định thương mại lên ngoại thương và FDI, như Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đo lường các hiệu ứng như tạo thương mại, chệch hướng thương mại.

Ở Việt Nam có rất nhiều công trình vận dụng lý thuyết lực hấp dẫn, nghiên cứu về khả năng trao đổi thương mại hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các nước trong các quan hệ song phương cũng như hội nhập liên kết khu vực, đánh giá dự báo tác động của các FTA tới xuất khẩu sản phẩm nói chung và sản phẩm chủ lực nói riêng của Việt Nam.

Tuy nhiên để có độ chính xác cao cần kết hợp với nhiều mô hình và các chỉ số thống kê khác nhau.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đào Ngọc Tiến, Các nhân tố ảnh hưởng đến luồng xuất khu của Việt Nam và hàm ý chính sách trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, Hội thảoNghiên cứu về chính sách thương mại quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương, 2009.
  2. Erdem and Nazlioglu, Gravity model of Turkish Agricultural Exports to the European Union,International Trade and Finance Association, 2008.
  3. Gbetnkom D. and Khan A. S., Determinants of Agricultural exports: The case of Cameroon, African economic research consortium, Cameroon, 2002
  4. Hatab, Abu, Romstad and Huo, “Determinants of Egyptian Agricultural Exports: A Gravity Model Approach”, Modern Economy 1, 2010
  5. International Trade Central-UNCTAD/WTO, Market Analysis Section, Trade Sim (second version), a gravity model for the calculation of trade potentials for developing countries and economies in transition, Explanatory notes, 2003.
  6. Linnermann H., An Econometric Study of International Trade Flows, Amsterdam, North-Holland, 1966.
  7. Tinbergen J., Shaping the World Economy: Suggesstions for an International Economy Policy, New York: The Twentieth Century Fund, 1962.