Mục từ này cần được bình duyệt
Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu

(Optimum Currency Area Theory)

Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu đưa ra khái niệm về khu vực tiền tệ tối ưu và các tiêu chí để đánh giá các điều kiện về hội nhập tiền tệ. Lý thuyết này thiết lập một số tiêu chí cho một khu vực với nhiều quốc gia khác nhau có thể trở thành một Khu vực tiền tệ tối ưu. Theo đó, Khu vực tiền tệ tối ưu là lãnh thổ bao gồm những nước cùng chung những điều kiện, khả năng thích hợp nhất để sử dụng một loại tiền thống nhất hoặc chung những khả năng để thiết lập một mức giá vững chắc giữa các đồng tiền quốc gia của mình.

Nguồn gốc và sự phát triển của Lý thuyết tiền tệ tối ưu

Lý thuyết về khu vực tiền tệ tối ưu do nhà kinh tế Mỹ Mundell đưa ra năm 1961. Ý tưởng về khu vực tiền tệ tối ưu là một nghiên cứu đi tiên phong trong lý thuyết về liên minh kinh tế và tiền tệ.

Những tranh luận thời kỳ đầu về Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu tập trung vào việc lựa chọn chế độ tỷ giá hối đoái. Đã có nhiều quan điểm tranh luận khác nhau trước khi lý thuyết Khu vực tiền tệ tối ưu ra đời. Luận điểm kinh tế của Friedman (1953) cho rằng: nếu không có sự linh hoạt về tiền lương và giá cả thì chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt thường đảm bảo mang lại những thành quả kinh tế vĩ mô tốt hơn chế độ tỷ giá cố định. Luận điểm này được Friedman đưa ra khi ông thực hiện nghiên cứu tỷ giá hối đoái linh hoạt cho hầu hết các nước. Friedman (1953) ủng hộ tỷ giá hối đoái linh hoạt vì chúng được coi như là một phương tiện tốt hơn để hấp thụ những cú sốc ngoại sinh.

Tám năm sau Friedman, Mundell (1961) đã xuất bản bài viết về Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu, trong đó xác định Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu là một khu vực có các yếu tố sản xuất bên trong biến đổi (bao gồm cả biến đổi trong khu vực và trong nền công nghiệp) và linh hoạt hoá các yếu tố sản xuất bên ngoài. Mundell sử dụng từ “tối ưu” để ám chỉ một chế độ mà liên minh tiền tệ duy trì được cân bằng kinh tế bên trong và bên ngoài ở một khu vực cụ thể. Từ “khu vực” không phải là một khu vực địa lý. Mà nó còn hơn một khu vực kinh tế, nơi mà các sản phẩm xuất xứ được sản xuất, công nghệ và kiến thức ở mức độ tương đương nhau. Nó hàm ý một khu vực chịu tác động đồng đều bởi những thay đổi. Theo định nghĩa, một khu vực chỉ sự hội nhập của các quốc gia, vì vậy, một quốc gia đơn thuần không thể gọi là khu vực. Những kết luận của học thuyết này phụ thuộc chủ yếu vào các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ của Keynes được sử dụng để bình ổn thất nghiệp và sản lượng (Grubel, 2002).

Từ sau nghiên cứu đột phá của Mundell (1961), Lý thuyết Khu vực Tiền tệ Tối ưu đã trở thành một lý thuyết chính để: (i) đánh giá khả năng tồn tại của một khu vực tiền tệ chung cho một nhóm nước và (ii) chọn một cơ chế tỷ giá hối đoái tối ưu cho một quốc gia cụ thể. Trong một khu vực tiền tệ tối ưu đó, các quốc gia tốt nhất là dùng chung một đồng tiền do một cơ quan tiền tệ duy nhất quản lý và đồng tiền đó cần được thả nổi với đồng tiền của các khu vực tiền tệ tối ưu khác.

Sau Mundell (1961), nhiều tác giả khác đã đóng góp thêm nhiều phát triển cho lý thuyết Khu vực tiền tệ tối ưu. Trên phương diện lý thuyết, McKinnon (1963), Kenen (1969), Vaubel (1976), Sala-i Martin & Sachs (1991), Masson & Taylor (1993), Bayoumi (1994), Ricci (1997), Alesina & Barro (2000) đã đề xuất thêm một số tiêu chí cho Khu vực tiền tệ tối ưu và xây dựng mô hình toán để minh họa cho lý thuyết này. Kenen (1961) và McKinnon (1963) đã xác dịnh những gì gọi là tiêu chí cho một khu vực tiền tệ tối ưu và việc một khu vực nên có đồng tiền chung hay không. Tuy nhiên, Mundell (1961) và McKinnon (1963) lại tranh luận rằng dưới các điều kiện nhất định, tỷ giá cố định có thể tạo ra nhiều thành quả tốt hơn tỷ giá linh hoạt, ngay cả khi không có linh hoạt về giá cả và tiền lương. Theo quan điểm của họ, tỷ giá hối đoái cố định trong khu vực là yếu tố quan trọng cần thiết cho nhóm các nền kinh tế tiến gần đến hội nhập thông qua thương mại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, các dòng vốn quốc tế và sự di chuyển của lao động. Nó cũng cần thiết cho các nền kinh tế phải chịu các cú sốc kinh tế tương tự. Nếu tỷ giá hối đoái cố định và không thể xoay chuyển – bao gồm việc thông qua một đồng tiền chung – kết hợp với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn, thì một khu vực như vậy được gọi là “khu vực tiền tệ”.

Trên phương diện thực nghiệm, Bayoumi & Eichengreen (1996), Bayoumi& Mauro (1999), Velasco (2000), De Brouwer (2001), Wyplosz (2001) cùng nhiều người khác đã vận dụng lý thuyết Khu vực tiền tệ tối ưu cho châu Âu và Đông Á để đánh giá khả năng tồn tại của một đồng tiền chung trong các khu vực này hay các hình thức tỷ giá hối đoái khác cho từng nước hay nhóm nước trong khu vực.

Nội dung cấu thành của lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu

Lý thuyết Khu vực tiền tệ tối ưu đưa ra các tiêu chí thiết lập nên một khu vực tiền tệ tối ưu. Bao gồm:

(i) Tiêu chí quan trọng nhất là các nước thành viên phải sẵn sàng từ bỏ chính sách tiền tệ độc lập, tức là chấp nhận hy sinh tính độc lập của mình trong việc giải quyết các vấn đề về tiền tệ – tín dụng. Bởi vì khu vực tiền tệ tối ưu là khu vực trong đó không một bộ phận cấu thành nào của nó đòi quyền có đồng tiền riêng và chính sách tiền tệ độc lập.

(ii) Sự lưu chuyển tự do các yếu tố sản xuất (vốn và lao động): Vấn đề quan trọng là các nước muốn thành lập được khu vực tiền tệ tối ưu phải đạt được tự do hóa hoàn toàn trong việc lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và sức lao động, tức là lưu chuyển tự do các “yếu tố sản xuất”. Khu vực tiền tệ sẽ là “tối ưu” nếu trong lãnh thổ đó tồn tại khả năng cơ động giữa các “yếu tố sản xuất” (bao gồm cả sự cơ động bên trong và bên ngoài). Nếu tính linh hoạt về vốn và lao động giữa các nước trong khu vực cao, thì sẽ dễ dàng bù đắp những mất cân đối kinh tế vĩ mô tăng lên do các cú sốc bất đối xứng và các chi phí tham gia liên minh tiền tệ sẽ nhỏ đi.

(iii) Sự phụ thuộc và tác động qua lại lẫn nhau về kinh tế vĩ mô giữa các nước thành viên: ngoài tiêu chí nội bộ các nước trong khu vực được tự do hoàn toàn việc giao lưu hàng hóa, vốn và sức lao động như trên; cần có sự thỏa hiệp giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế, chính trị, sự phối hợp các thể chế, chính sách kinh tế.

(iv) Mở cửa với các nước thành viên khu vực: các nước thành viên trong khu vực cần mở cửa với nhau ở mức độ tương đối cao. Khối lượng trao đổi thương mại nội khối và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực cần được phát triển và mở rộng với quy mô lớn hơn.

Ngoài các tiêu chí cơ bản nêu trên, các nền kinh tế tham gia vào khu vực tiền tệ tối ưu còn cần có các điều kiện hỗ trợ khác. Một trong những điều kiện cho sự tồn tại của Khu vực tiền tệ tối ưu là tốc độ lạm phát giữa các nước thành viên ít nhiều phải đồng đều để có thể thực thi các chính sách về ngân sách, kinh tế và tiền tệ có hiệu quả. Đồng thời, các nước này phải đạt được những mục đích như ổn định giá cả, tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự cân bằng trong cán cân thanh toán.

Như vậy, thực chất của lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu là dựa trên cơ sở sự đồng nhất về một số yếu tố của các nước thành viên trong khu vực. Đó là các nước này có sự tương đồng về cơ cấu kinh tế, tương đồng về mặt văn hóa và sự gần gũi nhau về mặt địa lý. Đặc biệt, trong những lúc nền kinh tế gặp khó khăn hay suy thoái, họ có xu hướng đưa ra những cách giải quyết tương đối giống nhau. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có một cơ chế chính sách tiền tệ đơn nhất, nhằm tránh được những cú sốc kinh tế. Một chính sách tiền tệ chung kết hợp với những ràng buộc chặt chẽ trong việc sử dụng chính sách tài khóa sẽ hạn chế chủ quyền của các nước thành viên trong lĩnh vực tiền tệ và thiết lập các thiết chế siêu quốc gia. Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo ra cơ sở lý luận cho sự ra đời và phát triển của sự thống nhất tiền tệ châu Âu. Đồng thời nó cũng sẽ là cơ sở và nền tảng cho quá trình hội nhập tiền tệ Đông Á.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bayoumi & Eichengreen, “Ever Closer to Heaven? An Optimum-Currency-Area Index for European Countries”, 1996

2. Đinh Trọng Thịnh và Lê Thị Thùy Vân, Việt Nam trong hợp tác tiền tệ Đông Á, Nxb Tài chính, 2006

3. Friedman, M, Essays in Positive Economics, University of Chicago Press, Chicago, trang 157-203, 1953.

4. Kenen, P., The Theory of Optimum Currency Areas: An Eclectic View. In: Mundell, R. and Swoboda, A., Eds., Monetary Problems of the International Economy, The University of Chicago Press, 1969.

5. McKinnon, R.I., Optimum Currency Areas, The American Economic Review, Vol. 53, pp 717-725. 1963.

6. Mundell, A. Robert, A Theory of Optimum Currency Areas, The American Economic Review, Vol. 51, No. 4, 1961.