Mục từ này cần được bình duyệt
Lý Tử Tấn

Lý Tử Tấn (1378-1457)hiệu Chuyết Am, người làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc (nay là xã Tân Minh, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), là một công thần có nhiều công lao trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh và xây dựng triều đình nhà Lê sơ thế kỷ XV, đồng thời còn là một học giả, một tác gia Hán Nôm tài ba.

Lý Tử Tấn (LTT) thi đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn (1400), niên hiệu Thánh Nguyên đời Hồ Quý Ly, cùng khoa với Nguyễn Trãi, nhưng không ra làm quan. Trong khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, LTT theo Lê Lợi và được giao chức Văn cáo, chuyên trách việc thảo công văn, giấy tờ, thư tín,... Sau đó, ông tiếp tục làm quan dưới triều nhà Lê trải các chức: Thông phụng đại phu, Hành khiển Bắc đạo, Thừa chỉ viện Hàn lâm, vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên trong ba đời vua: Lê Thái Tổ (1428- 1433), Lê Thái Tông (1434-1442) và Lê Nhân Tông (1443-1459).

Với chức vụ Văn cáo và sau là Hàn Lâm viện Thừa chỉ, chức vụ đứng đầu Hàn Lâm viện thời Lê, LTT là người khá chuyên sâu về văn thư, thư tịch; quản lý, sắp xếp giấy tờ giúp vua soạn thảo thư từ, chiếu chỉ; đồng thời giúp sử gia triều đình biên soạn quốc sử.

Tượng danh nhân Lý Tử Tấn (Ảnh tư liệu)

Ông còn là nhà thơ lớn, sáng tác nhiều, nhưng hiện chỉ biết đến năm bài phú chữ Hán chép trong Quần hiền phú tập (A.575 Viện NC Hán Nôm) và bẩy mươi ba bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục (A.32001/1-4) của Lê Quý Đôn (1726-1784) bao gồm tám bài cổ thể, sáu mươi lăm bài cận thể.

Những sáng tác của ông nổi bật ở tinh thần lạc quan, tích cực của thời kỳ kháng chiến chống quân Minh và những năm tháng rực rỡ của triều đình nhà Lê sơ hưng thịnh; gồm các bài phú, tiêu biểu là bài “Xương Giang phú” và “Chí Linh phú”, cùng các bài thơ, tiêu biểu là: Hạ tiệp (Mừng thắng trận), Hạ đăng cực (Mừng vua lên ngôi), Quan duyệt võ (Xem duyệt võ),… Những sáng tác cuối đời của ông thường nói đến lý tưởng sống thanh cao, phác họa là một con người sống đạm bạc.

LTT đích thực là trí thức yêu nước, nhà văn hóa và là nhà thơ lớn thời Lê sơ, đồng thời cũng là người khá chuyên sâu trong việc quản lý văn thư, thư tịch, xứng đáng được hậu thế trân trọng ghi nhớ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sách dịch của Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.366.
  2. Trần Nghĩa-Francois Gros, Di sản Hán Nôm Việt Nam: Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  3. Bùi Duy Tân (Chủ biên), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỷ X-XIX, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004.
  4. Lê Quý Đôn, Toàn Việt thi lục, sách chữ Hán, kí hiệu A.32001/1-4.