(Le Van Hien)
Lê Văn Hiến (1904-1997) sinh ngày 15.9.1904 tại Phước Ninh, Đà Nẵng, nguyên quán thôn An Nông, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc thành phố Đà Nẵng.
Học tiểu học và trung học tại Huế, sau thi ngạch bưu điện và được tuyển làm nhân viên bưu điện ở Đà Nẵng. Có nhiều dịp tiếp xúc với các phong trào yêu nước và các nhà yêu nước, tham gia quyên tiền cho phong trào bãi khóa, cho cán bộ xuất dương học tập, rải truyền đơn. Năm 1927 cùng một số đồng chí thành lập chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí, tổ chức tiền thân của Đông Dương cộng sản Đảng, tại Đà Nẵng.
Từ tháng 11.1930 đến tháng 5.1945 bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam 3 lần và bị kết án hơn 10 năm tù. Đã trải qua nhiều nhà tù khét tiếng tàn ác của thực dân Pháp, trong đó có nhà ngục Kon Tum mà sau này ông viết thành cuốn sách “Ngục Kon Tum” để tố cáo chế độ ngục tù vô nhân đạo của chính quyền thuộc địa Pháp.
Tháng 5. 1945, ông tham gia vào việc tổ chức khởi nghĩa và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Đà Nẵng. Sau khi giành chính quyền, được cử làm Chủ tịch UBND Đà Nẵng, một tuần sau, được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời ra Huế dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Sau đó ông được giao nhiệm vụ ở lại để thay mặt Chính phủ tiếp nhận tài sản của Nam triều và đưa Bảo Đại ra Thủ đô nhận chức Cố vấn Chính phủ.
Đầu tháng 12.1945 được cử làm đặc phái viên của Chính phủ đi kiểm tra chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong đợt công tác này, ông đã phát hiện và đề xuất giải pháp được Trung ương chấp nhận, là thu nhận những tù binh và hàng binh của Nhật muốn đem kỹ thuật chuyên môn đóng góp cho chế độ mới của Việt Nam. Hàng trăm chuyên gia Nhật thay vì bị bắt bớ, xử lý, đã được sống và làm việc bình đẳng trong các đơn vị quân đội và các cơ quan chính quyền của ta với tên gọi chung là những người “Việt Nam mới”.
Từ tháng 3.1946 đến tháng 10.1958 ông được giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Bí thư “Việt Minh đoàn” của các cơ quan Chính phủ.
Từ tháng 10.1958 đến tháng 9.1962 làm Bộ trưởng Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Từ tháng 9.1962 đến năm 1976 là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào.
Ông là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.
Ảnh minh họa: Bộ trưởng Bộ Tài chính: Lê Văn Hiến
(Từ 3/1946 - 10/1958)
Trong 13 năm với cương vị là người đứng đầu ngành tài chính, Lê Văn Hiến đã tham mưu cho Chính phủ Cách mạng đưa ra các quyết sách tài chính quan trọng để tạo ra nguồn lực tài chính phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và thời kỳ đầu xây dựng đất nước sau khi hòa bình được lập lại. Như phát động phong trào tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; động viên toàn dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cho công cuộc kháng chiến thông qua việc tổ chức Quỹ Độc lập, Tuần lễ Vàng, phát hành công trái, công phiếu; thực hiện các chính sách tài chính mới, nhất là chính sách thuế, phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng; thực hiện chính sách tiền tệ một cách sáng tạo, đặc biệt là in và phát hành tiền kịp thời để có nguồn lực tài chính phục vụ cho công cuộc kiến quốc và đấu tranh trực diện với các thế lục phản động dùng tiền ngân hàng Đông Dương, tiền quan kim và tiền quốc tệ để lũng đoạn tình hình kinh tế tài chính của đất nước.
Trong 15 năm với cương vị là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào, ông đã có nhiều đóng góp vào việc phát triển tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam- Lào. Ngoài cương vị là Đại sứ, ông còn có nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt ở Lào với tư cách là thành viên Ban lãnh đạo công tác giúp Lào (CP31, sau đổi thành CP38), thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam phối hợp giúp đỡ bộ phận Trung ương Đảng Nhân dân Cách Mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước hoạt động trong Chính phủ liên hiệp về nhiều mặt, như thông tin, tư vấn, hỗ trợ vật chất, kể cả giúp vận chuyển một khối lượng lớn tiền Kíp ra vùng giải phóng.
Trong quá trình hoạt động và cống hiến, Lê Văn Hiến đã để lại một số tác phẩm có giá trị: Ngục Kon Tum, 1939; Chuyến công cán đặc biệt, 1986; Trở lại Kon Tum, 1990; Nhật ký của một Bộ trưởng, 2004; Làm Đại sứ ở Lào (tài liệu sưu tầm).
Lê Văn Hiến là nhà cách mạng lão thành, thuộc lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, ông không chỉ là nhà cách mạng “lẫm liệt nhiều năm” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương, mà còn là một nhà lãnh đạo tâm huyết, năng động, luôn tận tụy với công việc, thực hiện cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Ông mất ngày 15.11.1997 tại Hà nội.
Do có nhiều đóng góp cho cách mạng, Lê Văn Hiến đã được Đảng, Nhà nước Việt nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến Hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Ít-sa-la (CHDCND Lào) Hạng nhất. Tên ông được đặt cho hai con đường tại Hà Nội và Đà Nẵng; hai ngôi trường ở Tuyên Quang và Đà nẵng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 2004;
2. Bộ Tài chính, Bộ trưởng Lê Văn Hiến, Nxb. Tài chính, 2010.