Mục từ này cần được bình duyệt
Lê thánh tông

(1442 - 1497), nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn Việt Nam nổi tiếng; tt: là Lê Tư Thành, húy là Hạo, hiệu Thiên Nam động chủ và Đạo Am chủ nhân, là con thứ tư vua Lê Thái Tông, mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao, sau này là Quang Thục Hoàng Thái hậu.

Năm 1445, được phong Bình Nguyên Vương. Nghi Dân lên ngôi phong làm Gia Vương. Khi các triều thần truất phế Nghi Dân (6.1460) bèn “đón Vua (tức Thánh Tông, lúc ấy vừa 18 tuổi) ở Tây để về lên ngôi”. Thánh Tông ở ngôi 38 năm, trải hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Đức (1470 - 1497).

Về LTT, Quốc sử chép: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc Vua anh hùng tài lược, dù Vũ đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường, cũng không hơn được. Song công việc thổ mộc quá chế độ xưa, tình nghĩa anh em thiếu lòng nhân ái, đó là chỗ kém”.

Sử gia Vũ Quỳnh ca ngợi: “Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay, mà Thánh học rất chăm”,... song “nhiều phi tần quá”.

Nho thần Thân Nhân Trung đánh giá:

Lấy tin thực đãi trăm quan,

Rộng vỗ yên đối triệu tính

Văn giáo gần xa thấm nhuần,

Vũ công đó đây bình định.

Trước khi Thánh Tông lên ngôi là cả một đoạn lịch sử khá dài ngót hai chục năm triều Lê rơi vào khủng hoảng; đỉnh cao là vụ án giết Nguyễn Trãi (1442) và cuối cùng là sự kiện Nghi Dân soán ngôi (1459). Nhà vua trẻ đã nhìn nhận ra ngay vấn đề then chốt của việc làm cho đất nước được ổn định không ngoài hai chữ: “Pháp” và “Lễ” và đã ra tay nội trị.

Đặc biệt chú ý đến giới quan lại - tầng lớp trung gian giữa nhà Vua và dân chúng, LTT đã phải dùng cả ân và uy để chế ngự. Công thần có công, ông đã không tiếc của để phủ dụ. Vừa lên ngôi, ông xuống chiếu ban thưởng, tặng tước cho tất cả những người có công gây dựng đại nghiệp. Ruộng đất là phần thưởng cao nhất và ông đã ban cho 30 viên quan mà mức thấp nhất là 150 mẫu. Ngoài ruộng đất, các công thần còn được mang quốc tính (họ Vua) như một đẳng cấp xã hội riêng. Con cháu họ mãi đến những năm 1484, 1492 (nghĩa là 65 năm sau khi bình Ngô) vẫn còn được LTT có sắc dụ thu dụng, ưu đãi. Nhưng ông cũng tỏ ra kiên quyết với những công thần cậy công làm càn hoặc dung túng làm bậy.

Bên cạnh các công thần, Thánh Tông chủ yếu vẫn phải sử dụng lại các quan cũ của tiền triều, cách làm việc thẳng thắn và sự trân trọng tài năng của ông đã thu phục được họ. Trong triều, ông cho đặt 5 Phủ, 6 Bộ và đổi 6 Viện làm 6 Tự (1466), ban hành Hoàng triều quan chế trong đó có quy định rõ: “Ở trong quân vệ đông đúc thì 5 Phủ chia nhau để giữ; việc công bề bộn thì 6 Bộ chia nhau mà làm. Ba Ty cấm binh thủ ngự là để làm nanh vuốt lòng dạ. Sáu khoa để xét bác trăm tư, sáu tự để thừa hành mọi việc”.

LTT đặt toàn quốc thành 13 đạo thừa tuyên, đổi Lộ làm Phủ, đổi Trấn làm Châu, làm bản đồ địa lý. LTT đã xây dựng được thiết chế hành chính trong ngoài quan hệ, liên lạc ràng buộc khá chặt chẽ; liên tiếp sửa định các quy chế, nghi thức cho hệ thống quan lại, như định triều nghi hộ vệ (Tháng Mười 1472); sắc chỉ cho các quan tan chầu phải về ngay công sở (Tháng Chín 1472); định quan chế, bổng lộc (1473, 1477); chọn thải bớt quan và bổng lộc (Tháng Sáu 1481); nhắc rõ lệnh và danh hiệu xưng hô (Tháng Tư 1487); định ban chầu các quan văn võ (1493);... Cách thức làm việc của các quan còn được luật hóa ở các điều 239, 240, ở Quốc triều hình luật.

LTT định lệ thi Hương và năm 1463 mở kỳ thi Hội đầu tiên, lại đặt lệ cứ ba năm mở một khoa thi, tự tay tuyển lựa và bổ dụng một hệ thống quan lại mới có học thức, có nghi pháp. Suốt những năm ở ngôi, LTT đã mở 12 khoa thi và tuyển được cả thảy 514 Tiến sĩ. Ngoài việc thi Hội thường kỳ, Thánh Tông còn đặt lệ khảo khóa các quan 3 năm, 6 năm, 9 năm một lần.

Trấn trị, làm cho bộ máy quan lại bớt nhũng lạm, Thánh Tông liên tiếp ra sắc chỉ: khi thì cấm những viên quan lợi dụng việc xây dựng để đục khoét, xoay tiền (Tháng Mười một 1475); khi thì răn dụ họ không được lười biếng, bỉ ổi (Tháng Ba 1479), không được nhóm họp để say đắm tửu sắc (Tháng Năm 1489), không được đua nhau kiếm lợi (Tháng Sáu 1481),...

Cuối 1491, LTT sai làm Đình Quảng Văn ngoài cửa Đại Hưng tại Kinh thành để “treo các pháp lệnh trị dân”; thể chế hóa các mục: điền sản, hộ hôn, tang ma,... vào Quốc triều hình luật.

LTT có tư tưởng nhân văn và một ý thức thân dân rõ rệt, chú trọng đến việc mở đường sinh nhai cho dân, đặc biệt khuyến khích nông tang. Năm 1461, LTT ra sắc lệnh: “Chỉ huy cho các quan Phủ, Huyện, Lộ, Trấn, Xã rằng: Từ nay về sau, về việc làm ruộng thì nên khuyên bảo quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc... Người nào có ruộng đất mà không chăm cấy trồng thì quan tư cai quản bắt trình trị tội”.

Hoàn thiện hệ thống Vua - quan - dân với các hình thức phủ dụ, cai trị được luật hóa cặn kẽ, Thánh Tông còn rất coi trọng việc xây dựng quân đội để tăng cường sức mạnh của Nhà nước và bảo vệ bờ cõi. Tháng Bảy 1460, Thánh Tông ra sắc chỉ: “Phàm có Nhà nước tất có vũ bị. Nay phải theo đúng trận đồ của Nhà nước đã ban, ở trong địa phận của vệ mình phải sửa sang đội ngũ cho nghiêm chỉnh, dạy cho biết phép đi, đứng, đâm, đánh, biết rõ tiếng chiêng, tiếng trống, hiệu lệnh khiến cho quân lýnh tập quen cung tên, không quên võ bị”. Năm 1466, ông cho diễn tập thủy trận ở Giao Thủy và tháng Giêng năm sau, khi từ Lam Kinh trở về đến hành Điện An Lạc cho ban “phép tập trận đồ”.

Riêng năm 1467, Thánh Tông cho tập trận đến bốn lần với nhiều thế trận khác nhau, đỉnh cao là cuộc tập trận lớn ở Lục Đầu Giang năm 1469, 10 năm sau (1478) là cuộc duyệt võ nghệ do đích thân nhà Vua tổ chức kéo dài tới 16 ngày.

Năm 1486, LTT cho ban điều lệ Hồng Đức quân vụ với 27 điều. Trong tình thế lúc đó, người đứng đầu nhà nước quân chủ luôn chăm lo đến việc chỉnh đốn quân ngũ hùng mạnh để tạo thế bang giao; phía Bắc nhằm khống chế sự lăm le nhòm ngó của nhà Minh, phía Nam thì răn đe các cuộc cướp phá của Chiêm Thành.

Nửa sau thế kỷ XV, tình hình biên giới có phần căng thẳng, Thánh Tông cho hội quân ở Lục Đầu Giang và tuyên bố đanh thép:

Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại!

(Trời Nam ngàn năm núi sông còn đó)

Đến 1473, trong lời dụ Lê Cảnh Huy, LTT còn tỏ ra kiên quyết hơn nữa: “Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”.

LTT là một Hoàng đế có năng lực nội trị và bang giao. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sỹ lớn của thế kỷ XV. Theo các tài liệu hiện còn, Thánh Tông là tác giả của chín tập thơ chữ Hán:

1. Anh hoa hiếu trị

2. Châu cơ thắng thưởng

3. Chinh Tây kỷ hành

4. Minh lương cẩm tú

5. Văn minh cổ xúy

6. Quỳnh uyển cửu ca

7. Cổ tâm bách vịnh

8. Cổ kim cung từ thi tập

9. Xuân vân thi tập

Ngoài ra, phải kể thêm Lam Sơn Lương thủy phú, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, một số truyện trong Thánh Tông di thảo và hàng trăm bài thơ Nôm khác. Đặc biệt, Hoàng đế là người đi rất nhiều và đi đến đâu cũng đề thơ. Vừa là một vị Hoàng đế, ông vừa có phong cách của một nghệ sỹ giang hồ, thưởng ngoạn thú non sông.

Thời đại Thánh Tông cũng là thời kỳ duy nhất trong lịch sử có một Tao đàn mang tính Nhà nước, Cung đình. LTT tập trung xung quanh 28 ngôi sao văn học và tự đứng ra làm “Nguyên súy cho Tao đàn”. Tao đàn rồi sẽ tạo ra khuôn phép có phần cứng nhắc sáo mòn nhưng Tao đàn cũng thể hiện một thực tế thơ ca đã phát triển cao, đã từng có một thời hưng thịnh. Nội dung thơ văn LTT là rất phong phú thể hiện: tình cảm gắn bó thiết tha với sơn hà, xã tắc, mối lo dân, lo nước khôn nguôi; một tâm hồn dễ xúc động trước cảnh vật, trước con người,... là những nét điểm xuyết lớn.

Vị chủ súy Tao đàn còn rất chú trọng đến nghệ thuật thơ. Ông đã từng tự ví mình với Đỗ Tử Mỹ, và từng phát biểu chính kiến của mình về nghệ thuật làm thơ: “Thơ phải hàm súc, ngôn ngữ phải tinh xảo, trau chuốt nhưng làm sao phải giữ được hơi thở hồn nhiên như nó vốn chưa từng dụng công bao giờ”.

Gần trọn 4 thập kỷ trị vì, Thánh Tông quả thật đã xây dựng được một Nhà nước “pháp quyền” vững mạnh. Sự nghiệp của LTT chính là những công tích to lớn mà ông đã đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Kể từ việc minh oan và kiếm tìm các di cảo của Nguyễn Trãi đến việc để lại một bộ luật thành văn đồ sộ, một bộ bản đồ có quy mô toàn quốc... cho đến việc đào tạo, thu dụng nhân tài đã làm xuất hiện hàng loạt các tác giả tên tuổi, trong đó có bản thân ông. Và di sản văn, thơ đồ sộ đã khiến LTT trở thành một trong những văn hào lớn của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.

2. Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn (Nguyễn Huệ Chi chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.

3. Lê Thánh Tông - về tác gia và tác phẩm (Bùi Duy Tân giới thiệu), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.