Lãnh thổ quốc gia (tiếng Anh National territory) là phạm vi không gian được giới hạn bởi biên giới quốc gia, thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của một quốc gia, trong đó quốc gia có thể áp đặt một chế độ pháp lý cho việc quản lý các hoạt động.
Lãnh thổ quốc gia hình thành, xuất hiện gắn liền với lịch sử ra đời nhà nước, quốc gia và cộng đồng dân cư nhất định; là cơ sở, nền tảng vật chất tất yếu để quốc gia hình thành, tồn tại và phát triển, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là một yếu tố cơ bản tạo nên tư cách pháp lý quốc gia, là minh chứng sự tồn tại của một quốc gia trên thực tế. Từ khi có sự phân chia Lãnh thổ quốc gia trên thế giới, ở thời đại xã hội nào cũng diễn ra các cuộc tranh chấp Lãnh thổ quốc gia. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh, xung đột trong lịch sử (Ấn Độ và Pakistan, Syria và Israel, Anh và Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp, Hàn Quốc và Nhật Bản…).
Lãnh thổ quốc gia là một phần của Trái Đất, bao gồm: vùng đất (kể cả các đảo và quần đảo), vùng nước, vùng trời, lòng đất. Theo luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế, Lãnh thổ quốc gia còn bao gồm phần lãnh thổ quốc gia đặc biệt. Vùng đất của quốc gia là toàn bộ phần đất liền (đất lục địa) và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Vùng nước của quốc gia là toàn bộ các bộ phận nước nằm bên trong đường biên giới quốc gia, gồm: vùng nước nội địa, vùng nước biên giới, vùng nước nội thuỷ, vùng nước lãnh hải. Vùng trời quốc gia là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất và vùng nước của quốc gia. Chưa có văn bản pháp lý quốc tế nào qui định độ cao của vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia mà chỉ tuyên bố xác lập chủ quyền quốc gia đối với vùng trời. Vùng lòng đất của quốc gia là toàn bộ phần đất dưới vùng đất và vùng nước của quốc gia. Lãnh thổ quốc gia đặc biệt là loại lãnh thổ đặc thù của một quốc gia tồn tại hợp pháp trong lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc trên vùng biển, vùng trời quốc tế. Quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối đối với lãnh thổ vùng đất, vùng nước nội địa, vùng nước nội thuỷ, vùng lòng đất; có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với vùng nước lãnh hải, vùng nước biên giới; có chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt đối với vùng trời quốc gia. Riêng đối với lãnh thổ đặc biệt, các quốc gia sở hữu thực hiện chủ quyền của mình, nhưng phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại và luật pháp quốc tế cũng như các điều ước quốc tế liên quan đã ký kết và các quy chế chung được áp dụng đối với lãnh thổ đặc biệt.
Lãnh thổ quốc gia thuộc quyền quản lý, khai thác lợi ích của một quốc gia nhất định. Đây là quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ trên cả hai phương diện: vật chất và quyền lực. Chủ quyền đối với Lãnh thổ quốc gia là tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Lãnh thổ quốc gia chỉ được thay đổi trong những trường hợp nhất định trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia, phải được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế. Mỗi quốc gia tham gia vào các quan hệ quốc tế đều có quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều 1 Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Mọi hành vi chống lại độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.
Lãnh thổ quốc gia gắn liền với các đặc trưng văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư trong quốc gia, là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia. Lãnh thổ quốc gia quan hệ chặt chẽ với chính trị, quân sự. Bất cứ lực lượng nào thực hiện lãnh đạo, quản lý quốc gia đều có trách nhiệm quan tâm xây dựng, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn Lãnh thổ quốc gia. Đây cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó lực lượng vũ trang chuyên trách làm nòng cốt.
Tranh chấp Lãnh thổ quốc gia vẫn là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Còn tồn tại nhiều tranh chấp kéo dài, tác động trực tiếp đến mối quan hệ ngoại giao giữa các nước và nền hoà bình chung của nhân loại (giữa Ixraen và Palextin, vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông…). Hiện nay, cùng với xu hướng hợp tác, hoà bình, hội nhập sâu rộng, việc giải quyết các tranh chấp Lãnh thổ quốc gia hoặc các vấn đề khác về lãnh thổ chủ yếu diễn ra bằng hình thức đối thoại, hợp tác, thương lượng, thoả thuận giữa các quốc gia liên quan.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lê Minh Nghĩa, Các vấn đề biên giới – lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 6, 1994.
- Bộ quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Tư pháp - Viện Khoa học Pháp lý, Từ điển luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006.
- Trần Văn Thắng (Chủ biên), Từ điển pháp luật phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
- Ngô Hữu Phước, Luật quốc tế, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
- Lưu Văn Lợi, Những điều cần biết về đất - biển - trời Việt Nam, Nxb thanh niên, Hà Nội, 2012.