Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng nghề rèn Phúc Sen

Làng nghề rèn Phúc Sen làng nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An (một nhóm Nùng địa phương) ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Tập tin:Xã Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.jpg
Xã Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương

Nguồn gốc[sửa]

Hiện có hai quan điểm khác nhau về nguồn gốc của nghề rèn Phúc Sen. Quan điểm đầu tiên cho rằng, nghề rèn Phúc Sen do họ Hoàng (một trong ba dòng họ Nùng An đầu tiên đến Phúc Sen) mang từ quê cũ bên Trung Quốc sang truyền lại. Quan niệm khác lại tin rằng, nghề rèn Phúc Sen được truyền bởi một lão thợ rèn già của nhà Mạc người miền xuôi. Lúc đầu, ông lão làm nghề rèn trong một túp lều nhỏ gần chợ châu Quảng Uyên, người Nùng An thường đến rèn các dụng cụ lao động, thấy ông cao tuổi không nơi nương tựa nên bàn nhau mời cụ về bản, dựng cho một căn nhà nhỏ, một bên để ở, một bên là lò rèn. Để trả ơn, lão thợ đã truyền nghề rèn cho dân bản, dạy cách chế súng kíp, đúc gang làm lưỡi cày và làm đạn súng kíp, đến khi già yếu thì mất tại lò rèn đó. Tuy các câu chuyện về nguồn gốc ra đời của nghề khác nhau, nhưng đều thống nhất rằng, nghề rèn Phúc Sen ra đời cách ngày nay khoảng 300 năm,gắn với sự có mặt đầu tiên của người Nùng An ở bản Phia Chang, xã Phúc Sen. Về sau này khi dân cư đông lên, nghề rèn theo chân các gia đình tách ra mà tạo nên nhiều bản mới ở xã Phúc Sen cũng có nghề rèn như các bản Pác Rằng, Lũng Vài, Đâư Cọ, Tình Đông, bản Khào,...

Hình thành và phát triển[sửa]

Nghề rèn ở Phúc Sen được hình thành và phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Khoảng từ 1945 trở về trước là giai đoạn chế tác các vật dụng sản xuất tự cấp trong nội bộ gia đình và bản, sau đó là cho nội bộ người Nùng An ở Phúc Sen. Từ sau năm 1945, sản phẩm được mang ra chợ bán hoặc đổi lấy các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Từ 1960 – 1975 nghề rèn được tổ chức dưới hình thức hợp tác xã của 7 bản, năm 1975 gộp thành “Liên minh các hợp tác xã thủ công nghiệp Phúc Sen” dưới sự quản lý của Hiệp hội Liên minh các hợp tác xã thủ công nghiệp tỉnh Cao Bằng, địa điểm đặt tại bãi đất gần Ủy ban nhân dân xã, tất cả thợ rèn các bản phải đến đây làm việc, ăn chia theo công điểm. Tháng 2/1979, chiến sự biên giới đã tàn phá toàn bộ cơ sở sản xuất của hợp tác xã, thợ rèn trở về sản xuất theo mô hình tại nhà cho đến nay. Trong hai năm liền 1984 và 1985, tại Hội chợ triển lãm Kinh tế - Kỹ thuật toàn quốc, sản phẩm rèn của Phúc Sen đều được tặng huy chương vàng về chất lượng, có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, thành phố Hà Nội, vào Tây Nguyên và đưa sang các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Phương thức lưu truyền[sửa]

Nghề rèn của Phúc Sen được cha truyền con nối theo phương thức thực hành tại chỗ, con học cha từ nhỏ tới lớn, cha thì học ông cho tới già. Do tính chất nghề nghiệp nên thợ rèn Phúc Sen chỉ truyền nghề cho con trai. Trẻ em trai Nùng An ngay từ nhỏ đã ý thức học nghề, thường 18 tuổi đã thạo nghề bởi theo quan niệm con trai trước khi đi hỏi vợ mà chưa biết rèn thì bị coi là bất tài. Ngay từ khi còn bế trên tay đã được bà, mẹ hoặc chị bế ra đứng xem cha rèn. Lớn lên, họ được cha, ông truyền dạy kỹ lưỡng từng chi tiết, từng thao tác trong nghề, từ cách cầm chiếc cưa để cưa sắt đến cách cầm búa, cầm kìm, cách đập sắt, cách tôi sắt... theo phương thức riêng của từng gia đình. Việc dạy nghề còn được đúc kết thành các câu nói vần vè liên quan đến từng khâu đoạn trong kinh nghiệm làm rèn như cách đốt lò (Rèn sắt cần đỏ lửa/ Lửa xanh thì tháo gang), cách tôi các sản phẩm (Tôi dao cần nhỏ lửa/Tôi búa cần lửa to) hoặc phân công nhân lực (Ba người thì rèn búa/Một người chỉ rèn liềm),… Ngoài ra họ còn đặc biệt chú trọng giáo dục giữ uy tín với khách hàng (Tiền bạc như đất như cỏ/Mặt mũi đáng giá ngàn vàng), …

Tập tin:Không khí làm việc ở một lò rèn thôn Phia Chang, xã Phúc Sen.jpg
Không khí làm việc ở một lò rèn thôn Phia Chang, xã Phúc Sen

Sự khác biệt[sửa]

Có thể nhận ra sự khác biệt của nghề rèn Phúc Sen qua đặc điểm cấu trúc của lò rèn và bễ thổi, qua kỹ thuật quai búa và qua kỹ thuật lồng thép vào sắt với những tính toán phù hợp hướng tới tiết kiệm được nhân lực, sức lao động lại vừa đạt hiệu quả lao động cao.

Trong sản xuất người Nùng An có những bí quyết riêng, từ khâu chọn nguyên vật liệu đến kỹ thuật nung lò, tôi và ram thép. Ở đây không dùng than đá mà dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến để giúp giữ nhiệt và than mau đỏ. Lò nung thép cũng được làm bằng đá để giữ nhiệt. Trong chế tác không có công thức mà chủ yếu nhờ vào sự cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.

Trong các công đoạn rèn thì tôi thép và ram thép là khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu sản phẩm rèn Phúc Sen. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn đem lại độ bền cho sản phẩm, bí quyết thành công là nằm ở sự đa thành phần của nước tôi thép. Còn đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Tuy nhiên, tôi thép như thế nào, đó là kỹ thuật gia truyền của từng dòng họ, từng gia đình và chỉ truyền cho con trai, người ngoài không thể biết. Còn ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội. Ngày nay, người Nùng An đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuôn... Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công. Tuy là công việc nặng nhọc nhưng phụ nữ cũng tham gia quai búa phụ giúp chồng tạo nên hình ảnh khá quen thuộc ở làng rèn Phúc Sen.

Tập tin:Ngoài những sản phẩm phục vụ gia dụng, các hộ dân làm rèn còn cho ra một số sản phẩm mang tính chất trang trí, trưng bày.jpg
Ngoài những sản phẩm phục vụ gia dụng, các hộ dân làm rèn còn cho ra một số sản phẩm mang tính chất trang trí, trưng bày

Nghề rèn đã làm nên nét đặc trưng văn hóa làng nghề của người Nùng An ở xã Phúc Sen, thể hiện qua các câu nói cửa miệng, trong lời chúc tụng làm ăn đầu năm, qua các câu thành ngữ, tục ngữ, câu đố, hát ru, các bài hát dân ca giao duyên Hèo fưn với nhắc đến nghề rèn với niềm tự hào về nghề nghiệp vừa dạy dỗ và giáo dục con cái, chẳng hạn “Dù nơi đâu rèn sắt đúc gang/Cũng không bằng ông Nùng An Quảng Hòa” . Trong tâm thức họ vẫn có một ông tổ nghề không rõ tên tuổi quê hương bản quán, gọi là Lão pấu tróo lếch (ông tổ nghề rèn), vào các ngày rằm và mồng một hàng tháng thường thắp hương ở lò rèn để xin ông phù hộ. Hàng năm người ta tổ chức lễ cúng ông tổ nghề chung với gia tiên vào các dịp tết Nguyên đán, 3/3 và rằm tháng Bảy. Từ đêm 30 tết cho đến rằm tháng Giêng, đêm nào cũng thắp hương tại lò rèn, sau tết có tục nhờ thầy Tào chọn ngày giờ thích hợp (theo dòng họ) để nổi lửa khai trương lò rèn lấy may đầu năm. Đối với những người đang sống bằng nghề rèn ở bản, nếu phải chuyển cư đi nơi khác thì nhất thiết phải làm lễ tạ để xin ông tổ nghề rèn cho phép họ được thôi làm nghề. Tháng 1 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay (2021), ở Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Nam, Dân tộc Nùng ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1992.
  2. Nguyễn Thị Yên, Hoàng Thị Nhuận, Văn hóa làng nghề của người Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2005.
  3. Nguyễn Thị Yên – Hoàng Thị Nhuận, Văn hóa truyền thống của người Nùng An, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.