Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng nghề nón lá Gò Găng

Làng nghề nón lá Gò Găng - vùng nghề thị tứ Gò Găng nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nổi tiếng với nghề làm nón lá cổ truyền. Những làng nón Kiều Đông, Kiều Nguyên, Phú Thành, Tiên Hậu ở vùng này nổi danh với các sản phẩm nón dành cho những khách hàng giầu có, quyền quý và người chơi nón sành điệu. Vùng thị tứ còn có chợ nón Gò Găng, là đầu mối tập trung đông người làm nón từ các thôn lân cận tới bán buôn. Loại nón ngựa làm ở các làng Kiều Huyên, Phú Gia thuộc huyện Phù Cát thường được đem bán ở chợ này, do đó còn có cách gọi “nón ngựa Gò Găng” hay “nón Gò Găng”.

Nghề làm nón ở Gò Găng được cho là có từ thời Tây Sơn Nguyễn Huệ. Thời bấy giờ, loại nón đặc biệt gắn liền với tên tuổi làng nghề nón lá Gò Găng là “nón ngựa”. Nhiều nhà nghiên cứu đưa giả thuyết, tên gọi “nón ngựa” xuất phát từ việc nón thường được đội khi cưỡi ngựa, và nói nón ngựa Gò Găng là gợi nhắc tới việc quan lại chức sắc thời đó thường cưỡi ngựa, đem theo tiếng lục lạc đi khắp đường làng, hay hình ảnh những cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo lương, đội nón chỏm, vắt khăn điều. Người Nhơn Thành còn lưu truyền câu nói: “Cổ đeo kiền vàng, đầu đội nón Gò Găng”, là để mô tả tầng lớp quyền quý này.

Nón Gò Găng thường được biết đến với hai loại, dành cho hai đối tượng sử dụng ở tầng lớp xã hội khác nhau. “Nón ngựa” là loại nón Gò Găng xưa chủ yếu dành cho lớp người quý tộc, còn nón lá cải biên là loại nón phổ biến ở tầng lớp nhân dân lao động. Chiếc nón ngựa đẹp, chính tông thường là sản phẩm của các thôn Phú Gia, Kiều Huyên. Nón làm từ lá kè, được chằm lên loại chỉ tàu thơm trắng muốt, đường may đều đặn. Trên phần chóp nón có gắn chụp bạc hoặc đồi mồi, chạm trổ hình long, ly, quy, phượng công phu. Quai nón là loại lụa xanh hoặc đỏ, phía dưới có tua. Chiếc nón ngựa Gò Găng đẹp và sáng, nhưng kém chịu gió mưa, chỉ dành cho những khách phong lưu, khuê các. Sau này, nón Gò Găng cải biên, có thêm loại nón bình dân, giá trị sử dụng thực tiễn cao, như nón ngựa đơn, nón buôn, nón chũm, với việc thay phần chụp bạc thành những tua ngũ sắc, vừa tiết kiệm giá thành, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ.

Quy trình làm một chiếc nón Gò Găng rất công phu, cầu kì và tỉ mỉ. Người thợ làm nón phải lên núi An Tường, lấy cây giang về lọc ra, đem bỏ phần ruột và cạo vỏ sao cho thật sạch sẽ. Phần vỏ được chẻ nhỏ hơn que tăm, dùng để đan thành mê sườn nón. Có khi mê sườn còn làm từ tre cật. Mỗi nón cần ba vành tròn lớn với tác dụng cân cốt mê sườn nón. Trên đỉnh chóp lại đan thêm mười lăm vành tròn nhỏ sen khít nhau. Sau khi dựng sườn nón, người thợ tiến hành lợp lá. Lá nón được người dân nơi đây gọi là lá kè, thông thường được lấy về từ vùng núi Buông Thìn (Phú Yên). Người thợ chọn lấy lá non, có độ bóng, bền và dai. Những lá này phải ở đúng độ tuổi, nếu chọn lá già thì mặt nón bị ngả vàng, thếp dày, không thanh mảnh, còn lá quá nhỏ tuổi lại nhiều gân xanh, khiến mặt lá thô nhám, thiếu đi vẻ mượt mà. Công đoạn làm lá được coi là khâu khó nhất trong quá trình làm nón, khách mua nón ngựa cũng đặt yêu cầu cao đối với lá nón Gò Găng. Mỗi nón cần dùng khoảng 18 – 19 lá. Các lá này không đem phơi nắng mà được làm khô bằng một mảnh gang đã hơ nóng trên lửa, quấn một lớp cát hoặc vải bao bên ngoài. Tiếp đó, người thợ đem lá kè tước nhỏ và đều nhau. Yêu cầu của công đoạn này là đảm bảo kích thước lá có “đáy rộng, đỉnh nhỏ”. Người thợ lợp từng phiến lá kè lên mê sườn nón, theo từng lớp thứ tự từ trái sang phải. Khi lợp xong lá, người thợ dùng chỉ thêu để chằm nón. Mặt trong của nón được thêu hình long, ly, quy, phượng cầu kỳ bằng loại chỉ thêu ngũ sắc. Trên đỉnh nón gắn chụp bằng bạc hay đồi mồi. Để hoàn thiện chiếc nón, người thợ phải buộc vào một chiếc quai bằng lụa bản rộng và gắn chỏm tua vào dưới cằm. Việc chằm nón cần dùng nhiều lực của ngón cái và ngón trỏ để cắm, rút kim, đòi hỏi ở người thợ sức lực và độ bền bỉ. Thời gian để người thợ chằm một chiếc nón thường mất đến cả tháng. Do đó, loại nón này có giá thành đắt, trước kia chỉ dành cho tầng lớp quan lại chức sắc, hoặc những người quyền quý. Ngày nay, các công đoạn làm nón Gò Găng đã được giản lược đi nhiều, và có sự học hỏi kỹ thuật làm nón của một số vùng miền khác.

Nghề nón ở vùng Gò Găng là một nghề phụ, bên cạnh công việc chính là nghề nông. Người làm nón thường là phụ nữ, nhân lúc rỗi rãi tranh thủ chằm nón để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình. Do đó, hoạt động làm nón có khi diễn ra cả ban đêm. Người làm nón thường thích tập trung lại với nhau, chị em của hai, ba gia đình thân thiết cùng thêu chỉ chằm nón dưới ánh đèn đêm, trò chuyện vui vẻ trong lúc lao động. Nghề làm nón thủ công hình thành và kế tục trong không gian đầm ấm tình làng nghĩa xóm. Việc làm nón khi đạt hiệu suất cao có thể cho ra đời chín, mười sản phẩm trong vòng một ngày đêm. Nghề làm nón không mất nhiều vốn, lại nhanh kiếm được tiền. Ở nhiều thời điểm, người phụ nữ chuyên tâm vào công việc làm nón có thể đủ thu nhập nuôi gia đình.

Chợ nón Gò Găng là đầu mối chính thu mua nón lá sỉ và lẻ của các xã quanh vùng. Địa danh này cũng là xuất xứ tên gọi nghề truyền thống của vùng. Vị trí của chợ nằm ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng Bắc. Chợ Gò Găng xưa nằm ở sát bờ sông Quai Vạc, ngày nay là vị trí văn phòng UBND phường Nhơn Thành. Sau đó chợ chuyển tới gần ngã ba Gò Găng, rồi lại đổi tới vị trí ngày nay. Thợ nón khắp các xã như Cát Tân, Cát Trinh (Phù Cát), Nhơn Thành, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn An, thị trấn Đập Đá đều quy tụ về đây để trao đổi sản phẩm mình làm ra. Chợ họp thường xuyên, và một điểm đặc biệt so với các chợ thông thường là phiên chợ Gò Găng diễn ra vào ban đêm, bắt đầu từ ba giờ, cho đến tầm năm giờ sáng là tan. Ở đây chỉ bán một mặt hàng duy nhất là nón lá. Ước tính mỗi tháng Gò Găng cung cấp cho thị trường trong nước hơn 50.000 chiếc nón, những tháng kém cũng đạt đến 20.000 chiếc. Mỗi phiên chợ có hàng trăm người từ nhiều nơi đổ về. Người thợ thủ công quanh vùng mỗi khi làm được 25 đến 30 sản phẩm thì đem đến chợ để bán, đồng thời mua sắm vật liệu cho đợt sau. Họ đội một xấp nón trên đầu, hoặc dùng xe đạp chở thành phẩm của mình tới bán cho các chủ buôn ở chợ. Nếu được giá ưng ý, cuộc mua bán diễn ra rất nhanh, còn nếu chưa được giá, người thợ nón lại tìm sang chủ buôn khác. Chợ Gò Găng không dùng đến đèn điện hay dựng sạp, quầy, mà người mua kẻ bán giao dịch ngay trên nền đất, dùng đèn dầu với ánh sáng ấm, không lóa mắt để xem hàng và mua hàng. Người mua soi kĩ từng đường kim, mũi cước để đánh giá chất lượng nón tốt, xấu.

Chợ nón Gò Găng là nơi giao thương buôn bán, nhưng cũng là nơi lưu giữ nghề thủ công truyền thống và thể hiện nét đẹp văn hóa địa phương. Phiên chợ tụ hợp đông người, hoạt động mua bán nhộn nhịp nhưng lại không xô bồ, ồn ã, to tiếng tranh giành khách như các chợ bán sỉ thông thường. Người đến đây mua bán thường là phụ nữ, thuộc những gia đình nghèo trong xã hội xưa, do đó phương thức họp chợ cũng mang tính chất bình dân. Chợ tan vào lúc tảng sáng, thuận tiện cho người bán nón là các bà nội trợ. Họ bán được hàng, có tiền, tạt qua chợ sớm mua thịt cá cho gia đình rồi về bắt đầu một ngày làm ruộng bình thường. Chợ nón được duy trì từ đời này sang đời khác như một nét phong tục của địa phương.

Ở những vùng làm nón tại Gò Găng, nón lá là sản vật, hiện diện trong nhiều phương diện đời sống văn hóa của con người. Trong đám cưới, chú rể cưỡi ngựa, đầu đội nón lá đi cạnh kiệu rước dâu. Với những gia đình không có điều kiện tổ chức lễ cưới long trọng, cũng có phong tục sắm một cặp nón ngựa, cô dâu chú rể đội trong ngày cưới. Nón lá lứa đôi xuất hiện trong câu ca dao: "Cưới nàng đôi nón Gò Găng / Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn". Chiếc nón gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân. Người dân Bình Định có thói quen đội nón lá mỗi khi ra khỏi nhà, những loại nón khác nhau được chọn cho các trường hợp, mục đích sử dụng khác nhau. Phụ nữ dùng loại nón nhuyễn, có tính chất mỏng nhẹ, láng bóng, thanh mảnh và trắng mịn để đi đám tiệc, ra chợ, đi đường xa. Bộ áo dài, nón lá là một biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đàn ông khi có chức việc trong làng đội nón chụp bạc, khi làm các công việc thường ngày thì dùng loại nón lá địa phương, được chằm dày, chắc. Những chiếc nón cũ thường không vứt bỏ, người dân vẫn dùng khi làm các việc đồng áng, gồng gánh lấm láp ngoài trời. Chiếc nón đứt vành có khi được tận dụng che nắng, lót ngồi khi nghỉ ngơi ngoài bờ ruộng.

Bối cảnh xã hội hiện đại chứng kiến sự thay đổi của làng nghề nón lá Gò Găng. Một vài làng như Kiều Đông, Kiều Nguyên phát triển nghề làm nón để xuất khẩu. Một số thôn làm nón nhiều như: Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An thuộc huyện Nhơn Thành, thôn Thuận Hạnh thuộc huyện Tây Sơn. Nón Gò Găng ngày nay được lai ghép giữa nón ngựa truyền thống và nón bài thơ xứ Huế, sự cầu kỳ trong chu trình làm nón đã giảm nhiều. Thành phẩm tiết kiệm nguyên liệu hơn, phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng của người dân lao động. Phương pháp làm nón ngựa xưa cũng không còn duy trì đến nay. Sản phẩm nón của Gò Găng từng được tiêu thụ rộng rãi khắp trong, ngoài tỉnh, ngày nay các làng nghề vẫn duy trì việc sản xuất, tuy lượng tiêu thụ không bằng trước kia. Mặt hàng xuất khẩu có mặt trên thị trường các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc, chiếc nón được cải biến thêm về hình dáng cho phù hợp với nhiều nền văn hóa. Năm 2007, làng nghề nón lá Gò Găng được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Đây là một trong những nơi được tỉnh đưa vào quy hoạch để phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch.

Làng nghề nón lá Gò Găng là một trong ít các làng nghề tiêu biểu cho nền kinh tế của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định hiện vẫn tồn tại đến nay. Nghề làm nón gắn liền với đời sống của người phụ nữ nông thôn. Trong quá trình phát triển nghề, chiếc nón lá Gò Găng có nhiều biến đổi, từ loại sản phẩm dành cho tầng lớp thượng lưu, dần trở thành vật dụng thân thiết với người dân lao động. Ngày nay, làng nghề nón lá Gò Găng có sự giao thoa, tiếp thu văn hóa các vùng miền, thích ứng với đời sống hiện đại của con người để tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Mai Thìn, Làng ven thành, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.
  2. Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1999.
  3. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Từ điển phổ thông ngành nghề truyền thống Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000.
  4. Mai Thìn, Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
  5. Ngô Văn Ban, Bình Định – Những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết tín ngưỡng dân gian vùng đất võ trời văn, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2020.