Làng nghề hàng mã Đông Hồ là một làng nghề thủ công truyền thống chuyên làm hình nhân, hình các con vật, đồ vật bằng giấy, bìa, dùng để cúng, đốt gửi về cõi tâm linh theo tín ngưỡng dân gian. Các sản phẩm này được gọi chung là hàng mã hay đồ mã.
Làng Đông Hồ, còn gọi là làng Hồ hay làng Mái, xưa thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An (sau đổi là Thuận Thành), trấn Kinh Bắc, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là làng nghề nổi tiếng trong lịch sử với nghề làm hàng mã, làm pháo và khắc in tranh, trong đó nghề làm hàng mã có phần phát triển hơn, tuy vậy, mỗi nghề đều có những giai đoạn thăng, trầm, thịnh, suy khác nhau. Hiện nay, ở làng Đông Hồ, nghề làm hàng mã phát triển mạnh trong khi nghề làm tranh thu hẹp do nhu cầu xã hội giảm sút, nghề làm pháo không còn tồn tại do mặt hàng này đã bị Nhà nước cấm sử dụng.
Một số tài liệu cho biết, tộc phả của dòng họ Nguyễn Đăng, một dòng họ lớn trong làng, có phần phụ chép Văn tế Tổ sư nghề làm đồ mã, tuy nhiên không có thông tin cụ thể về Tổ sư và các hình thức thờ cúng. Đình làng Đông Hồ thờ thành hoàng Lực Sĩ Trấn Bắc, không phải là tổ nghề hàng mã hay tổ nghề tranh, tuy vậy không gian đình làng luôn là nơi có nhiều hoạt động liên quan đến nghề mã và nghề tranh của dân làng.
Nghề làm hàng mã ở Đông Hồ không biết khởi phát từ bao giờ nhưng đến thời Lê, thư tịch, sử sách đã có những ghi chép cho biết tổng Đông Hồ của huyện Siêu Loại làm các thứ hình người, hình súc vật và các đồ mã, áo giấy, theo đó, nghề hàng mã của làng Đông Hồ đã có lịch sử ít nhất vài trăm năm, sản phẩm hàng mã Đông Hồ nổi tiếng vùng kinh Bắc.
Do có nhiều gia đình biết làm đồ mã đẹp nên đến thời Nguyễn, người làng Đông Hồ mở hội thi mã, vừa để cúng thánh thần, vừa khuyến khích tài nghệ khéo léo của người làng.
Hội thi mã mở từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Trong ngày hội, người làng rước mã ra đình để thi và chấm giải cùng với các hoạt động thi gà luộc đẹp nhất, thi đánh cờ, đánh đu, chọi gà. Về sau, hội thi mã được chuyển vào dịp làng tổ chức lễ cầu mát, diễn ra ở đình từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 3 âm lịch, cúng Thiên, Địa và Quan Ôn để cầu mong cho làng tránh được mọi dịch bệnh. Vào dịp hội, các gia đình làm đồ mã tinh khéo từng chi tiết, rực rỡ sắc màu dâng trong cung thờ và tràn ngập sân đình để cúng Trời, Đất, Tử Vi, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Chúa, Chúa Ôn, Đương Niên, Đương Cảnh và Thành Hoàng. Đồ mã dâng cúng được bày theo nguyên tắc ngũ hành ứng với ngũ sắc, trong đó Nam hắc, Bắc hồng là quy định luôn được tuân thủ. Người làng lập hội đồng chấm giải, sản phẩm đạt giải tố hảo được nhận thưởng dải lụa và cau thờ. Những sản phẩm đẹp nhất được làng chọn để hoá cúng thánh thần thiên địa, cầu cho nghề làng phát triển hưng thịnh, cuộc sống dân làng bình an.
Người làng Đông Hồ trước đây làm mã từ tháng ba đến tháng bảy âm lịch, từ tháng tám đến tháng Chạp, cả làng tất bật làm tranh. Sau năm 1945, do cuộc vận động chống mê tín dị đoan, đồ mã bị cấm sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên trong xã hội vẫn có những người cần hoá mã cho người thân mất hoặc cúng đốt thế mạng nên việc sản xuất và mua bán hàng mã vẫn diễn ra dù không công khai. Tiếp đến là các thập kỷ đất nước có chiến tranh, người chết vì bom đạn nhiều nên việc hoá đốt mã vẫn là nhu cầu của nhân dân. Ngày nay, khi xã hội cởi mở hơn về tự do tín ngưỡng, mọi người sản xuất, mua bán và hoá đốt hàng mã công khai thì nghề làm hàng mã ở Đông Hồ trở nên phồn thịnh và vang danh.
Người làng Đông Hồ hiện nay làm và bán hàng mã quanh năm. Thời điểm hàng mã vào vụ, mỗi gia đình trở thành một công xưởng sản xuất. Nhiều bài báo, bài viết ví Đông Hồ như thủ phủ đồ mã, đại công xưởng sản xuất đồ mã, kinh đô vàng mã.
Làng Đông Hồ có những gia đình nhiều đời làm nghề mã. Trong nhà, tất cả các thành viên, từ trẻ con đến người già đều có thể tham gia làm nghề bởi công việc không khó mà cần nhiều công lao động. Sản xuất hàng mã ở Đông Hồ có xu hướng chuyên môn hoá, mỗi gia đình làm một hoặc hai mặt hàng chuyên biệt. Có nhà chuyên làm các loại mũ hoặc làm quần áo, làm ngựa, có nhà chuyên mặt hàng xe máy… có nhà chỉ chuyên ghép đồ và đóng gói.
Nguyên liệu làm hàng mã chủ yếu là giấy bồi, giấy màu, bìa, cốt đan bằng tre, keo, hồ dán. Công cụ lao động là dao cắt, dao trổ, kéo, súng bắn keo, dập ghim. Thao tác cơ bản của nghề là phết hồ, keo và dán giấy tạo hình sản phẩm.
Các sản phẩm hàng mã Đông Hồ đa dạng loại, từ các mặt hàng truyền thống đến các vật dụng tiêu dùng hiện đại, từ sản phẩm đại trà để bán buôn tại địa phương hoặc giao đi các tỉnh cho đến các sản phẩm đơn chiếc, làm theo đơn đặt hàng, từ các mẫu mã phổ biến cúng đốt tại tư gia đến các loại mã cúng đốt ở chùa, đền, phủ, điện, hình thức cầu kỳ, kích thước lớn. Theo lối nghĩ truyền thống trần sao, âm vậy, sản phẩm đồ mã Đông Hồ mặc dù để phục vụ cõi tâm linh nhưng mẫu mã luôn thay đổi, cập nhật, bám sát sự phát triển của thế giới vật chất đương đại cũng như nhu cầu tiêu dùng mới của người cõi dương. Nhà biệt thự, nhà cao tầng, điện thoại, laptop hàng hiệu, xe máy, ô tô của các hãng nổi tiếng, ti vi màn hình phẳng, tiền polymer nhiều mệnh giá, tiền USD, trang phục theo nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính… tạo ra nhu cầu tiêu thụ lớn về đồ mã trong xã hội.
Hoá mã là phong tục cổ xưa thể hiện lòng ngưỡng vọng của người sống hướng về cõi linh thiêng và những người đã khuất. Ý nghĩa nhân văn của tục hoá mã được lưu giữ truyền đời khiến cho LNHMĐH vẫn duy trì được nghề truyền thống của địa phương. Khi tục cúng hoá mã vẫn còn là nhu cầu lớn trong đời sống xã hội thì nghề làm hàng mã ở Đông Hồ vẫn có lý do để tồn tại và phát triển.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chu Quang Trứ, “Hàng mã với đời sống tâm linh của người Việt” in trong: Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập 1, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002, tr.33
- Giang Nguyệt Ánh, “Đồ mã trong điện mẫu ở Hà Nội”, in trong Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.1041
- Trang Thanh Hiền, “Đồ mã rằm tháng bảy, những lớp văn hoá truyền thống – hiện đại”, in trong Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.1115