Làng nghề chế tác đá Non Nước là một làng nghề làm đá mỹ nghệ có truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng. Với lịch sử lâu đời nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc đá tinh xảo, làng nghề hàng năm sản xuất ra hàng nghìn tác phẩm đá mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, làng nghề chế tác đá Non Nước nổi tiếng là một làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng khắp cả nước, trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời. Về vấn đề ông tổ làng nghề chế tác đá ở Non Nước hiện vẫn còn nhiều tranh luận, tuy nhiên tư liệu thuyết phục nhất vẫn cho rằng nghề đá ở Non Nước được ông tổ Huỳnh Bá người Thanh Hóa truyền vào đây. Tư liệu thuyết phục nhất hiện có là bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào thời Bảo Đại), được chép lại từ nội dung của sắc phong có ghi: “Thanh tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai” (Nghề đá xã Quán KHai do tộc Huỳnh Bá khai sainh đầu tiên), “Bổn xã Huỳnh Bá tộc phụng lập” (Xã do tộc Huỳnh Bá lập). Văn bia này phù hợp với lời kể của các bậc cao nhiên của làng Quản Khái Đông ngày nay, xác định rõ người có công đem nghề đá từ Thanh Hóa vào vùng đất Quán Khai. Tương truyền vào thế kỷ XVII, một người thợ ở Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát đã đến an cư lập nghiệp tại chân núi Ngũ Hành Sơn. Ông khám phá đây là một cụm núi đá Cẩm thạch có thể chế tác ra nhiều sản phẩm trang trí, vì thế ông đã khai thác đem về và chế tác ra những tấm bia mộ, cối giã tiêu, giã thuốc, cối xay… để phục vụ cho những ngư dân trong vùng. Sản phẩm của ông Quát được nhiều người ưa thích và mua về. Dần dần, ông truyền dạy nghề cho con cháu và những người dân trong làng. Lâu dần, nghề chế tác đá đã trở thành nghề chính nuôi sống những người dân địa phương và nổi tiếng khắp vùng. Đến khoảng đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm, nghề đá ở đây có điều kiện phát triển. Uy tín của làng nghề từ đó cũng được nâng cao. Một số thợ giỏi được triều đình phong hàm Cửu phẩm, nhiều thợ của làng được mời đi làm nghề ở khắp nơi. Nhiều tài liệu còn nhắc tới hậu duệ của dòng họ Huỳnh như Huỳnh Bá Triêm (còn gọi là ông Cửu Đàn) sống vào đầu thế kỷ XIX, trong thời gian ỏ kinh đô Huế để xây dựng lăng tẩm, ông đã tìm cách chế tác thành công bộ ấm chén, khay trò bằng đá vân đỏ, mở đường cho việc làm đồ đá mỹ nghệ, với kỹ thuật chế tác nhẹ nhàng, ít tốn nguyên liệu mà sản phẩm lại đẹp, đa dạng về loại hình. Đến cuối thế kỷ XIX, cụ Hương Sum, tên thật là Huỳnh Đàn đã tạc thành công tượng sư tử. Hiện nay, ở khu vực Ngũ Hành Sơn vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất đồ đá mỹ nghệ do người họ Huỳnh làm chủ.
Quy trình chế tác đá của làng nghề Non nước bao gồm các công đoạn: chọn nguyên liệu đá, ra phôi và hoàn thiện sản phẩm. Nguyên liệu đá làm nên các sản phẩm điêu khắc đá ở Non nước trước đây chủ yếu được lấy từ mỏ đá cẩm thạch – núi đá Ngũ Hành Sơn. Núi đá này có nhiều màu sắc (gồm các màu đỏ, đen, trắng…), hoa văn của núi đá đẹp, kết cấu đá mềm, mịn, dễ đục. Để khai thác được những cục đá từ núi xuống đòi hỏi cần có những người thợ khai thác lành nghề. Người thợ khai thác đá cần phải có sức khỏe, kinh nghiệm để chọn được loại đá thích hợp cho việc chế tác sản phẩm. Người chuyên lấy đá được gọi là “ông Võ”, thường là những cụ già, có nhiều kinh nghiệm và bí quyết nhà nghề. Ông Võ sẽ dẫn theo đội thanh niên khỏe mạnh vào núi lấy đá. Việc khai thác đá phải chọn được dong đá, thớ đá, chọn hướng khai thác theo mạch đá. Sau khi khai thác đá, người thợ sẽ dùng búa để tạ các cục đá to thành các cục đá nhỏ phù hợp với yêu cầu sử dụng. Với kinh nghiệm làm nghề, người thợ giỏi còn có thể biết được đá mềm hay cứng, có thể tạo ra loại sản phẩm gì qua tiếng kêu của đá. Gần đây, do nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt, từ năm 1990, Ủy ban tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ra quyết định không cho phép khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn. Người thợ làng đá phải nhập nguyên liệu từ các vùng khác về, như nhập nguồn đá từ Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định… Dựa vào kinh nghiệm gia truyền về nghề đá, người làng nghề Non nước vẫn ứng dụng để lựa chọn được các loại nguyên liệu quý từ khắp các vùng miền trong cả nước.
Sau khi có nguyên liệu, người thợ điêu khắc đá sẽ tạo hình sản phẩm ở dạng thô. Quá trình ra phôi được thực hiện bài bản, như tìm mặt phẳng để tạo chân đế, xác định điểm chuẩn tạo hình. Khi xác định được mặt phẳng và các điểm, người thợ đá sẽ tiến hành vẽ phác thảo trên giấy, sau đó vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp lên tảng đá. Theo bản vẽ phác thảo, người thợ tiến hành đục phôi, tạo hình sản phẩm. Khi phôi hoàn thành, người thợ sẽ làm các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm, như: chạm hình nét, trang trí hoa văn, mài, đánh bóng sản phẩm. Công việc tạo hình và hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, tỉ mỉ và cẩn thận. Để sản phẩm có màu sắc đẹp, đôi khi người thợ còn phải nhuộm đá theo màu yêu cầu. Bí quyết để có màu đẹp phụ thuộc vào việc pha màu, tạo nhiệt độ và dùng độ đậm nhạt của màu. Sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, nhờ bàn tay khéo léo của người thợ.
Việc chế tạo sản phẩm điêu khắc đá đòi hỏi các công cụ sản xuất và quan trọng nhất là người thợ chế tác. Công cụ sản xuất của làng nghề gồm các dụng cụ thủ công như búa tạ để khai thác đá; con vọt, con chạm để bóc tách các lớp đá;mũi xó để bóc tách đá, mũi bạt để chặn đường thẳng, mũi ve để tạo các chi tiết sản phẩm, mũi ngô để tạo các đường lượn tròn trên sản phẩm… Trước đây, người làm nghề tạc đá hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Với cây đục và vài dụng cụ đơn giản, họ đã chạm khắc khối đá thô sơ theo các hình nghệ thuật. Việc đục chạm thủ công khiến cho công việc thường kéo dài, tuy nhiên các sản phẩm đục thủ công luôn có tính nghệ thuật và sản phẩm thường mềm mại, uyển chuyển, có “hồn”. Ngày nay, do khoa học tiến bộ, người làng nghề Non nước đã sử dụng máy móc để hỗ trợ trong việc chế tạo và điêu khắc đá. Máy đục đá hiện đại sử dụng lực bắn của tia nước, với các mũi dao khắc kim cương, với hệ thống cơ khí vững chắc, kết hợp với phần mềm công nghệ để các khối đá theo bản vẽ chi tiết. Việc đục đá bằng máy khiến cho sản phẩm được chế tác nhanh hơn, tuy nhiên nó lại khiến cho các sản phẩm điêu khắc thiếu tính mềm mại và thiếu đi thần thái. Nhiều sản phẩm sau khi đục bằng máy xong vẫn cần bàn tay của người thợ để tỉa gọt lại cho sắc nét và có thần hơn.
Trong quá trình chế tác, để làm nên một sản phẩm điêu khắc đẹp, vai trò của nghệ nhân là vô cùng quan trọng. Người thợ điêu khắc đá ngoài việc hành nghề con trao truyền cho lớp kế cận. Theo truyền thống, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, truyền nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc. Ngày nay, tính chất gia truyền này nới lỏng do sự mở rộng của nguồn lao động. Do nhu cầu lao động nhiều mà các nghệ nhân Non Nước cũng đã bắt đầu hướng dẫn và truyền dạy cho các lớp thợ địa phương khác đến Non Nước làm việc. Thợ điêu khắc đá mỹ nghệ được chia thành các bậc khác nhau: Thợ mới học việc thì đục đá theo phác thảo; thợ nhì thì làm cùng thợ cả việc tạo phôi; thợ cả thì tạo phôi, tạo hình dáng theo kích thước đã định và hoàn thiện sản phẩm. Các công đoạn mài, rửa, đánh bóng bằng tay thường do thợ phụ làm, đa số là phụ nữ. Việc truyền dạy nghề đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hàng năm, thợ điêu khắc thường tổ chức lễ tế ra nghề vào ngày mùng sáu tháng Giêng để cúng Tổ nghề và cầu xin sự phù trợ cho một năm mới an lành. Lễ giỗ Tổ nghê được tổ chức vào ngày mười sáu tháng Ba, cũng là lễ hội chung của dân làng.
Sản phẩm điêu khắc đá mũ nghệ Non Nước đa dạng về loại hình, phong phú về màu sắc, kích cỡ, chủng loại. Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng. Có thể phân các sản phẩm của làng nghề thành 3 loại: sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt, sản phẩm trang trí và sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh.
Sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt là những đồ dùng thông dụng, thô sơ của cuộc sống đời thường, như: ấm, chén, bát, đĩa, bình cắm hoa, chân cột, cái chày, cái cối… Sản phẩm phục vụ trang trí bao gồm nhiều loại, có loại nhỏ gọn, tinh xảo đủ màu sắc như chiếc vòng, chiếc nhẫn, chuỗi hạt, những con cóc chặn giấy… ; có loại mẫu mã đa dạng đủ kích cỡ như cặp sư tử hí cầu, những con đại bang sải cánh rộng, cá chép trông trăng, rồng phun lửa …Bên cạnh những loại sản phẩm trang trí bằng động vật, người thợ Non Nước còn điêu khắc các sản phẩm như thiếu nữ Việt Nam, tượng phỏng theo các nhà cách mạng, các nhà lãnh tụ, hoặc các hình thể hiện tình yêu của các cặp đôi nam nữ…
Sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh như: bia, mộ, tượng… làng nghề chế tác đá Non Nước nổi tiếng với việc tạc những bức tượng tâm linh nổi tiếng, trong đó nổi tiếng có hai loại tượng: tượng tròn và phù điêu. Dạng tượng tròn gồm các loại tượng như: tượng Phật, tượng La Hán, tượng Đức Mẹ và Chúa hài đồng... Đặc biệt nhất là nhóm tượng Chăm. Nghệ nhân điêu khắc mỹ nghệ Non Nước đã phục chế và chế tác tượng Chăm dưới dạng tượng tròn và phù điêu. Các tác phẩm tượng Chăm rất đa dạng, gồm: tượng chim thần, tượng bò thần, rắn thần, tượng thần Siva, tượng Genesa, tượng Vũ nữ, tượng Makara hai đầu, biểu tượng linga, yoni…làng nghề chế tác đá Non Nước được tạo nên từ nét văn hóa của người Việt cổ đồng thời giao thoa với văn hóa Chăm Pa. Vì thế mỗi sản phẩm được tạo nên không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Đó là lí do mà sản phẩm điêu khắc của làng đá Non Nước còn được yêu thích và ưa chuộng.
Làng nghề chế tác đá Non Nước trải qua lịch sử thăng trầm, hiện nay nghề điêu khắc đá vẫn được duy trì và phát triển. Hiện nay, Non Nước có hơn 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn. Làng nghề này có hơn 4000 lao động. Đa số người dân trong làng đều tham gia vào quy trình điêu khắc đá. Làng đá cũng có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Những nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề hiện nay gồm có: Nghệ nhân Nguyễn Long Bử, Nguyễn Việt Minh, Nguyễn Sang, Lê Bền… Trước đây, phần lớn nghề làm đá là truyền theo kiểu cha truyền con nối. Hiên nay, do thiếu hụt nguồn lao động nên việc truyền dạy nghề đã được mở rộng hơn.
Nghề mỹ nghệ, điêu khắc đá đã đem lại nguồn lợi ích kinh tế cao cho người dân làng nghề. Doanh thu của làng nghề ngày càng cao, các hộ kinh doanh liên tục được mở rộng. Người làm nghề trong làng không chỉ phát triển sản phẩm trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Họ vừa liên tục nhập nguyên liệu đá từ các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời còn nhập cả nguyên liệu đá cẩm thạch quý từ nước ngoài. Đồng thời, những sản phẩm của làng nghề Non Nước cũng vươn tầm để xuất khẩu ra thế giới.Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Canada, Mỹ… đã đến kí hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề.
Dù là sản phẩm dân dụng đời thường hay những sản phẩm nghệ thuật có giá trị tâm linh, người làng nghề Non Nước cũng đã thể hiện sự khéo léo, tinh tế và vô cùng dụng công trong từng sản phẩm. Mỗi sản phẩm không chỉ tạo nên giá trị thẩm mỹ ở bên ngoài mà còn chứa đựng linh hồn của người tạo ra nó. Chính vì điều đó mà sản phẩm điêu khắc của làng nghê Non Nước đã tồn tại hàng trăm năm và phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước và nước ngoài. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, nghề điêu khắc đá Non Nước đã được vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
- Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 6, Nghề chế tác đá, nghề sơn và một số nghề khác, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.