Làng nghề chế tác đá Ninh Vân là cụm các làng nghề chạm khắc đá cổ truyền nổi tiếng trong nước thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Trong đó làng Xuân Vũ được cho là cái nôi của nghề đá thủ công mỹ nghệ Ninh Vân. Làng nghề chế tác đá Ninh Vân làm các đồ mỹ nghệ và sản phẩm chế tác đá như: tượng nghệ thuật, tượng tôn giáo, tượng đài; đồ thờ như bát hương, đài nến, mâm tơ, bài vị, loài vật thờ; mộ phần gồm bia đá, mộ chí, long đình v.v; đồ gia dụng như thống, bể và chậu cảnh nhỏ, cầu, cổng, bàn ghế, gạt tàn, lọ hoa, tranh, ảnh v.v. Phong cách tạo hình chung của làng nghề là những hình khối khỏe khoắn, khúc chiết, mảng miếng rõ ràng trong tạc tượng và sự mềm mại, tinh tế, sống động trong mảng chạm, phù điêu. Sản phẩm của làng nghề được dùng trong các công trình kiến trúc đa dạng như đình, đền, chùa, nhà thờ, cơ quan, nhà ở trên khắp cả nước. Sản phẩm đá Ninh Vân cũng có mặt trên thị trường quốc tế.
Nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có từ lâu đời, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thời điểm ra đời của làng đá hiện còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng nghề chạm đá ở Xuân Vũ có từ thời Đinh – Lê. Căn cứ của nhận định này là một số di tích còn lại của cố đô Hoa Lư, điển hình như hàng cột đá vuông được chạm bong ở đền Thái Vi, long sàng tạc tượng rồng bằng đá nguyên khối trong cung điện Hoa Lư, các mảng chạm khắc đá đường nét sinh động đề tài tứ linh, tứ quý, chứng tỏ người xưa đã dùng đá như một vật liệu để xây dựng kinh thành. Một giả thiết khác cho rằng nghề chế tác đá ở đây do người Chăm truyền dạy lại cách đây khoảng 700, 800 năm, do thời kỳ chiến tranh Nguyên – Mông lần thứ nhất, Trần Hưng Đạo lui về Hoa Lư, đưa người Chăm đến vùng này để xây dựng doanh trại, nơi họ cư ngụ là làng Xuân Vũ. Cũng có quan điểm khác dựa theo lời kể lại, cho biết cách đây hơn 300 năm, người dân Ninh Vân vì tưởng nhớ vị công chúa họ Trịnh từng tu hành ở đây, đã bàn nhau xây một ngôi tháp cao để thờ phụng. Bấy giờ Ninh Vân không có thợ đá, phải mời một thợ giỏi là ông Hoàng Sùng ở làng Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tới giúp. Ông truyền nghề chạm khắc đá cho dân làng, từ đấy hình thành nên làng nghề chế tác đá. Hiện nay trên địa bàn xã Ninh Vân vẫn còn ngôi tháp đá trong truyện kể. Làng Hệ thuộc xã này cho dựng đền thờ ông Hoàng Sùng. Đền thờ tổ nghề chạm khắc đá nằm ở làng Xuân Vũ.
Thợ đá Ninh Vân từng tham gia chế tác tại nhiều công trình đồ sộ trong cả nước. Các công trình đền đài, lăng tẩm xưa như chùa Hương, đền ông Đùng, bà Đà, đền Trình, phủ Giày, lăng Thánh mẫu Liễu Hạnh, đền Đông Hội, chùa Địch Lộng, Nghinh Phong Các đều có sự góp sức của thợ đá Ninh Vân. Thời Pháp thuộc, thợ Ninh Vân tham gia xây các công trình ở Sa Pa (nhà thờ đá), Hà Nội (mố cầu Long Biên), Nam Định (kho bạc, lăng Tú Xương), Ninh Bình (nhà thờ đá Phát Diệm), Huế (lăng Khải Định, lăng Tự Đức),… Trải qua hai cuộc chiến tranh và thời kỳ bao cấp khó khăn, nghề đá có chiều hướng đi xuống. Năm 1959, hợp tác xã Thạch Sơn thành lập, nghề đá dần có sự khôi phục, núi đá ở Ninh Vân được đưa vào khai thác mở rộng từ những năm 1960, 1961. Các thợ giỏi của làng nghề tham gia vào xây dựng những công trình quan trọng như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm tượng đài liệt sĩ tại Thủ Đức, Đồi không tên, cụm tượng đài “Anh lính tình nguyện” tại Phnôm Pênh (Campuchia),… Nhiều công trình trùng tu, tôn tạo, làm mới tại các di tích đình, đền, chùa trong cả nước gần đây cũng được thực hiện bởi thợ đá Ninh Vân.
Tại Ninh Vân hiện có nhiều ngôi nhà và công trình kiến trúc làm từ đá. Đền Rậm, đền Ba Xã, đình làng Hệ, lầu chuông, chùa Tháp đều là những công trình đá thuộc hàng hiếm thấy, với nhiều sản phẩm đá nguyên khối quý giá, hoa văn tinh xảo, mang dấu ấn chạm khắc bong kênh, chạm lộng đặc trưng của Ninh Vân. Nhà ở của một số thợ khắc đá lâu năm trong làng có những cột hiên, cột nhà, sân hè, bậc cửa, xà đỡ, cột trụ, đấu, tầu được đục từ đá núi, chạm khắc hoa văn trang trí. Họa tiết, hoa văn trên cột nhà làm theo lối cổ với các hình tùng cúc trúc mai, triện tàu lá giắt, túi gấm bài thơ, đàn sáo nhị, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong nhà còn giữ những bức câu đối chữ Hán cổ chạm bằng đá phiến, sơn đen, ghi lại lời di huấn cho con cháu đời sau. Ngày nay, nhiều ngôi nhà trong làng được xây mới từ chất liệu đá, hoặc theo lối cổ, hoặc kiến trúc hiện đại và cổ kim kết hợp.
Nghề chế tác đá Ninh Vân nổi danh khắp cả nước nhờ sự phong phú, đa dạng về chủng loại sản phẩm và độ khó, tính thẩm mỹ cao trong chế tác. Từ nguyên liệu đá, nhiều đồ gia dụng, tượng đài, đồ thờ, mộ phần, phù điêu được người thợ Ninh Vân tạo tác, thổi hồn trong từng đường nét. Những mặt hàng nổi bật mang thương hiệu Ninh Vân gồm: chén trà bằng đá (khi thả xuống nước chén nổi lên quá nửa), bao diêm kéo ra đẩy vào, vật trang trí hình khóm trúc, em bé cưỡi trâu, hình chim, thú, đặc biệt là các sản phẩm, công trình với kích thước lớn như tượng đá, tượng đài, chậu cảnh, bể cảnh. Các đề tài chạm khắc trên sản phẩm đá Ninh Vân chủ yếu dựa trên những mô típ quen thuộc trong các sáng tác dân gian như hình cây cỏ, hoa lá, các loại chim, thú, đặc biệt là các hình ảnh phượng, rồng,...
Độ tinh xảo và độ khó cao của sản phẩm Ninh Vân được tạo ra từ tay nghề khéo léo, sự tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo và kho kinh nghiệm trong nghề của người thợ chế tác đá Ninh Vân. Từ việc chọn loại đá, tạo tác nguyên khối hay chia ghép, chế tác phác họa, gọt tạo dáng, đục thô, đục chi tiết, sử dụng các loại công cụ thủ công (búa, vồ, đe, chét, đục, bạt, thước, khuây, li),… đều đỏi hỏi người thợ đá phải có kinh nghiệm và tay nghề cao, cũng như sự lựa chọn phù hợp và chính xác trong từng công đoạn riêng biệt. Các kỹ thuật chính của nghề đá Ninh Vân là điêu khắc khối dùng trong tạc tượng, con giống và điêu khắc trang trí gồm các cách chạm nông, chạm sơn, chạm chênh (kênh), chạm bong (lộng), chạm thông phong (thủng) thường thấy ở phù điêu. Kỹ thuật chế tác thể hiện phong cách thẩm mỹ riêng của người thợ làng nghề chế tác đá Ninh Vân khi không chú trọng các khâu đánh bóng hoặc thay màu đá mà tôn vinh nét xù xì, thô mộc, giữ nguyên vẹn màu đá xanh ánh tím tự nhiên. Do đó sản phẩm của làng nghề có đặc trưng càng dùng càng bóng, mịn.
Tại làng nghề Ninh Vân, việc tổ chức sản xuất chủ yếu theo mô hình hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Thợ cả thường là chủ hộ sản xuất, đứng ra nhận đơn và sáng tạo mẫu. Một số hộ sản xuất quy mô lớn là cơ sở kinh doanh của anh em cùng dòng họ, có danh tiếng và truyền thống làm nghề lâu năm. Người trong nghề chế tác đá luôn đề cao tinh thần tập thể, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau về chi phí, nhân công, mẫu mã để cùng giữ nghề cổ truyền cho làng. Ở Ninh Vân, việc truyền nghề và học nghề chủ yếu theo lối gia truyền, bên cạnh đó là hình thức học tập cộng đồng mở trong từng xã. Những người thợ đá truyền lại cho nhau kĩ thuật, kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều thế hệ, truyền cả sự nhẫn nại bền bỉ, sáng tạo, tinh thần lao động và ý thức làm nghề. Những lời răn dạy, di huấncủa tổ tiên được khắc trên các bức hoành phi, câu đối bằng đá trong gia đình, dòng họ.
Giá trị của làng nghề chế tác đá Ninh Vân được đánh giá là phản chiếu sự hóa thân của thiên nhiên trong môi trường sinh hoạt văn hóa của con người. Ninh Bình là xứ sở của núi đá. Người thợ đá Ninh Vân tận dụng thứ vật liệu đặc trưng của quê hương để lưu lại những dấu tích tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử, dùng đá để truyền dạy cho con cháu đời sau về nề nếp gia phong, thuần phong mỹ tục, lòng tự hào dân tộc. Người thợ đá xưa dựa vào địa thế núi đá tự nhiên để xây dựng các công trình tôn giáo, đưa kỹ thuật chạm khắc tinh diệu vào những ngai thờ, hương án trang nghiêm. Ninh Vân có di tích cấp quốc gia là cụm đền Kê Thượng, Kê Hạ và Miếu Sơn. Những ngôi đền, miếu ở làng Côn Lăng và Phú Lăng cũng có cấu trúc tế tự bằng đá, nằm trong cụm di tích thờ thần Cao Sơn và thần Quý Minh, được nhân dân tới cầu cúng, sửa sang, tổ chức lễ rước trong những dịp hội làng. Sản phẩm của làng nghề thường mang họa tiết gắn với biểu tượng triết học phương Đông, như quy luật tự nhiên “xuân, hạ, thu, đông”, quy luật cuộc sống “sinh, li, tử, biệt”, phẩm chất người quân tử, thể hiện thế giới quan của người xưa. làng nghề chế tác đá Ninh Vân tạo ra những vật phẩm hội tụ cả giá trị thực tiễn, giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa. Nghề chế tác đá ở Ninh Vân đã đưa nét đặc sắc của văn hóa địa phương vào vật liệu đá vô tri, biến vùng đất Ninh Bình trở thành một bảo tàng sống động của những di sản văn hóa có giá trị trường tồn.
Làng nghề chế tác đá Ninh Vân đã trải qua nhiều biến động thăng trầm và tồn tại qua bao đời. Làng nghề cho ra đời những sản phẩm giàu ý nghĩa văn hóa xã hội. Hàng đá truyền thống Ninh Vân từ chất liệu đến kiểu dáng đều phù hợp với yêu cầu của hàng dân dụng và mỹ nghệ, được thị trường ưa chuộng. Ngày nay, làng nghề chế tác đá Ninh Vân đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập cùng nền kinh tế hàng hóa trong nước. Thợ làng nghề đưa các quan niệm tạo hình dân gian truyền thống vào công việc chế tác đá ngày nay, làm nên phong cách thẩm mỹ và dấu ấn riêng có của địa phương. Làng nghề là minh chứng cho sự hòa nhập của sắc thái văn hóa cổ truyền trong thời kỳ hiện đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
- Trương Đình Tưởng (chủ biên), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004.
- Lã Đăng Bật, Ninh Bình một vùng sơn thủy hữu tình, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2007.
- Vũ Thị Ngọc Hà, Làng nghề điêu khắc đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), in trong Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam – Tập 6: Nghề chế tác đá, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr. 19-106.