Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng nghề chạm gỗ La Xuyên

Làng nghề chạm gỗ La Xuyên là một làng nghề chạm gỗ có truyền thống nhiều đời của của vùng văn hóa Núi Gôi – Sơn Nam Hạ, nơi nghệ thuật chạm khắc đạt đến độ hoàn hảo. Làng nghề này từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề chạm khắc, đặc biệt là chạm khắc sập gụ, tủ chè.

Nằm trên trục đường 10, con đường nối đôi tỉnh Nam Định – Ninh Bình, La Xuyên là một làng thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định. Lưng làng tựa vào bóng núi Gôi, chảy bao quanh làng là dòng sông Vị. Núi Gôi, sông Vị trở thành biểu tượng của non nước, cảnh trí vùng đất này. Hơn nữa, nó còn quy tụ, lan tỏa, giao thoa văn hóa dân gian của vùng đất thành Nam.

Theo lịch sử ghi chép lại, La Xuyên trở thành trung tâm của nghề chạm gỗ từ thời Đinh – Lê. Theo thần phả, ông tổ làng nghề là Ninh Hữu Hưng, quê ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ông sinh năm 936 trong một gia đình nối đời làm nghề thợ mộc nên đã sớm tiếp thu truyền thống và trở thành một người thợ giỏi. Khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, cho tuyển nhiều nhân tài và thợ giỏi ở khắp các địa phương về giúp triều đình, Ninh Hữu Hưng được trọng dụng. Ông được nhà vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh đô. Nhà Lê thay nhà Đinh, sau khi đánh thắng quân Tống, Hoàng đế Đại Hành cho xây dựng lại cung thất, Ninh Hữu Hưng được nhà vua giao cho nhiệm vụ xây dựng cung điện. Một lần cùng vua Lê qua vùng Cái Nành (nay là đất La Xuyên), thấy đây là vùng đất đẹp nhưng cư dân thưa thớt, nhà vua đã cho ông Ninh Hữu Hưng ở lại đất này lập ấp, đưa con cháu, họ hàng đến cùng xây dựng vùng đất mới. Ông cũng bỏ tiền chiêu dân, khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề thủ công, truyền dạy nghề làm mộc. Qua 10 thế kỷ, nghề chạm khắc đã trở thành một nghề cổ truyền của dân làng La Xuyên, nổi tiếng khắp các vùng miền trong cả nước.

Những di tích tạo hình, những lễ hội truyền thống còn lưu lại tại La Xuyên đã ghi lại dấu ấn cho thấy diện mạo văn hóa của một làng nghề.

Các di tích tạo hình còn lưu giữ lại tại La Xuyên: Đình La Xuyên, Phù, Điện thờ, Nhà tiền tế, Chùa làng… đã chứng minh nghệ thuật chạm khắc của người La Xuyên. Đình làng được xây dựng theo lối nhà tám mái, tường bao chạy xung quanh. Tỉ lệ chiều mái lao và chiều cao kiến trúc có tỉ lệ 3/5, lại được chia làm hai lớp do đó gợi cảm giác cao thoáng. Bên cạnh đình là Phủ và các công trình chùa, nhà tiền tế… Tại các công trình này, người La Xuyên đã thể hiện một nét đẹp trong lối kiến trúc với tỉ lệ giữa các thành phần đồ án trang trí hợp lý. Nghệ thuật trang trí hoa văn của các công trình này cũng rất tinh xảo. Các nét chạm, đục đơn giản, khéo léo, không ôm đồm mà khúc chiết, rõ ràng.

Các lê hội ở La Xuyên cũng thể hiện đặc trưng văn hóa của làng nghề. Ngoài các lễ hội như các vùng quê Bắc Bộ khác, người La Xuyên có lễ hội của làng gọi là Lễ hội La Xuyên. Lễ hội tổ chức từ mùng 10 đến mười lăm tháng Giêng âm lịch. Những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, hội mở to hơn những năm khác. Lễ hội là dịp để con cháu cúng tổ đường, cúng tổ nghề. Trong lễ hội này, các làng thợ thường cúng mâm cỗ cây, cỗ đồ đường khéo léo dâng lên tổ nghiệp. Mâm cổ cây khung bằng đốt mía, cấu trúc theo hình tháp cao từ mặt đất tới mái nhà. Mỗi tầng mái tháp xòe ra như một bông hoa, với các loại hoa quả nhiều màu. Lễ hội La Xuyên là dịp để các nghệ nhân làng nghề được thể hiện lòng thành kính với tổ nghê, và cũng là dịp để người làng La Xuyên vui chơi, đua tài mừng cho một năm mới nhiều may mắn.

Theo giai thoại, gia phả của một số dòng họ nghề mộc ở làng La Xuyên có lịch sử 1000 năm. Nghề làm mộc trong làng cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Thời kì đầu, làng nổi tiếng với những nghệ nhân dựng chùa, tạc tượng, làm đình, chạm khắc phù điêu trang trí. Khi nghề làm chùa tạc tượng lắng xuống, người La Xuyên đã vận dụng chế tác nên sập gụ, tủ chè để trang trí cho dinh thất,tư gia các gia đình quyền quý. Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Tám (1945), người dân làng nghề đã tập trung sản xuất ra các đồ gia dụng, như sập gụ, tủ chè, bàn ghế… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và ngoài nước.

Nghề mộc dựng nhà, làm chùa, tạc tượng của người La Xuyên đã nổi tiếng từ xưa. Người thợ nơi đây đã từng đi xứ Đông, xứ Đoài để dựng chùa làm đình cho khắp các miền quê. Dấu chân người La Xuyên có thể tìm thấy khắp từ đầu Cao Bằng, Lạng Sơn, đến tận miền đồng bằng Sông Cửu Long, từ đông sang tây, vượt cả dãy Trường Sơn sang tận Lào, Miên, Thái Lan. Người La Xuyên tổ chức thành các hiệp, đi quanh năm suốt tháng để nhận các công trình, hoặc làm công nhật. Việc tổ chức hiệp thợ của người La Xuyên rất đơn giản, ai mượn thì đi làm. Việc cần nhiều người thì tổ chức đội nhiều người, nếu việc ít thì cha với con, ông với cháu đều tổ chức để đi làm nghề. Người La Xuyên từ thời Lý, Trần nổi tiếng trong việc dựng chùa, dựng đình. Họ cũng đúc rút ra những kinh nghiệm khi tạc tượng, làm chùa. Theo kinh nghiệm của người La Xuyên, đục tượng có công thức của đục tượng, tùy theo thế, dáng tượng đứng hay ngồi. Tượng ngồi thi phân làm bốn phần: từ chân tóc tới cằm, từ cằm tới ngực, từ ngực tới rốn, từ rốn dến hết, còn lại là bệ tượng. Tượng đứng thì phân làm bảy phần. Bề ngang tượng bao giờ cũng bằng hai lần diện (tức hai đầu). Còn về động tác, tâm thế thì đã có mẫu số chung, Nếu tượng buồn, tượng trầm thì có cách để đưa nét khắc hình đó vào. Không thể xác định rõ được là người La Xuyên đã dựng bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu chùa chiền, đình miếu. Sản phẩm của họ tiêu biểu là nhà thờ đá Bùi Chu – Phát Diệm. Ngoài ra, sản phẩm của họ còn là những ngôi đình có phù điêu, những ngôi chùa có tượng đứng, tượng ngồi, những bức đại tự, cuốn thư, tam sơn, câu đối… Đình chùa La Xuyên cũng là một trong những dấu ấn kết tinh của làng nghề.. Những người thợ tài hoa đã thực sự đem trí tuệ, bàn tay điêu luyện của mình để dựng lên một công trình bề thế về kiến trúc. Kỹ nghệ chạm khắc từ việc tạo khối, dựng hình, chuốt nét, tới việc gia cố chất liệu gỗ đều khẳng định tiếng tăm của thợ làng La Xuyên. Đề tài của những bức chạm này không có gì lạ, vẫn là long, ly, quy, phượng, con rồng phun nước, con cá vượt vũ môn. Tuy nhiên, bàn tay tài hoa của người thợ đã làm cho những bức tranh điêu khắc bằng gỗ của đình làng trở nên sống động.

Khi nghề làm chùa, tạc tượng, dựng nhà, dựng đình lắng xuống, người La Xuyên đã vận dụng kĩ thuật làm mộc để chế tác nên những mẫu sập gụ, tủ chè để trang trí cho dinh thất, tư gia. Người La Xuyên nổi tiếng trong việc tạo ra những sản phẩm sập gụ, tủ chè nổi tiếng khắp vùng miền Bắc. Tủ gỗ La Xuyên nhìn từ phom, dáng, kích cỡ cũng như kĩ xảo và đề tài trang trí đều có nét đặc sắc riêng. Tủ gỗ La Xuyên không cồng kềnh như tủ Tây mà thường nhỏ gọn. Kỹ thuật đong đồ tủ gỗ của người La Xuyên cũng có nét đặc sắc riêng. Từ việc soi hèm, xử lý chất liệu gỗ để nó thích nghi với mội trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đều cần bàn tay khéo léo của người thợ. Ngoài ra, người thợ La Xuyên cũng thường trang trí, gắn lèo và khảm, chạm vào tủ gỗ những hình ảnh mang đậm chất văn hóa phương Đông. Những hình ảnh thường được chạm khắc lên như: Bát tiên quá hải, Văn vương cầu hiền, Tam cố thảo lư, Phúc lộc thọ… Trên những đôi cánh tủ có khi là chạm gỗ, có khi là tạc cảnh: mai điểu, trúc tước, hoặc Lã Vọng câu cá… Nếu là gỗ chạm sẽ đem đến cho chiếc tủ vẻ đẹp trầm lặng. Nếu là khảm ốc, khảm trai thì sẽ đem đến cho chiếc tủ vẻ đẹp sang trọng. Có rất nhiều cảnh trí, đề tài được các nghệ nhân khắc họa trên mẫu tủ La Xuyên.

Bên cạnh tủ sẽ là sập gụ. Người La Xuyên rất khéo léo trong việc đóng sập, làm mộng. Cách làm mộng chéo của người La Xuyên có thời gian đã trở thành một “bí truyền” của làng nghề. Mộng của người La Xuyên là mộng tréo, đóng “sập” từ trên xuống. Loại mộng này là kỹ nghệ do làng tìm kiếm phát minh ra. Loại mộng này có công năng là: khi vật dụng chịu lực càng nặng thì càng bén sát, khớp khít và chẳng bao giờ long, choãi như thứ mộng bằng cắt ngang. Bốn chân sập có tên gọi là chân quỳ, bởi tạo dáng thế như người quỳ, nâng đưa lên vững chãi và cung kính. Người La Xuyên còn tạo dáng nghệ thuật cho chân sập bằng cách tạo hình cho nó như một gốc cây cổ, già nua, cổ kính. Một sập gụ vững chãi mà vẫn nghệ thuật, kèm với chiếc tủ chè thanh thoát tạo nên sự gắn kết tương hỗ. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, chiếc sập, tủ chè không đơn giản là một khối mộc mà thường tạo tác thành những khối gỗ uyển chuyển, điệu đà. Sập gụ, tủ chè của người La Xuyên nổi tiếng trong làng nghề và rất được ưa chuộng.

Ngày nay, bên cạnh những sản phẩm như sập gụ, tủ chè, người La Xuyên còn làm các sản phẩm dân dụng khác: lan can, giường, đồng hồ, khung gương, bể cá, tranh gỗ… Khách hàng ưa thích đồ gia dụng ở La Xuyên vì mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, đồ gỗ mỹ nghệ cũng rất được ưa chuộng. Những bức tranh mỹ nghệ như tranh rẻ quạt, tranh tứ quý, tranh long phượng… đều được chạm khắc tinh xảo. Đồ gỗ thờ cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của người La Xuyên. Đồ gỗ thờ của La Xuyên khác với những sản phẩm của các làng nghề lân cận như làng Ninh Xá thượng, Ninh Xá Hạ. Đồ thờ của làng như câu đối, cuốn thư, ngai thờ, khung tranh… thường làm bằng gỗ quý như gỗ gụ, gỗ Nu (loại gỗ có thân mọc trong đất). Sản phẩm điêu khắc cũng được làm rất tinh xảo, chữ Hán trên câu đối, cuốn thư thường được khảm trai, đánh véc ni. Trong khi đó các sản phẩm thờ của các làng bên đều làm bằng gỗ mít, sơn đen hoặc sơn son thiếp vàng.

Những người thợ thủ công La Xuyên từ xa xưa cho đến bây giờ luôn tìm tòi sáng tạo và đổi mới các sản phẩm điêu khắc. Mỗi thành viên làng đã mang trong mình dòng máu nghề nghiệp. Kỹ thuật chạm gỗ của người La Xuyên cũng lắm công phu. Từ khối gỗ pha ra, người thợ ngang phải đo phân, định diện để phân các khối gỗ. Người thợ chạm sau đó mới chế mẫu để định hình phần gốc đục và phần bỏ đi. Sau đó là đục thủng, đục vỡ, đục tuông rồi gọt nhẵn, tỉa tách và đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẫn và khéo léo, cẩn thận. Người La Xuyên không chuyên môn hóa về một sản phẩm hay mặt hàng nhất định. Những gia đình thợ thủ công luôn làm nhiều mặt hàng, sản phẩm để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Về kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của người La Xuyên khá đa dạng. Từ những bộ bàn ghế kiểu thân trúc đến những bộ bàn ghế vuông vắn, hay những bộ bàn ghế hình gốc cây cổ thụ, hay bộ chạm rồng tinh xảo… đều được tạo ra. Từ đề tài trang trí đến kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm đều cho thấy người La Xuyên rất am hiểu sản phẩm.

Hiện nay, La Xuyên nổi tiếng là một trong những làng nghề thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, làng nằm trên quốc lộ 10 nên cũng rất thuận tiện trong việc lưu thông, giao thương hàng hóa và phát triển du lịch. Hiện nay, chính quyền địa phương đã quan tâm phát triển để La Xuyên không chỉ còn là một làng nghề truyền thống mà còn là một làng nghề có sức hút về du lịch. Trong tương lai, với việc liên kết các làng nghề tiêu biểu trong khu vực, như làng mộc, làng đúc đồng Tống Xá, các làng nghề đúc đá ở Ninh Bình, La Xuyên sẽ trở thành một làng nghề du lịch phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tăng Bá Hoành, Hồng Lục - Liễu Tràng Trung tâm khắc in mộc bản, trong sách Nghề cổ truyền, tập 1, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Hưng, 1984.
  2. Đặng Đức, Trương Duy Bích, La Xuyên, làng cham gỗ cổ truyền, Viện Văn hóa dân gian xb, H, 1989.
  3. Trần Ánh, Làng Mộc Kim Bồng với quẩn thể kiến trúc phố cổ Hội An, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1, Hà Nội, 1996.
  4. Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
  5. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 3, Nghề mộc, chạm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.