Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng nghề điêu khắc Dư Dụ

Làng nghề điêu khắc Dư Dụ làng nghề truyền thống chuyên làm điêu khắc ở thôn Dư Dụ, nay thuộc xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng Dư Dụ còn có tên Kẻ Túc, nằm trên tuyến quốc lộ 21B cách Hà Đông chừng 10 km. Sản phẩm điêu khắc chủ yếu từ chất liệu gỗ, với các loại tượng Phật Di Lặc, tượng tiên nữ, phù điêu… đặc trưng. làng nghề điêu khắc Dư Dụ sản xuất theo quy mô hộ gia đình, bao trọn từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng làm ra sản phẩm.

Về thời điểm ra đời của làng nghề điêu khắc Dư Dụ, hiện vẫn chưa có thông tin chính xác. Tổ nghề của làng là Lỗ Ban, vị tổ sư nghề mộc được tôn thờ ở nhiều nơi. Dư Dụ không có nhà thờ tổ, dân làng thờ phụng tổ nghề tại đình làng. Ngày mồng bốn tháng năm là ngày giỗ tổ nghề truyền thống của làng, do hội Tư văn đứng ra tổ chức tế lễ ở đình Dư Dụ. Làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời, có tiếng là nhiều thế hệ thợ giỏi. Dư Dụ từng có nhiều thợ được tuyển vào kinh đô Huế triều Nguyễn để tham gia việc xây dựng cung đình và các công trình ở đất cố đô. Trước kia, người làng Dư Dụ chủ yếu làm mộc ở những vùng quê xa và đi làm lưu động các nơi. Trước năm 1954, làng nghề điêu khắc Dư Dụ chuyên điêu khắc cho đình chùa hay các gia đình, dòng họ khá giả. Từ khoảng năm 1954 đến năm 1988, nghề làm đồ thờ của Dư Dụ có chiều hướng suy giảm, phải chuyển sang làm đồ gia dụng và làm nhà. Thời gian sau đó, dưới sự đổi mới chính sách, cải thiện đời sống kinh tế và khôi phục các di tích, lễ hội, nghề mộc Dư Dụ có điều kiện phát triển lại. Năm 1992, thị trường Đài Loan mở ra nhiều cơ hội làm nghề mới.

Sản phẩm điêu khắc của làng nghề điêu khắc Dư Dụ được đánh giá ở độ tinh xảo và đòi hỏi kỹ thuật cao. Các sản phẩm chính của làng nghề điêu khắc Dư Dụ trước năm 1954 là hoành phi, câu đối, y môn làm cho đình chùa, đền miếu hoặc đồ dùng trong nhà thờ các dòng họ. Ngoài ra còn làm bệ sập, lèo tủ. Làng chuyên làm các loại sản phẩm có khó cao như tượng Phật, cửa võng, tranh khắc, phù điêu v.v. Sau năm 1988 đến nay, sản phẩm của làng nghề điêu khắc Dư Dụ tập trung vào các loại tượng, gồm tượng Phật, tượng các nhân vật lịch sử, tượng thú. Trong đó tượng Di Lặc là loại sản phẩm đặc trưng của làng nghề điêu khắc Dư Dụ. Tượng do thợ làng Dư Dụ làm ra thường chú trọng khắc họa thần thái của Phật Di Lặc, với phần miệng thẳng hoặc cười hơi nhếch, phần mắt hình cung, nhấn vào đuôi mắt thể hiện rõ ánh cười, bụng tượng to tròn, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ khắc gỗ. Tượng Thích Ca Mâu Ni được đúc tạc gương mặt hiền từ, đôi tai dài tượng trưng cho sự trường thọ. Ngoài ra có tượng Tam đa, Thọ Tứ linh, Tiên Tứ linh, Thọ Bát nhi, tượng Lưu Bị, Quan Công, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v. Sản phẩm của làng Dư Dụ được đánh giá cao ở những đường nét chạm khắc công phu, đường uốn lượn tỉ mỉ và cái hồn của bức tượng. Tượng Phật mang lại sự yên ấm, thanh bình, tượng con giống tạo cảm giác ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những sản phẩm đẹp của làng nghề điêu khắc Dư Dụ được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật sinh động.

Sản phẩm điêu khắc của làng nghề Dư Dụ được làm trên những chất liệu gỗ tương đối đặc biệt như: pơ mu, hoàng đàn, dạ hương. Ngày nay có cả các loại gỗ thông dụng như gỗ mít, xà cừ, sưa, trắc. Nguyên liệu gỗ được các hộ nghề Dư Dụ nhập từ tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Một số ít tượng làm từ xương. Ngoài các sản phẩm điêu khắc gỗ, thợ làng Dư Dụ còn có nghề điêu khắc trên chất liệu đá. Đồ nghề truyền thống của người thợ điêu khắc có đục, tràng, cưa tay, nạo, dũa. Ngày nay có thêm máy cưa, máy tiện, khoan điện, máy phun sơn. Với việc chế tác đồ xương, người thợ dùng thêm chiếc thứa để nạo.

Các bước kỹ thuật điêu khắc và tạc tượng gồm có vẽ, đục đất, hạ, gọt, tỉa tách, đánh bóng. Kỹ thuật của thợ làng nghề điêu khắc Dư Dụ giỏi ở việc bố trí sao cho đường vân của khối gỗ rơi đúng vào những điểm đặc biệt, tạo đường nét nhấn nhá, vừa phù hợp vừa độc đáo. Người thợ điêu khắc làng nghề điêu khắc Dư Dụ không dùng khuôn đúc có sẵn, trong các bước tạc tượng phải đặc biệt chú trọng đến tạo dáng người và họa tiết trên khuôn mặt. Ngày nay, máy móc được đưa vào hỗ trợ trong một số khâu pha chế nguyên vật liệu và hoàn thiện sản phẩm. Người thợ có điều kiện hơn để tập trung nâng cao tay nghề điêu khắc, sáng tạo mẫu mã mới và làm ra những họa tiết độc đáo, tinh xảo.

Phương thức hành nghề chủ yếu tiến hành trong gia đình, theo hình thức “cha truyền con nối”. Con trai làng Dư Dụ từ 10 – 12 tuổi đã được làm quen với nghề, theo các toán thợ của cha anh đi làm khắp nơi. Sau ít nhất một, hai năm họ trở thành thợ nhỏ, đến 16 – 17 tuổi mới được công nhận là thành viên của tốp thợ. Làng có nhận thêm thợ bạn học việc từ bên ngoài. Mỗi tốp thợ Dư Dụ gồm khoảng năm, bảy người. Đứng đầu là phó cả, có vai trò nhận việc và điều hành. Ngoài ra có phó hai, phó ba và các thợ bạn. Không phải người thợ lâu năm nào cũng trở thành phó cả. Thợ cả phải là người có tay nghề cao, thường là giỏi vẽ, có hiểu biết và tài giao tiếp, có uy tín nghề nghiệp. Một số trường hợp phó cả lại không phải người có tay nghề giỏi, nhưng thuộc hàng chức sắc, có gia thế, quan hệ rộng, nắm được các mối làm ăn. Vì lý do này mà trước kia, đa số thợ mộc Dư Dụ giỏi nghề nhưng ít mối quan hệ, phải đi các tỉnh xa như Bắc Ninh, Hưng Yên để tìm việc. Một số người có điều kiện mở cửa hàng ở ga Thường Tín, Việt Trì, hay nội thành Hà Nội. Thông thường các gia đình thân thiết trong làng cũng liên kết thành từng nhóm sản xuất, với những đơn hàng lớn họ thực hiện cùng nhau theo kiểu phân công lao động. Những năm 90 của thế kỷ XX, làng nghề phát triển mạnh, nhiều người lập xưởng nhận đơn hàng khắp nơi, các xưởng có từ trên 20 thợ đến 60, 70 thợ. Làng nghề có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á v.v. 80% lao động trong làng làm nghề điêu khắc. Từ khoảng cuối năm 2000, nghề có sự suy giảm do thị trường bão hòa và nguyên liệu gỗ khan hiếm. Hiện nay hình thức làm nghề chủ yếu là làm tại nhà theo đơn vị gia đình, gắn với các tốp thợ.

Trải qua quá trình hoạt động nghề nhiều biến động, đối với người thợ mộc, uy tín là phẩm chất hàng đầu làm nên “thương hiệu” cho làng nghề điêu khắc Dư Dụ. Truyền thống trọng chữ tín của thợ làng Dư Dụ thể hiện trong tay nghề kỹ thuật và lối ứng xử với chủ nhà. Người Dư Dụ bảo nhau chăm chút cho việc chạm trổ, làm ra những sản phẩm đẹp, vừa ý chủ nhà, không có thói làm dối, để lại những lỗi nhỏ khó phát hiện trong sản phẩm như thợ mộc chuyên đồ gia dụng ở một số nơi vẫn làm. Một nguyên do khác của sự cẩn thận này là mặt hàng chủ yếu của Dư Dụ là sản phẩm liên quan đến đồ thờ cúng, đặt trong các đình chùa, đền miếu hay nhà thờ dòng họ. Người thợ tin vào quan niệm tâm linh của dân gian, cho rằng vật phẩm họ làm ra gắn với không gian thiêng, được thần Phật chứng giám. Ngay cả khi việc làm lỗi qua mặt được chủ nhà thì người thợ gỗ cho rằng vẫn có sự phán xét của thần Phật. Theo quan niệm đó, họ không dám làm dối, ăn bớt khi chế tác thành phẩm do sợ bị thánh thần trách phạt và gặp những điều không may. Người làm nghề cũng truyền dặn nhau cố gắng làm ra sản phẩm tốt để nhận được may mắn, có thánh thần phù hộ, thêm mối làm ăn. Trước đây, thời gian chế tác các sản phẩm độ khó cao có khi mất đến hàng tháng, người thợ phải ở lại nhà chủ, nên họ cũng chú trọng cách cư xử, lời ăn tiếng nói với chủ nhà. Thợ làng Dư Dụ tạo dựng sự tín nhiệm để danh tiếng của mình được biết đến rộng rãi, nhận được công việc thường xuyên ở những vùng miền xa. Các nhà nghiên cứu đánh giá nghề chạm khắc gỗ làm nên nét đặc trưng trong đời sống xã hội làng Dư Dụ. Thứ nhất, làng thường vắng nam giới quanh năm, do hầu hết các nhà đều có người đi làm xa, chỉ đến cuối năm mới trở về, đem theo các gánh hàng Tết, khiến không khí trong làng nhộn nhịp, đông vui. Thứ hai, nghề mộc tạo thu nhập tốt cho người dân, nhưng trẻ nhỏ trong làng lại không được coi trọng việc học hành. Thứ nữa, việc đồng áng trong làng thuộc về phụ nữ, dẫn đến tiêu chí chọn vợ gả chồng ở địa phương cũng khác, đề cao việc chọn chồng biết làm mộc, lấy vợ biết đồng áng. Ở Dư Dụ nghề nông là thứ yếu, nhưng sự hưng thịnh của làng nghề lại ít nhiều phụ thuộc vào nông nghiệp. Những năm mùa màng bội thu, các gia đình dư giả đóng mới đồ dùng, sửa sang trang trí nhà cửa cũng nhiều, còn khi mất mùa, người dân các nơi lại ít thuê thợ chạm khắc gỗ, người Dư Dụ khó kiếm việc làm. Khi đó người phụ nữ thạo việc cày bừa có thể thay chồng kiếm thêm thu nhập từ việc làm ruộng và cày thuê. Vì vậy, người dân Dư Dụ đa số theo nghề thủ công truyền thống, nhưng vẫn mang tâm lý coi trọng nghề nông.

Làng nghề điêu khắc Dư Dụ đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, tạo dựng được “thương hiệu làng nghề” riêng trên thị trưởng trong nước và quốc tế. Làng nghề thể hiện tài hoa và truyền thống của con người Dư Dụ. Hiện nay nghề điêu khắc ở Dư Dụ có suy giảm, song người thợ làng đã có sự ứng phó nhanh, bắt nhịp với đổi mới khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã và ý thức nâng cao trình độ kỹ thuật, giúp làng nghề vẫn được duy trì và đứng vững.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Từ điển phổ thông ngành nghề truyền thống Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000.
  2. Bùi Xuân Đính, Vài nét về làng điêu khắc gỗ Dư Dụ huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây, in trong Thông báo văn hóa dân gian 2007, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.
  3. Bùi Xuân Đính, Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) Truyền thống và biến đổi, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
  4. Quốc Văn, 36 làng nghề Hà Nội, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010.
  5. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam - Tập 3: Nghề mộc, chạm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.