Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã là một làng nghề nằm cạnh hồ Trúc Bạch, phía tây thành Thăng Long xưa, nay là phố Ngũ Xã thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, chuyên nghề đúc đồng. Thời điểm hình thành làng từ lúc nào vẫn chưa có tài liệu chính xác. Có tài liệu cho rằng làng có từ thời Lý vào thế kỷ X, nhưng lại có tài liệu viết làng được thành lập từ cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào niên đại pho tượng thánh Trấn Vũ ở đền Quán Thánh vào năm 1667 thì làng Ngũ Xã có thể được hình thành vào nửa đầu thế kỷ XVII hoặc sớm hơn nữa. Sở dĩ làng có tên là Ngũ Xã là vì một số thợ đúc đồng giỏi của năm làng ở huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm, Hưng Yên là xã Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên (hay Thái Ti) và Điện Tiền theo lệnh của triều đình nhà Lê (thế kỷ XV-XVI) về Thăng Long mở xưởng đúc tiền đồng, gọi là Ngũ Xã tràng (trường đúc của năm xã). Họ lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình. Từ nơi đây đã sản sinh nhiều thế hệ làm nghề đúc đồng để phục vụ đời sống của người dân kinh thành Thăng Long.

Nghề đúc đồng Ngũ Xã trước kia được coi là một trong bốn nghề tinh hoa nhất của kinh thành Thăng Long với câu vè: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Thời kỳ đầu, Ngũ Xã chỉ chuyên đúc tiền đồng phục vụ việc trao đổi, mua bán của nhà nước phong kiến. Nghề đúc đồng Ngũ Xã dần phát triển hưng thịnh ở khu vực Thăng Long với những sản phẩm bằng đồng như nồi, đỉnh, chuông, tượng phật, cây nến, hạc đồng... Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng là cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX với khoảng hơn 90% hộ trong làng làm nghề. Ngũ Xã còn có một thị trường để tiêu thụ hàng hóa là phố Hàng Đồng trong khu phố cổ của Hà Nội.

Chu trình của việc đúc đồng cơ bản gồm 5 bước: đầu tiên là tạo mẫu, làm khuôn, nấu đồng, rót đồng và sửa nguội. Từ sản phẩm mẫu, người thợ bắt đầu làm khuôn. Khuôn đúc được làm từ đất ruộng trộn vỏ trấu, giấy bản. Khuôn đắp xong phải đem phơi, sấy rồi đưa vào lò nung. Việc làm khuôn đòi hỏi một tay nghề bậc thầy. Chỉ có bằng kinh nghiệm lâu năm, người thợ mới có thể tính được tỷ lệ co ngót của khuôn, để đảm bảo độ chính xác các kích thước của sản phẩm. Song song với việc nung khuôn là việc nấu đồng và pha chế đồng. Tùy thuộc vào yêu cầu của từng loại sản phẩm người thợ sẽ gia giảm tỷ lệ hợp kim cho phù hợp. Những người thợ lành nghề của làng Ngũ Xã thường cân đo lượng đồng bằng mắt, bằng tay mà vẫn có tính chính xác. Đồng đỏ là đồng nguyên chất thường được pha chế với kẽm, thiếc, chì để thành hợp kim đồng vàng. Lượng đồng nấu để đúc mỗi sản phẩm cũng được tính toán sao cho vừa đủ, không thừa không thiếu. Đồng được nấu cùng một lúc, dù phải tập trung nhiều lò. Rót đồng vào khuôn cũng phải liên tục, không ngừng nghỉ thì sản phẩm đúc mới không có vết chắp nối. Sau khi đúc xong, người thợ phải phá khuôn để lấy sản phẩm ra. Để đúc các sản phẩm tiếp theo, người thợ đúc lại phải tiến hành từ bước chuẩn bị khuôn đúc một lần nữa. Đó là những quy trình và cách thức thực hiện việc đúc đồng đặc sắc của làng.

Phương thức hành nghề của người Ngũ Xã luôn mang tính cá thể. Mỗi khâu thực hiện có những kỹ thuật phức tạp chứa đựng bí quyết của gia đình, dòng họ không truyền cho người ngoài. Ví dụ, việc đắp khuôn phải bằng vật liệu đặc biệt kết hợp với nấu đồng và rót đồng nóng chảy vào khuôn. Đây là hai kỹ thuật chính tạo ra tiếng chuông kêu trong, vang ngân. Nếu không biết những bí quyết thì khi đúc ra chuông sẽ bị “câm”, đánh không kêu vang. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt trong các sản phẩm của làng Ngũ Xã là ở kỹ thuật đúc liền khối, nhất là đối với sản phẩm kích thước lớn. Hai sản phẩm tinh hoa do làng đúc là tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, tượng cao khoảng 3,9m nặng khoảng 4 tấn và Phật A-di-đà có chiều cao 3,95m, chu vi tượng 11.8m, nặng hơn 10 tấn ở chùa Thần Quang ngay trong làng cũng được đúc liền khối, rót đồng một lần.

Tuy giữ những bí quyết của gia đình, dòng họ nhưng những gia đình làm nghề trong làng vẫn có sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoặc chỉ cho nhau mối mua bán nguyên liệu, tiêu thụ hàng hóa. Những người có tay nghề cao còn đúc thuê hoặc giúp đỡ những gia đình khác khi phải sử dụng những kỹ thuật khó. Tổ chức phường hội ở Ngũ Xã không mang tính chuyên môn hóa cao như một số làng nghề khác. Dân làng thờ hai vị tổ nghề là Nguyễn Minh Không, người được phong Quốc sư dưới triều Lý, và Dương Không Lộ, những người có công trong việc mở rộng, nâng cao kỹ thuật đúc đồng. Năm 1796, dân làng dựng ngôi đình Ngũ Xã để ghi nhận nguồn gốc của làng và tưởng nhớ công ơn đức Thánh tổ. Hàng năm, hội làng Ngũ Xã được tổ chức long trọng vào ngày mùng một tháng 11 âm lịch. Dân làng tập hợp tại đình để nghe tiểu sử các vị Thánh tổ, nguồn gốc nghề đúc đồng và tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm mới nhất, đặc sắc nhất của làng. Hội làng chỉ diễn ra từ sáng đến hết buổi trưa.

Những sản phẩm đồng đúc ở Ngũ Xã mặc dù trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, nhưng đến nay vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng so với nhiều lò đúc đồng trên cả nước. Kỹ thuật đúc đồng Ngũ Xã từ lâu đã được đánh giá cao, là niềm tự hào của người dân địa phương và nhận được sự khâm phục của du khách quốc tế. Mặc dù hiện tại làng nghề chỉ còn một số lượng nhỏ người dân duy trì sản xuất, nhưng điều đó thể hiện sự nỗ lực và ý chí quyết tâm giữ nghề của những người con trong làng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trương Minh Hằng, “Làng Ngũ Xã và nghề đúc đồng truyền thống ở Hà Nội”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 1995, tr. 34-37.
  2. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002.
  3. Nguyễn Đức Tuấn, Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2006.
  4. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, “Làng đúc đồng Ngũ Xã”, trong Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.