Làng nghề đúc đồng Đại Bái một làng thủ công truyền thống lâu đời xứ Kinh Bắc. Làng Đại Bái nằm ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với các sản phẩm gò đúc từ nguyên liệu đồng.
Làng Đại Bái có tên nôm là Bưởi Nồi, vốn không phải là địa phương có nghề gò, đúc đồng sớm nhất nhưng làng có bề dày truyền thống làm nghề gò đồng từ thời nhà Lý (thế kỷ XI). Trong nghề thủ công đồ đồng thì gò đồng là một nghề riêng không giống với nghề đúc luyện đồng bằng khuôn, cốt. Làng Đại Bái có thể được coi là một trung tâm nghề gò đồng. Nếu như đối với nghề đúc luyện thì công cụ chủ yếu như khuôn, cốt và cách rót đồng là quan trọng, thì nghề gò đồng quan trọng ở bàn tay người thợ sử dụng kết hợp búa (hay còn gọi là dùi) và lò nung để ghép mép và trực tiếp tạo dáng của sản phẩm. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, làng Đại Bái có những nghệ nhân xuất sắc sáng chế ra nghệ thuật rút dây đồng, làm tam khí phổ biến. Những năm chiến tranh, làng nghề bị thất truyền, số nghệ nhân cũng vì đó mà ít dần. Từ những năm 1990 đến nay, làng nghề được khôi phục. Hiện nay, làng Đại Bái có trên 70 doanh nghiệp và gần 700 hộ làm nghề với hơn 1.700 lao động chuyên làm các mặt hàng từ đồng, nhôm truyền thống.
Tính ưu việt của mũi dùi gõ khiến cho các mặt hàng gia dụng của người thợ gò đồng Đại Bái phong phú và đa dạng hơn mặt hàng đồng đúc và gốm. Các sản phẩm từ phục vụ đời sống sinh hoạt như mâm, ấm, chậu, cho đến những sản phẩm tam khí tinh xảo như chân nến, lư hương, đỉnh đồng và các sản phẩm mỹ nghệ khảm chi tiết hoa văn cầu kì khác. Mặt hàng tam khí là sản phẩm có khảm chất liệu đồng vàng, đồng đỏ, bạc trên bề mặt sản phẩm đúc đồng. Mặt hàng này được chế tác khoảng hơn một trăm năm trở lại nhờ sự phối hợp giữa nghệ thuật gò đồng và nghề kim hoàn. Hàng ghép tam khí có thể chia làm hai loại là hàng do thợ gò làm ra như mâm, cơi trầu, hòm sắc; và hàng do thợ đúc làm ra như đỉnh đồng, lò hương…
Để tạo nên thành phẩm, người thợ gò đồng Đại Bái phải trải qua bốn công đoạn chính: dựng lò và luyện đồng, đúc dát, đánh dát, và gò sản phẩm. Lò được dựng từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, có hai loại lò là lò nổi và lò chìm. Nhiên liệu lý tưởng cho nghề gò đồng là than gỗ đượm, vì nếu dùng than đá sẽ bị kết dính vào thành lò, chất thải nhiều. Người thợ luyện trong lò ra hợp kim đồng dẻo từ một tỷ lệ thích hợp giữa đồng và thiếc. Giai đoạn thứ hai là đúc dát, là việc người thợ tạo ra một tấm đồng có dạng hình chữ nhật. Để đúc được dát đạt tiêu chuẩn, người thợ phải có khuôn đúc riêng gồm hai phần là dát đồng (hoặc dát sắt) và cơi. Dát bằng sắt nếu như đúc dát cho chậu, mâm, chiêng, còn đúc dát cho nồi thì dùng dát đồng. Cơi làm bằng đất sét trộn trấu. Dát đồng (hoặc sắt) ghép kín với cơi, mép ghép được trát bằng đất sét trước khi rót nước đồng nóng chảy vào khuôn. Sau khi tạo được dát, người thợ gò đồng tiến hành công đoạn đánh dát. Mục tiêu là nhằm tạo được một tấm dát tròn. Công đoạn cuối cùng là gò sản phẩm. Người thợ sẽ tiến hành đánh tròn, rồi khoanh, long, long gói, vỗ lợi… người thợ nướng dát qua lửa để tiến hành các việc gò tụm, chữa đoạn. Tiếp đó là khâu cọ trấu, rửa chua để tạo bóng và cuối cùng là khâu vầy và vã hoa.
Làng nghề đúc đồng Đại Bái có sự chuyên môn hóa cao thể hiện ở các loại sản phẩm được quy định sản xuất riêng biệt tại bốn xóm. Xóm Tây chuyên nghề làm mâm, xóm Ngoài chuyên làm nồi, xóm Giữa làm ấm, siêu, và xóm Sôn chuyên đánh chậu. Tất cả đều là các gia đình thợ thủ công gò đồng, và truyền kinh nghiệm cho nhau từ đời này sang đời khác. Tính chuyên môn hóa cao dường như chỉ mang ý nghĩa phân biệt sự hành nghề của các phường, xóm chứ không có nghi thức hay tổ chức gì riêng, không có quy ước đặc biệt cho từng phường.
Làng nghề đúc đồng Đại Bái có nhiều tập tục gắn với việc thờ phụng tổ nghề của làng. Theo thần phả và sắc phong ở làng thì vị tổ nghề có công chế ra nghề gò đồng và dạy lại cho dân làng là Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 và mất năm 1069. Ngoài vị tiền tiên sư này, làng Đại Bái còn tôn thờ năm vị hậu tiên sư Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm, những người đã thúc đẩy việc chuyên môn hóa sản xuất đồng tại các phường nghề vào thế kỉ XV, XVI. Làng có một quy ước chung là cứ đến 49 tuổi (gọi là tuổi ra lềnh) thì mọi người đều phải thắp hương ở đền thờ Tổ. Người nào ở xa không về được thì có thể gửi hương nhờ bạn đồng niên với mình thắp hộ. Một năm có ba ngày lễ tưởng nhớ vị tiền tiên sư là ngày 06 tháng 2, ngày 16 tháng 8 và ngày giỗ tổ chính là ngày 29 tháng 9 âm lịch. Những người ở phương xa về thường mang những vật phẩm gò đồng, chạm bạc mà mình sáng chế được về đặt trên hương án thờ tổ. Việc tế tổ được phân công chỉ do những người đứng đầu các họ lớn trong làng, còn gọi là hương trùm hoặc nóc các cụ trùm. Để tỏ lòng tôn kính với vị tiền tiên sư, dân làng kiêng không nhắc đến chứ “truyền” mà phải dặn dò nhau học nghề cũ, theo nghề cũ.
Ngoài ra còn có một số quy ước trong việc hôn nhân cũng liên quan đến nghề truyền thống của làng. Trước kia, người làng Đại Bái không lấy chồng, lấy vợ ở nơi khác. Khi người con gái đi lấy chồng sẽ được nhận của hồi môn là một cái búa và một cái đe. Ngày rước dâu, đi sau cụ già cầm hương là một ông già, một bà già cầm búa, cầm đe cùng với một thiếu nữ vác đôi chiếu, rồi mới đến họ hàng nhà gái và cô dâu. Nhà trai cũng phải biện lễ nộp cheo gồm một đôi mâm đồng do chính gia đình tự làm ra chứ không được đi mua của người khác.
Để gìn giữ và phát triển làng nghề, đồng thời, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất đồ đồng thủ công đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Giờ đây, những sản phẩm đồng không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn, mà người ta còn khảm, cẩn các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trang trí lên bề mặt các sản phẩm cho sinh động và đẹp mắt... Cùng với đó, việc mở rộng thị trường cũng được quan tâm, các sản phẩm của Đại Bái không còn bó hẹp quanh làng nghề mà đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Những khát vọng, hoài bão của những người dân làng nghề đúc đồng Đại Bái và nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng nơi đây đã góp phần tạo nên sức sống cho nghề truyền thống của quê hương Đại Bái.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đỗ Thị Hảo, Làng Đại Bái – Gò đồng, Hội Văn nghệ Dân gian, Hà Nội, 1987.
- Chu Quang Trứ, “Nghề đúc đồng truyền thống Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2., 1987, tr.65-72.
- Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002.
- Đỗ Thị Hảo, "Những nét văn hóa độc đáo trong các làng nghề thủ công truyền thống", Tạp chí Di sản văn hóa, Số 5, 2003, tr.50-53.