Làng nghề Đồng Kỵ là một làng nghề nổi tiếng với nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Những sản phẩm đồ gỗ tại Đồng Kỵ không chỉ được sản xuất để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng cũng như kiểu dáng.
Đồng Ky thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội 20 km. Làng cổ Đồng Kỵ có tên Nôm là Cời (Kẻ Cời), nằm bên hữu ngạn sông Ngũ Huyện Khê. Cư dân ở đây sớm định cư thành làng xóm, lấy nông nghiệp làm nền tàng kinh tế chính. Đây là vùng đất thuộc Kinh Bắc xưa, nơi có lịch sử lâu đời và còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa truyền thống. Cùng với Đền Đô và Đình làng Đình Bảng, Đình làng Đồng Kỵ cũng là một ngôi đình nổi tiếng với lễ hội rước pháo từ xa xưa. Đình làng Đồng Kỵ được xây dựng thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Đình làng thờ vị Thần Thành Hoàng là Lôi Đức Thánh Thiên Cương Đế, người có công dẹp giặc Xích Quỷ và cùng ới Đức Thánh Phù Đồng Thiên Vương trừ giặc Ân. Kiến trúc đình làng được xây dựng theo kiểu chữ công, gồm: Tòa Đại bái, Thiên hương và Hậu cung với tám góc đao cong vút. Các cấu kiện gỗ như đầu dư, con rồng, cốn, kẻ bẩy… được khắc chạm hoa văn rồng phượng rất tinh tế và có tính nghệ thuật cao, đặc biệt trên nóc Đình còn được đắp nổi hình Tưởng Long trầu nguyệt. Đình làng là kết tinh nghệ thuật chạm khắc của người làng Đồng Kỵ. Cũng như bao ngôi đình khác, đình làng Đồng Lỵ là ngôi nhà chung để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và tế lễ thờ củng các vị thần, thờ cúng tổ nghề. Tại Đình làng, hàng năm người dân tổ chức hội làng diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Trong hội làng, người dân làng mở lễ hội rước pháo. Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ nổi tiếng khắp cả nước bởi nó duy trì được nét truyền thống đặc sắc.
Lịch sử nghề gỗ[sửa]
Trước 1945, làng Đồng Kỵ vẫn nổi tiếng nhất vùng với nghề buôn trâu bò và nghề dệt vải. Nghề buôn bán trâu bò ở Đồng Kỵ có lịch sử phát triển từ vài trăm năm trước. Người Đồng Kỵ nổi tiếng với việc đi khắp các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… để buôn bán trâu bò. Trong quá trình buôn bán trâu bò, người Đồng Kỵ có mặt ở khắp các tỉnh phía Bắc để mua bán trâu bò nên họ có mối quan hệ xã hội rộng lớn. Chính điều này đã giúp họ nhanh nhậy trong việc nắm bắt thị trường và xây dựng mạng lưới buôn bán, giúp họ thích nghi nhanh với cơ chế thị trường và phát triển nghề mộc mỹ nghệ sau này. Đến năm 1960, do chính sách cấm tư nhân buôn bán của nhà nước nên hoạt động buôn bán trâu bò ở Đồng Kỵ bị tạm dừng.
Nghề gỗ ở Đồng Kỵ cũng tồn tại từ vài trăm năm trước nhưng chưa thực sự phát triển. Theo các cụ già trong làng Đồng Kỵ, trước năm 1945, cả làng chỉ có khoảng 20-30 người thợ làm nghề mộc, trong đó chỉ có 10 thợ cả (mỗi thợ cả có đến 2-3 thợ phụ) chuyên đi nhận làm nhà thuê, đóng giường, tủ để đồ, bàn, ghế, chạn bát… phục vụ nhu cầu chủ yếu của đời sống sinh hoạt. So với các làng gỗ bên cạnh như làng gỗ Phù Khê (xã Phù Khê), làng Me Cả (xã Hương Mạo), làng Thiết Ứng (Xã Vân Hà, Đông Anh) thì làng gỗ Đồng Kỵ chưa thực sử nổi tiếng và có tên tuổi. Mãi sau năm 1960 sau khi bị cấm buôn bán trâu bò, đời sống người dân nghèo khổ nên họ đã chuyển sang tím kiếm và phát triển nghề mới là nghề mộc. Vào thời kỳ này, một số người Đồng Kỵ có đầu óc kinh doanh và hiểu biết về đồ gỗ đã chọn việc mua bán đồ gỗ. Mặc dù thời kỳ này việc buôn bán bị nhà nước cấm nhưng người Đồng Kỵ đã lợi dụng chính sách của nhà nước cho phép người dân đi tản cư được mang theo đồ dùng sinh hoạt, trong đó có đồ gỗ để buôn bán các sản phẩm gỗ gia dụng. Họ đã mua đồ gỗ từ Hà Nội về Đồng Kỵ bằng xe kéo tay, sau đó lại bán cho những người trong làng hoặc các làng bên cạnh. Ban đầu họ mua các bộ bàn thờ, giường tủ, sập, gụ về sau đó mời các nghệ nhân giỏi ở làng nghề Phù Khê cạnh đó đến tháo rời ra từng chi tiết để xem các mộng đục, chất liệu gỗ. Sau đó, họ tìm gỗ giống như vậy để làm theo mẫu sản phẩm. Người Đồng Kỵ đã mời các nghệ nhân từ các làng nghề bên cạnh như Phù Khê, Hương Mạc, Thiết Ứng đến đục, chạm và trả lương rất cao. Đồng thời, họ cho con cháu trong làng phụ giúp các nghệ nhân và lâu dần học theo nghề mộc của họ. Nhờ nhậy bén mà người Đồng Kỵ đã tạo ra được các mối quan hệ và mạng lưới cung cấp lao động, vật tư và gia công với các làng nghề khác.
Ngoài ra, những năm 1960-1970, khi nhà nước có chủ trương cho phép khai thác rừng lấy gỗ phục vụ cho xuất khẩu và công nghiệp, sinh hoạt nên người Đồng Kỵ đã có một bộ phận chuyển sang nghề thợ xẻ gỗ. Theo kể lại, thời điểm đó ở Đồng Kỵ có trên 200 cặp thợ xẻ làng Đồng Kỵ có mặt ở khắp các nông lâm trường để xẻ gỗ thuê cho các đơn vị kinh tế nhà nước. Chính vì kinh nghiệm xẻ gỗ mà người Đồng Kỵ hiểu rõ được chất lượng gỗ và nguồn gỗ quý hiếm. Người Đồng Kỵ từ những kinh nghiệm đó đã chuyển dần sang việc thu mua các nguyên liệu gỗ.
Nhờ nắm bắt được nguồn nguyên liệu, lại có trong tay đội ngũ thợ lành nghề ở các địa phương khác nên người Đồng Kỵ đã dần sản xuất ra các mặt hàng gỗ phục vụ nhu cầu thị trường. Ban đầu họ làm đồ giả cổ theo mẫu mã truyền thống Việt Nam. Sau 1965, họ sử dụng mẫu mã Trung Quốc, sau này là mẫu sản phẩm của Pháp… tùy nhu cầu của khách. Sau năm 1975, nắm được nhu cầu sử dụng đồ gỗ của thị trường Sài Gòn, người Đồng Kỵ đã buôn bán đồ gỗ vào thị trường này. Số lượng hàng giả cổ Đồng Kỵ tiêu thụ tại Sài Gòn tăng nhanh nên các hộ trong làng đều chuyển sang làm hàng này. Sau khi phát triển thị trường Sài Gòn, người Đồng Kỵ lại tiếp tục theo chân các thương lái để phát triển sản phẩm sang Campuchia cho người Hoa và Việt kiều. Từ năm 1990, người Đồng Kỵ tiếp tục mở rộng thị trường sang Lào. Mặt khác, một số người Đồng Kỵ đã tìm cách bán đồ gỗ sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái. Cũng trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam sau mở cửa 1986 đã phát triển mạnh mẽ, nhiều gia đình cũng đã mua sắm đồ gỗ dùng cho sinh hoạt và trang trí nội thất. Một số hộ làng nghề Đồng Kỵ chuyển hướng sang sản xuất đồ cho thị trường trong nước. Người Đồng Kỵ liên tục mở rộng các thị trường và liên tục đi tìm các nguồn nguyên liệu để phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong khi các thợ ở làng nghề khác chỉ thụ động ngồi làm hàng gia công hoặc đi kiếm việc làm thuê thì người Đồng Kỵ ra sức đi tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, người Đồng Kỵ đã thâu tóm được khâu cung cấp nguyên, vật liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên họ kiểm soát được toàn bộ ngành hàng đồ gỗ mỹ nghệ.
Sản phẩm, nguyên liệu và thị trường[sửa]
Sản phẩm gỗ của Đồng Kỵ chủ yếu bao gồm các mặt hàng sau: Tượng gỗ Đồng Kỵ; Đồ gỗ nội thất cap cấp như: bàn, ghế, giường, tủ, sập, bàn thợ; Các loại tranh gỗ như tranh tứ quý, tranh phong thủy, tranh tứ linh…; Đồ gỗ trang trí như đồng hồ cổ, cặp lộc bình cổ, giá ngà, khay trà cổ… Sản phẩm đồ gỗ của Đồng Kỵ rất phong phú và đa dạng. Ngoài các sản phẩm chế tác theo truyền thống, đồ gỗ Đồng Kỵ còn có những sản phẩm chế tác theo mẫu mã Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ… Bên cạnh các mẫu mã truyền thống với hoa văn tinh xảo phù hợp với thị trường Trung Quốc, người thợ Đồng Kỵ mở rộng thêm sản phẩm giả cổ theo phong cách Châu Âu.
Nguồn nguyên liệu gỗ để sản xuất tại Đồng Kỵ chủ yếu sử dụng gỗ quý được khai thác từ rừng tự nhiên bao gồm các loại gỗ hương, trắc, gụ, cẩm lai, mun và gõ đỏ. Theo ước tính năm 2016, tổng lượng gỗ nguyên liệu sử dụng tại Đồng Kỵ khoảng 35 đến 40 ngàn m3 gỗ quy tròn, trong đó chủ yếu là hương, gụ và trắc. Gỗ có nguồn gốc từ Châu Phi, Lào và Campuchia. Trong đó, các sản phẩm làm từ gỗ hương và gỗ trắc có nguồn gốc từ Lào, Việt Nam, Campuchia chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm được làm từ gỗ Châu Phi chủ yếu để phục vụ thị trường trong nước.
Dây truyền sản xuất tại Đồng Kỵ: Quy trình sản xuất đồ gỗ ở đồng kỵ trải qua rất nhiều giai đoạn: nhập gỗ nguyên liệu, xẻ quy cách, chế biến thành phôi, chế biến chạm trổ chi tiết, lắp ghép sản phẩm, sơn hoàn thiện sản phẩm và bày bán sản phẩm. Trong quy trình sản xuất này, có hộ gia đình sẽ đảm nhận toàn bộ các khâu, từ nhập nguyên liệu đến sản xuất và bày bán sản phẩm tại cửa hàng. Tuy nhiên, phần lớn người Đồng Kỵ thường chuyên môn hóa, mỗi hộ kinh doanh sẽ nắm một quy trình sản xuất. Các hộ gia đình sản xuất thì thường mua gỗ từ các hộ gia đình kinh doanh gỗ nguyên liệu ở chợ gỗ sau đó đưa qua các hộ gia đình kinh doanh xưởng xẻ để xẻ quy cách thành ván rồi đưa về xưởng chế biến thành phôi gỗ. Phôi gỗ sẽ được chuyển qua các hộ gia đình gia công chế biến theo từng chi tiết của sản phẩm. Sau cùng các chi tiết được quy về xưởng để lắp ghép hoặc hoàn thiện sản phẩm mộc thô. Sản phẩm mộc thô có thể được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc hoặc được phun sơn tại các hộ gia đình có xưởng sơn gia công. Sản phẩm hoàn thiện sau khi sơn được trưng bày và bán tại cửa hàng của làng nghề Đồng Kỵ. Quy trình sản xuất này cho thấy mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao của làng nghề Đồng Kỵ.
Trải qua nhiều năm phát triển thị trường, đến nay, làng Đồng Kỵ đã thu hút được rất nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia sản xuất. Có hàng trăm các hộ gia đình làm nghề kinh doanh buôn bán gỗ. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ mọc len san sát. Các xưởng sản xuất gỗ liên tục được mở rộng thu hút đông đảo lao động trong và ngoài vùng. Những năm trước đây, giai đoạn 2012, làng Đồng Kỵ có lúc có đến khoảng 24 ngàn lao động, trong đó 8 ngàn lao động tại địa phương và 16 ngàn lao động từ địa phương khác như Hà Tây, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An. Đến nay, do nguồn nguyên liệu giảm mà số lượng lao động cũng giảm theo. Tuy nhiên, nghề gỗ Đồng Kỵ vẫn thu hút được một lực lượng lớn lao động trong vùng.
Ngày nay, đến Đồng Kỵ chúng ta thấy được không khí kinh doanh nhộn nhịp và sầm uất của một làng nghề mộc, chạm. Với bản chất linh hoạt và óc kinh doanh sáng tạo, người dân Đồng Kỵ luôn tìm ra hướng làm ăn mới, tích lũy các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và các mối quan hệ để phát triển. Từ quá khứ đến nay, làng nghề Đồng Kỵ luôn khẳng định mình là một làng nghề năng động, sáng tạo, có đầu óc kinh doanh và nhạy bén với thị trường. Trong bối cảnh mới của xã hội, làng nghề Đồng Kỵ đã và đang đổi thay để đáp ứng nhu cầu tiếp tục phát triển. Điều này có thể thấy ở sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất.
Nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ bắt đầu phát triển vào năm 1960 và phát triển mạnh vào năm 1980. Trong quá trình hình thành và phát triển, người Đồng Kỵ chú trọng vào việc phát triển thị trường, tuyển dụng và đạo tạo nguồn nhân lực để sản xuất sản phẩm. Người Đồng Kỵ không phát triển theo định hướng làm thợ mà họ định hướng làm chủ. Họ sẵn sàng vay mượn vốn để lập xưởng, mua nguyên liệu và thuê người đến làm tại gia đình. Với tư duy như vậy nên đồ gỗ Đồng Kỵ tuy phát triển sau các làng nghề khác nhưng họ đã đẩy manh sản xuất, đẩy mạnh thị trường và trở thành làng nghề phát triển mạnh trong cả nước và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tăng Bá Hoành, Hồng Lục - Liễu Tràng Trung tâm khắc in mộc bản, trong sách Nghề cổ truyền, tập 1, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Hưng, 1984.
- Đặng Đức, Trương Duy Bích, La Xuyên, làng cham gỗ cổ truyền, Viện Văn hóa dân gian xb, H, 1989.
- Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
- Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 3, Nghề mộc, chạm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.