Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt cổ truyền và chuyên làm các sản phẩm may mặc từ chất liệu lụa, gấm, the, đũi… ở Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Làng có nhân khẩu khoảng 800 hộ, trong đó khoảng 70% sống bằng nghề dệt lụa. Nghề dệt ở làng có từ lâu đời, duy trì theo hình thức cha truyền con nối. Mặt hàng tơ lụa Vạn Phúc được dệt kì công, đạt đến trình độ kỹ thuật tinh xảo. Nhiều loại lụa ở đây được xuất khẩu đi các nước trên thế giới,trong đó, mặt hàng có tiếng từ thời xưa của Vạn Phúc là lụa hoa (vân) và gấm.

Làng Vạn Phúc xưa có tên là Vạn Bảo, đến thế kỷ XIX do kiêng húy tên vua Thành Thái mới đổi thành Vạn Phúc. Trước kia, trang Vạn Bảo nằm biệt lập bên kia sông Cầu Am, người dân phát triển thêm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.Nhiều nghiên cứu nhận định, nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời đã lâu, muộn nhất cũng phải từ thế kỷ IX. Tổ nghề của làng là bà Lã Thị La, còn có tên Ả Lã, hiệu Đê Nương. Bà được tôn làm tổ nghề dệt lụa và được phong là Đương Cảnh Thành hoàng của làng Vạn Phúc. Bà Ả Lã có tài dệt các mặt hàng lụa là, gấm vóc, đem nghề canh cửi tầm tang đến truyền cho dân Vạn Phúc. Theo truyền thuyết, khi về làng, bà có đi cùng một người thợ chuyên dệt vải lụa và một người chuyên may sống áo. Trong hậu cung của đình làng thờ bà, hiện có bày các vật dụng của nghề may như thúng sơn, thước sơn, kéo sắt và cái vạch bằng ngà. Đình làng Vạn Phúc hiện còn lưu giữ 11 sắc phong của các vương triều phong kiến Việt Nam ghi nhận công lao của bà Ả Lã. Tổ nghề gấm của làng hiện chưa rõ, một số tác giả cho rằng đó là ông Đỗ Văn Sửu, người dâng lên vua Tự Đức bức trướng gấm “Hoàng vương thọ khảo”. Tương truyền vào thời Lê, khu vực gần kinh đô Thăng Long chỉ có Vạn Phúc là nơi có nghề dệt gấm. Thời Nguyễn, the lụa gấm Vạn Phúc được xếp vào loại hàng quý, chỉ dùng trong cung đình. Năm 1906, làng lụa Van Phúc mang sản phẩm của mình đến giới thiệu tại Hội chợ Marseille (Pháp), thập niên 1930 tiếp tục dự triển lãm ở các nước Pháp, Campuchia, Lào, Indonesia. Năm 1912, nghề dệt gấm Vạn Phúc bước vào giai đoạn chấn hưng, bên cạnh dệt the, lụa, vân, sa tanh. Nhà bảo tàng Hà Đông xây năm 1925 có nhiều dãy trưng bày sản phẩm tơ lụa và khung dệt mẫu của làng. Lụa làng Vạn Phúc được lấy tên gọi “lụa Hà Đông”.

Sản phẩm dệt của làng lụa Van Phúc đa dạng, nhiều chủng loại, gồm có lụa, là, vân, the, gấm, lĩnh, đũi, vải, sa tanh v.v. Vạn Phúc từng làm ra tới 70 thứ hàng the. Mặt hàng nổi tiếng nhất là lụa và gấm vóc. Người thợ của làng dệt ra được nhiều thứ lụa: lụa mỏng, lụa dày, lụa trắng, lụa mỡ, lụa trơn, lụa bóng, lụa màu ngũ sắc và lụa cài hoa. Lụa trơn nền nã mà óng ả, mượt mà, dệt theo lối đan sợi “lóng mốt”, khiến cho các sợi se khít với nhau. Lụa cài hoa có hình hoa lá, ngũ phúc, chim thú hay chữ Hán. Một số mẫu thường thấy như: hoa ngũ phúc, hoa lộc thọ, đỉnh, quần ngư vọng nguyệt, lưỡng long chầu nguyệt, hồng điệp trúc lan, cá hóa rồng v.v. Lụa Vạn Phúc được nhuộm đủ các màu sắc: nõn chuối, tím Huế, hoa lý, hoa đào, cá vàng, gụ sẫm v.v. Nét đẹp của lụa đạt tới tầm đi vào thói quen thẩm mỹ riêng biệt của người Việt Nam. Sản phẩm tiêu biểu của làng lụa Van Phúc được nhân dân cả nước nhắc đến là lụa hàng vân. Lụa vân có nền mỏng hơn sa tanh, họa tiết hoa đơn giản hơn gấm, có hai kiểu hoa dệt trên một tấm lụa: hoa nổi và hoa chìm. Hoa nổi bóng mịn trên bề mặt lụa, hoa chìm chỉ thấy được khi soi ra ánh sáng. Nét độc đáo của hàng vân là ở hoa chìm, dệt thủng nhưng không bị xô dạt, các sợi của cánh hoa bện chặt vào nhau. Ngoài lụa, Vạn Phúc còn dệt gấm. Gấm là mặt hàng đắt nhất và quý nhất của làng nghề, mang vẻ đẹp rực rỡ, lộng lẫy và quý phái. Gấm có nền dầy bóng như sa tanh, thường dệt hoa sặc sỡ trên nền các màu lam, huyền, hồng cánh chấu v.v. Một tấm gấm có năm hoặc bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Dệt gấm đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo và óc thẩm mỹ tốt trong bố trí màu sắc, hoa văn. Sợi ngang và sợi dọc của gấm đều được nhuộm màu, nên từ mỗi góc nhìn khác nhau lại hiện lên màu sắc khác nhau. Xưa kia loại gấm dùng may áo cho vua được dệt tứ tinh. Làng còn làm riêng các vạt áo dùng để may loại áo thụng đại trào của quan lại triều đình, hoa văn phân biệt giữa áo cho quan văn và quan võ.

Quy trình dệt lụa trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: khâu tơ, khâu hồ, khâu dệt, khâu chuội, nhuộm. Thợ làng Vạn Phúc sử dụng một loại tơ đặc biệt để dệt lụa, gọi là tơ nõn. Loại này vừa mịn màng, óng ả, lại đảm bảo độ bền, dai cho sản phẩm. Kỹ thuật hồ sợi của Vạn Phúc có bí quyết riêng, được đánh giá cao so với những làng nghề khác, làm cho sợi hồ được mịn, đẹp, dẻo, bóng và không bị gai. Khi dệt, người thợ Vạn Phúc dùng đến các công cụ làm nghề như khung cửi, thoi lao tay, thanh văng; khi hồ cần có khung hồ, thanh nan hồ, lao tay; bước làm tơ lại cần lồng sóc, cây guồng, ống tơ, cây suốt, vỏ suốt.

Việc tổ chức sản xuất thường phân theo các hộ gia đình. Lực lượng sản xuất là cha mẹ, con cái trong nhà và thuê thêm thợ dệt theo mùa vụ. Người đàn ông làm chủ gia đình đứng ra quản lý mọi công việc, phụ trách đi bán hàng, mua tơ và các việc chi tiêu khác. Nhiều nghệ nhân dệt gấm, lụa Vạn Phúc là nam giới chủ hộ gia đình. Người lớn tuổi làm việc hồ sợi, mắc sợi; việc dệt cửi giao cho người thợ có sức khỏe và kỹ thuật tốt; trẻ nhỏ làm quay tơ, suốt, đẽo. Mùa dệt hàng năm là từ khoảng tháng 5, tháng 6, người chủ gia đình đi đón thợ về giúp việc. Thợ học việc thường là con cháu trong họ hoặc người đến từ nơi khác, giai đoạn mới học nghề gọi là thợ tơ. Thời gian học nghề mất khoảng một đến một năm rưỡi. Lụa Vạn Phúc trước đây được đem bán hoặc trao đổi tại chợ Đình và chợ Đơ (chợ Hà Đông), sau này bán cho các cửa hiệu trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Các hộ gia đình có thể liên kết với nhau để cùng đem hàng đi bán, ngoài ra hình thức mở cửa hiệu ngay tại làng cũng xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XX.

Vạn Phúc từng lập ra phường cửi, nay gọi là Hiệp hội làng nghề. Tư cách hội viên có thể được kế thừa từ đời cha sang đời con. Làng có quy định về việc giữ bí mật truyền nghề. Trong đó có một số điểm chính như: con gái chỉ được truyền bí quyết làm nghề khi lấy chồng trong làng; thành viên của phường cửi để lộ bí mật nghề ra ngoài sẽ bị đuổi khỏi làng, không được sản xuất mặt hàng mà phường cửi quy định; không bán máy dệt cho làng khác. Để giữ uy tín thương hiệu của làng nghề, việc bán hàng phải do hội viên phường cửi đảm nhận, những nhà không có hội viên phải được một người đã là hội viên kiểm tra hàng và đem bán hộ.

Sắc thái văn hóa nghề nghiệp ở làng lụa Van Phúc thấm sâu trong đời sống và ứng xử của con người nơi đây. Người Vạn Phúc vốn di cư từ nơi khác đến, họ có truyền thống đoàn kết, sinh hoạt tập thể, cùng cộng tác gắn bó, dựa vào nhau trong việc phát triển nghề cũng như trong cuộc sống. Nam nữ Vạn Phúc thích lấy vợ lấy chồng cùng làng để duy trì nghề dệt. Đa số các hộ trong làng có quan hệ họ hàng, thân thích xa gần với nhau. Người làng Vạn Phúc coi trọng việc đối đãi với thợ làm thuê, do những mùa cao điểm đòi hỏi nhà chủ và thợ giúp việc phải thay nhau dệt suốt ngày đêm, ăn cùng làm cùng, không có sự cách biệt. Những người theo nghề dệt đa phần phải có tính cần cù, kiên nhẫn, không nóng nảy, vội vàng. Đó là những đức tính cần thiết để tránh sơ xuất khi thao tác trên chất liệu tơ lụa đắt tiền. Người làm lụa thường được dân các nơi quý mến, do tính cách buôn bán đàng hoàng, thật thà, ít lèo lá và cũng tự trọng, không quỵ lụy. Dân lụa Vạn Phúc có thu nhập ổn định, họ sống rộng rãi, tin vào sự tự trọng của người khác, lối sinh hoạt tương đối thoải mái. Cỗ bàn trong làng trọng nhiều thịt cá, trang phục của người dân tươm tất. Đình chủa ở đây được các hộ dệt góp tiền, xây dựng to đẹp. Nhà ở trong làng được xây dựng cao ráo để đặt được khung cửi kéo hoa. Làng có truyền thống cách mạng, thời kỳ thu nhập cao dân làng ủng hộ cách mạng, nuôi giấu và để cán bộ đóng giả làm thợ học nghề nhằm che mắt địch. Cổng làng Vạn Phúc có đôi câu đối đắp nổi, trong đó có vế: “Khuyển phệ kê minh cơ thanh viễn cận” (Từ lúc chó sủa, gà gáy đã vang tiếng máy xa gần). Câu đối phác họa rõ nét không khí, nhịp điệu sống đặc trưng của làng dệt với tiếng khung cửi dệt, tiếng thoi đưa không ngừng nghỉ từ sớm tới khuya.

Trải qua bề dày phát triển, lụa, gấm Vạn Phúc được đánh giá là vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần để trở thành một sản phẩm văn hóa, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa trang phục của người Việt. Ca dao xưa có nhắc đến tiếng tăm của làng Vạn Phúc trong nghề dệt lụa: “The La, lụa Vạn, vải Canh”. Sự tài khéo của bàn tay người thợ tạo nên những sản phẩm mang biểu tượng của cái đẹp và truyền thống dân tộc. Trong xã hội Việt Nam, gấm vóc, trang phục gắn liền với nhiều yếu tố như lịch sử, địa lý, lễ giáo, đẳng cấp, phong tục, tập quán v.v. Như gấm là loại chất liệu may lễ phục, chỉ có vua quan xưa được mặc, vậy nên có kiểu mặc gấm Vạn Phúc bên trong một lớp áo sa, áo the, là một cách phô trương kín đáo. Tầng lớp thường dân thì phổ biến loại áo the, thường mặc kết hợp thêm với lụa khi đi rước, đi hội. Ở làng Vạn Phúc, nghề dệt được coi là nghề cao quý, mang lại vinh dự cho người làm nghề. Những thợ dệt, người buôn tơ lụa giỏi được làng tôn vinh, coi trọng. Trong tâm thức người làm nghề ở Vạn Phúc, lụa là sản vật quý giá của quê hương, mang ý nghĩa kết tinh của trời đất, thấm đượm công sức và tài hoa của con người từ lúc trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén đến khi ươm tơ, dệt lụa. Ngày nay các cơ quan, đoàn thể trong làng vẫn giữ truyền thống tặng hai mét lụa cho những cụ đến tuổi thượng thọ, đại thọ. Gần đây làng lụa Van Phúc được quy hoạch để phát triển du lịch làng nghề, do làng sở hữu một quần thể kiến trúc độc đáo với hệ thống đình, đền, chùa, miếu cổ xưa và thương hiệu làng nghề đã được biết đến trong và ngoài nước.

Vạn Phúc là một trong những làng nghề dệt lụa lâu đời điển hình, được gắn tên “lụa Hà Đông”, là trung tâm tơ lụa lừng danh của Việt Nam trong quá khứ. Người dân Vạn Phúc với sự cần cù, khéo léo, sáng tạo đã gây dựng được danh tiếng cho nghề dệt của làng khắp trong và ngoài nước. Nghề dệt Vạn Phúc có những bước thăng trầm cùng với biến động của xã hội. làng lụa Van Phúc hiện nay đang khôi phục được nhiều mẫu cổ tưởng đã thất truyền, đồng thời phát triển các mặt hàng mới phù hợp với sự biến đổi của thị trường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996.
  2. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.
  3. Lâm Bá Nam, Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
  4. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam - Tập 5: Nghề đan lát, nghề thêu dệt, nghề làm giấy, đồ mã và nghề làm tranh dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
  5. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam - Tập 1: Tổng quan về nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.