Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng gốm Phước Tích
Đường về cổ làng Phước Tích

Làng gốm Phước Tích ngôi làng cổ ở Thừa Thiên Huế, trước đây chuyên làm nghề gốm. làng gốm Phước Tích nằm cách Kinh thành Huế khoảng 40 km về phía bắc, nay thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làng gốm Phước Tích có một địa thế khá đặc biệt, thuận lợi cho nghề làm gốm. Làng tọa lạc trên một vùng đất cao ráo – nơi đặt các lò nung để khỏi bị ngập úng. Dòng sông Ô Lâu uốn quanh, bao bọc cả ba mặt, vừa là nơi cung cấp nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, vừa tạo cảnh quan, đồng thời là ranh giới tự nhiên bảo vệ cho làng, và nhất là thuận tiện cho giao thông đường thủy thuở trước. Cạnh làng có nhiều nơi khai thác đất đúng với yêu cầu kỹ thuật làm gốm. Nguyên liệu đốt lò cũng được khai thác hoặc đặt mua từ các vùng rừng núi phía Tây thông qua thủy lộ Ô Lâu.

Gia phả của làng gốm Phước Tích ghi nhận làng được thành lập từ năm 1470 khi vị thủy tổ Hoàng Minh Hùng người Nghệ An tham gia đội quân viễn chinh của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) vào nam đánh Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, ông được khen thưởng, phong tước rồi chọn vùng đất gọi là xứ Cồn Dương trên địa phận cũ của người Chiêm Thành bên bờ sông Ô Lâu để lập làng, và chiêu mộ thêm 11 họ khác cùng định cư, mở mang nghề làm gốm. Ông được tôn xưng là vị khai canh đồng thời là tổ nghề gốm, được thờ trong ngôi miếu đôi (thờ Thành hoàng và thờ tổ nghề) tại làng. Sử sách đời sau ghi nhận các tên gọi khác của làng lần lượt là Cảm Quyết, Phước Giang, Hoàng Giang, đến triều Nguyễn (1802 – 1945) thì đổi thành Phước Tích.

Không như hầu hết những ngôi làng cổ khác, làng gốm Phước Tích không có ruộng đất nông nghiệp vì chuyên làm nghề gốm kể từ khi lập làng. Phước Tích chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng có kích thước vừa và nhỏ, chủ yếu là đồ đựng và đồ nấu; đồ đựng có lu, ghè, hũ, chậu, bình vôi, bùng binh, bình hoa…; đồ nấu có nồi, hông, om, trách, siêu, ấm,… Từ thế kỷ XVI, sản phẩm gốm của làng đã phổ biến trong vùng, mang đến nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho dân làng và còn nộp thuế khóa cho chính quyền địa phương. Trong suốt nhiều thế kỷ sau đó, sản phẩm gốm Phước Tích được đưa đi tiêu thụ, sử dụng ở nhiều nơi trên địa bàn vùng Ngũ Quảng, và tương truyền, còn được đưa vào Hoàng cung Huế phục vụ các bữa ăn ngự thiện, thượng thiện của hoàng gia triều Nguyễn. Gốm Phước Tích không tráng men, đa số không có hoa văn, chỉ có màu men tự nhiên hình thành trong quá trình nung. Nhiệt độ nung cao của một số loại củi rừng nhất định dưới ý đồ, kinh nghiệm của các nghệ nhân đã tạo nên màu men hỏa biến – tinh hoa nghề nghiệp của nhiều thế hệ nghệ nhân ở ngôi làng gốm cổ này. Bên cạnh nghề gốm, dân làng còn có các nghề phụ như nghề làm dầu chuồn (một loại dầu thắp sáng trước khi có dầu hỏa), làm bột, làm bánh,… nhưng nghề gốm vẫn luôn mang lại nguồn thu nhập chính cho dân làng. Nguồn lợi kinh tế từ nghề gốm đã giúp dân làng có cuộc sống khá sung túc, từ đó họ đã xây dựng nên cho làng diện mạo kiến trúc khang trang và tạo dựng cho con em trong làng truyền thống học hành, khoa cử tốt đẹp. Đến giữa thế kỷ XX trở về sau, sản phẩm gốm Phước Tích không thể cạnh tranh với các mặt hàng chất liệu khác, nên dần thu hẹp quy mô sản xuất và mai một theo thời gian. Gần đây, nghề gốm của làng đã được khôi phục theo phong cách truyền thống với quy mô nhỏ.

Làng gốm Phước Tích hiện còn bảo lưu một hệ thống kiến trúc cổ dày đặc với nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật trên nền cảnh quan thiên nhiên xinh xắn. Dòng sông Ô Lâu bao bọc quanh làng là yếu tố phong thủy, tạo cảnh quan trọng, từ đó hình thành nên 12 bến nước vốn là nơi thuyền bè tấp nập và là nơi gặp gỡ, sinh hoạt cộng đồng của dân làng ngày trước. Trong phạm vi chỉ chừng 1,2 km2, các thiết chế tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ… của một ngôi làng Việt truyền thống vẫn còn tồn tại hầu như nguyên vẹn. Đáng lưu ý có ngôi miếu cổ thờ nữ thần Po Nagar - một chứng tích về sự tồn tại của người Chăm bản địa trên vùng đất này - ẩn dưới bóng cây thị 600 năm tuổi đã được tôn vinh là Cây Di sản Việt Nam; và ngôi Khổng Miếu (miếu thờ Khổng Tử) – một minh chứng cho truyền thống Nho học của làng. Bên cạnh đó, làng gốm Phước Tích còn bảo lưu hệ thống 26 ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên 100 năm. Đó là những ngôi nhà rường bằng gỗ được quy hoạch theo nguyên tắc phong thủy, tọa lạc trong những khu vườn rợp bóng cây xanh. Mỗi ngôi nhà vườn dù có địa thế khác nhau vẫn có đầy đủ hệ thống cổng, sân, bình phong, bể cạn, nhà chính, nhà phụ, vườn cây và đều được bao bọc bởi hàng rào chè tàu xanh mát.

Nghề làm gốm ở Phước Tích nay đã phôi pha, song nó đã từng nuôi sống bao thế hệ dân làng và đặc biệt là tạo nên truyền thống hiếu học tốt đẹp cho con em trong làng. Chính vì vậy, khi nghề gốm không còn, người dân đã có đủ nội lực để chuyển sang các ngành nghề khác, đặc biệt là nghề giáo viên. Cũng do sự chuyển đổi ngành nghề mà ngày nay, nhiều người trẻ ở Phước Tích đi làm ăn xa, khiến cho nhân khẩu của làng suy giảm đáng kể, tạo nên một không gian yên ắng, vắng vẻ cho ngôi làng cổ.

Dù nghề gốm chỉ được phục hồi với quy mô rất nhỏ, nhưng với truyền thống lịch sử lâu đời, mật độ kiến trúc dày đặc, hài hòa trong không gian thiên nhiên xanh mát, làng gốm Phước Tích vẫn nổi tiếng là một ngôi làng cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, du lịch vẫn được quan tâm nghiên cứu dưới các góc độ chuyên ngành khác nhau. Vào năm 2009, làng gốm Phước Tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, và đến năm 2019 đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là điểm du lịch, được đầu tư trùng tu, tôn tạo và xây dựng thành một sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Hữu Thông, Huế - Nghề và làng nghề truyền thống, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.
  2. Nhiều tác giả, Làng di sản Phước Tích, Kỷ yếu Hội thảo do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế tổ chức, Huế, 2004.
  3. Nhiều tác giả, Địa chí Phong Điền, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
  4. Dương Văn An, Ô châu cận lục, Văn Thanh, Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.
  5. Nguyễn Hữu Thông và nhóm tác giả, Từ Kẻ Đôộc đến Phước Tích, chân dung ngôi làng gốm cổ bên dòng Ô Lâu, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2013.