Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng gốm Phù Lãng
Bình hoa gốm Phù Lãng hiện đại

Làng gốm Phù Lãng là một làng nghề truyền thống về gốm sứ ở Bắc Ninh. Suốt chiều dài lịch sử, cùng với Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng là một trong ba trung tâm gốm nổi tiếng bậc nhất của miền Bắc Việt Nam.

Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60km. Phù Lãng nằm ở phía đông huyện Quế Võ, cách trung tâm huyện 10km về phía tây và cách sông Lục Đầu 4 km về phía nam. Nằm ở hữu ngạn sông Cầu, có con đê ngăn nước dài 9.6km và nhiều bến đò ngang, với những ngọn núi trập trùng và dải sông Cầu uốn lượn, Phù Lãng là nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có của vùng đất Kinh Bắc.

Theo truyền thuyết thì ông tổ nghề gốm Phù lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu. Vào cuối thời Trần, nghề gốm được truyền đến đất Phù Lãng. Nghề gốm không phải là nghề phát sinh tại làng mà do một nhóm dân làm gốm từ vùng sông Lục Đầu đem đến. Nơi đây, với những nét đặc trưng của môi trường sinh thái tự nhiên đã hội tụ điều kiện đầy đủ cho nghề gốm mở mang, phát triển. Ngay từ thời kì đầu được truyền đến Phù Lãng, nghề gốm ở đây đã phát triển cả về kĩ thuật sản xuất và mỹ thuật. Theo các tư liệu sử học thì nghề gốm ở Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng đã có từ thời Lý. Cuốn Mỹ thuật thời Lý thì cho rằng trong thế kỷ XI,XII, những trung tâm sản xuất đồ gốm ở Việt Nam phần lớn tập trung ở Thăng Long, Thanh Hóa và các vùng phụ cận như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng. Các tư liệu khảo cổ học và sử học chỉ ra lịch sử của nghề gốm Phù Lãng muộn hơn, bắt đầu từ đời Trần. Các mảnh gốm thời Trần, các lò gốm cổ và di vật chồng bát thuộc gốm hoa lam thế kỷ XIV được tìm thấy ở Phù Lãng chứng tỏ nghề gốm ở đây phát triển từ thời Trần. Sản phẩm gốm thời kỳ này phần lớn là gốm sành nâu dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, XVII, nghệ thuật gốm Phù Lãng phát triển cực thịnh. Gốm Phù Lãng thời kỳ này được trang trí bằng men là chính, ít có lối vẽ chìm như loại sành nâu không men. Màu men chủ yếu của gốm sứ Phù Lãng thời kì này còn truyền lại là màu men da lươn. Sản phẩm nổi tiếng của thời kỳ này còn lưu lại là lư hương, hiện vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đến thế kỷ XVIII, XIX (thời Lê mạt, Nguyễn), bên cạnh mặt hàng truyền thống là gốm men da lươn, người thợ Phù Lãng còn sản xuất cả men trắng. Đây là một phát kiến mới của khảo cổ học, xóa bỏ quan niệm cho rằng Phù Lãng chỉ dừng ở nghệ thuật gốm men da lươn. Cuối thế kỷ XIX, để khẳng định nghệ thuật làng nghề, nghệ nhân trong làng đã làm hơn 100 lư hương cung tiến triều đinh nhà Nguyễn, khẳng định nghệ thuật làng gốm Phù Lãng đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Sang thế kỷ XX đến 1945, nghề làm gốm ở Phù Lãng bị thu hẹp do chiến tranh. Trong thời kì bao cấp, nghề gốm Phù Lãng bị mai một do cơ chế quản lý tập trung, quan liêu của nhà nước. Sau cải cách mở cửa năm 1986, những người thợ gốm Phù Lãng bắt đầu vực dậy nghề làm gốm mấy trăm năm của cha ông. Sản phẩm của họ dần được bán sang thị trường các nước Tây Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á. Với tuổi nghề gần sảu thế kỉ, nghề gốm đã để lại những dấu ấn đậm nét trên mặt bằng tổng quan làng, trong các sinh hoạt kinh tế, văn hóa và trong các mối giao lưu nghề nghiệp.

Với Phù Lãng, gốm trở thành một nguồn thu nhập chính. Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, người Phù Lãng chỉ sản xuất một vụ gốm. Ba tháng đầu năm âm lịch là mùa mưa dầm, không phơi được gốm. Sau ba tháng đó là mùa mưa bão kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, nước sông Cầu dâng cao, làng thường rơi vào cảnh lũ lụt. Phải đến tháng 8 âm lịch, người Phù Lãng mới bắt tay vào vụ chính sản xuất gốm. Đến những năm bao cấp, nghề gốm ở Phù Lãng thường hoạt động cầm chừng. Sau năm 1980, sau thời kinh tế mở cửa, nghề gốm mới thực sự phát triển, người làm gốm làm quanh năm suốt tháng.

Để có một mẻ gốm ra lò, người làng gốm Phù Lãng phải làm việc từ 35 đến 45 ngày, với nhân lực tầm vài chục người. Chính vì quy trình sản xuất cồng kềnh nên người Phù Lãng trong sản xuất có tính cộng đồng rất cao. Họ không làm một mình, mà phải kết hợp với các chủ lò gốm khác, kết hợp với thợ thuyền, với bạn hàng để ra được một mẻ gốm. Người Phù Lãng có những bí quyết giữ nghề, như họ không truyền nghề cho con gái, không truyền nghề cho người ngoại tộc. Con gái Phù Lãng không được lấy chồng làng khác vì sợ sẽ mất nghề và mất nhân lực làm nghề.

Quy trình làm gốm Phù Lãng cũng như quy tình làm gốm ở các vùng quê khác, bao gồm các công đoạn: chọn và xử lý đất sét, tạo hình, tráng men, nung. Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ đất xét xanh như Thổ Hà, hay sét trắng như Bát Tràng, gốm Phù Lãng dùng đất hồng để chế tạo gốm. Từ thời Hậu Lê về trước, người Phù Lãng khai thác đất làm gốm ngay tại làng. Cho tới cuối thời Hậu lê, do đất trong làng hết nên người Phù Lãng khai thác đất hồng ở vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất được đưa về Phù Lãng bằng đường sông. Đất sau khi lấy về phải được phơi cho bạc màu, sau đó trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân rồi mới cho ngâm nước, sau đó được luyện cho thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn.

Sau khi xử lý đất, người thợ gốm sẽ dùng kĩ thuật để tạo hình. Gốm Phù Lãng dựa trên hai kĩ thuật tạo hình chính là dùng bàn xoay và in trên khuôn gỗ (hoặc khung đất nung). Về mặt trang trí, người Phù Lãng thường sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong (chạm kép). Rất ít khi họ dùng phương pháp khắc chìm như trong trang trí gốm sành nâu không men.

Sau khi đã tạo hình xương gốm, người thợ gốm sẽ tráng men cho sản phẩm. Chất liệu làm men gồm có: tro cây rừng (chủ yếu là tro của lim, sến, táu, nghiến), vôi sống, sỏi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu đó trộn đều theo một tỉ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, chế thành chất lỏng đặc quánh, vàng như mật ong. Đặc biệt, người Phù Lãng sử dụng nguyên liệu đá thối – một loại đá bị phong hóa tại địa phương, dùng trong công thức pha chế men, khiến cho màu men của Phù Lãng có nét đặc trưng riêng. Sau khi pha chế men, người thợ gốm sẽ quét lớp men này lên sản phẩm khi nó còn ẩm, rồi đem sản phẩm đi phơi.

Sau khi phơi khô, sản phẩm được đưa vào nung ở nhiệt độ cao, tăng dần từ 600 đến 1200 độ C. Ở nhiệt độ này, xương gốm đã chớm cháy, két dính hạt mịn, chắc và rắn. Do nung ở nhiệt độ cao và tráng men màu da lươn nên gốm Phù Lãng là loại gốm sành nâu có sắc nâu vàng hoặc nâu đen. Màu men và kĩ thuật nung của gốm Phù Lãng khiến nó khác biệt so với gốm Bát Tràng và gốm Thổ Hà. Gốm Bát Tràng thuộc loại sành trắng, xương gốm trắng mịn mặt ngoài phủ một lớp men mỏng màu trắng hoặc trắng ngà, dưới men có thể nhìn thấy những họa tiết màu lam. Gốm Thổ Hà thuộc gốm sành nâu, xương gốm màu nâu đỏ hoặc nâu đen, không phủ men. Tuy về cơ bản màu gốm Thổ Hà và Phù Lãng gần tương đương nhau, nhưng gốm Phù Lãng vượt xa gốm Thổ Hà về mặt kĩ thuật nung và tráng men. Gốm Thổ Hà không tráng men, còn gốm Phù Lãng thì nổi bật với màu men nâu bóng. Men của Phù Lãng không bóng như men gốm Bát Tràng, không đều màu mà chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ rạn men, chỗ co men, rất phù hợp với nét đặc trưng của dáng gốm sành nâu dày dặn và chắc khỏe.

Sản phẩm gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại chính: 1. Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh…); 2. Gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại…); 3. Gốm trang trí (Bình, ấm…),

Gốm dân dụng chiếm 70% số lượng được sản xuất ở Phù Lãng. Mặt hàng gốm này đa dạng: chum, chậu, vò, vại, ấm, nồi, ang, lu, hũ, ống nhổ, bình vôi… Mỗi mặt hàng lại được gia công theo nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau. Hiện nay, do sự xuất hiện của mặt hàng nhựa và sự cạnh tranh của đồ gốm Trung Quốc nên mặt hàng gốm dân dụng của Phù Lãng không còn phong phú. Một số mặt hàng như âu, liễn, thạp, ổng nhổ, bát điếu, ấm tích, ấm đun nước… đã không còn được sản xuất. Một số sản phẩm khác như: chum, chậu, vại, vò, chõ, ấm sắc thuốc… thì vẫn được sản xuất nhưng phạm vi tiêu thụ hạn hẹp. Để duy trì sự cạnh tranh, người Phù Lãng chỉ sản xuất một số mặt hàng chính và duy trì giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm nhựa và đồ gốm Trung Quốc. Đa phần những sản phẩm gốm dân dụng của Phù Lãng chiếm thị phần ở những vùng nông thôn, miền duyên hải và miền núi.

Gốm thờ Phù Lãng gồm có ba mặt hàng chính: đỉnh, lư và bình hương, ngoài ra còn có đĩa quả, ống cắm hương, chân nến…Phù Lãng là một vùng đất gốm nổi tiếng với sản phẩm gốm thờ được chế tác công phu với lối chạm nổi tinh xảo. Tương truyền cuối thế kỷ XIX, các nghệ nhân trong làng đã làm hơn hai trăm lư hương cung tiến cho triều đình nhà Nguyễn để khẳng định tiếng tăm của làng nghề. Hiện nay Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lưu trữ một bộ trên 70 chiếc lư hương trong đó có 8 chiếc thuộc hàng gốm men Phù Lãng. Qua các sản phẩm gốm thờ của người Phù Lãng, có thể nhận thấy phần lớn gốm thờ của Phù Lãng có đặc trưng đó là không dùng một kiểu đơn điệu mà dùng các hình dáng khác nhau khi tạo tác gốm thờ. Ví dụ lư hương Phù Lãng đa dạng, có cái hình tròn, có cái hình chữ nhật. Về mặt trang trí, hầu hết các sản phẩm đều được người thợ sử dụng thủ pháp chạm nổi. Kỹ thuật đắp nổi trên gốm không thua kém kỹ thuật chạm bong trên gỗ. Cách thể hiện các mảng hoa văn luôn sáng tạo và đổi mới trong thế đối xứng. Lớp men bảo phủ ngoài là lớp men da lươn bóng, đốm màu vàng sẫm hoặc vàng đen. Đề tài trang trí trên gốm thờ thường là “lưỡng long triều nguyệt”, ngoài ra còn có đề tài tứ linh, hình hoa sen, hoa chanh, lá đề, cuốn thư, núm hoa tám cánh cách điệu…

Hàng gốm mỹ nghệ ở Phù Lãng không phong phú như gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, gốm mỹ nghệ Phù Lãng lại có một vẻ đẹp riêng, rất hấp dẫn khách hàng sành sõi về gốm. Từ thế kỷ XVII, XVIII, Phù Lãng đã nổi tiếng về những chậu hoa, chậu cảnh, chậu thống, đôn… Đây là những sản phẩm đặc trưng cho nghề gốm ở Phù Lãng. Phần lớn chậu và đôn được chế từ đất sét thường, xương gốm dày dặn, chắc khỏe. Các mảng trang trí ở mặt ngoài sản phẩm thường được gia cố ngay trên khuôn gỗ. Màu sắc trên các đôn, chậu thường phong phú, có loại phủ lớp men dày, có loại được để nguyên xương gốm. Hoa văn trang trí ở mặt ngoài thành chậu được in riêng từng cái trên khuôn đất nung rồi dán vào chậu. Men nền có màu nâu đen, men hoa văn có màu nâu đỏ, tạo nên sự tương phản đặc sắc. Sản phẩm gốm chậu, đôn là sản phẩm đặc trưng của Phù Lãng. Người Bát Tràng vì không sản xuất được những mặt hàng này nên thường đặc hàng làng gốm Phù Lãng cho những đơn hàng xuất khẩu của họ. Ngoài đôn, chậu, Phù Lãng còn sản xuất một số lượng đáng kể các chóe, bình thủy tiên, lọ cắm hoa, gàn tàn, ống cắm bút… rất đa dạng về kiểu dáng và kích thước.

Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian và sự sang lọc của quy luật đào thải, hiện nay, gốm Phù Lãng đã có một thị trường tiêu thụ rộng từ miền núi phía Bắc, qua Bắc Bộ đến các vùng Nam Trung Bộ. Với một bề dày kinh nghiệm nghề được tích lũy liên tục suốt mấy trăm năm và một đội ngũ đông đảo các thợ gốm lành nghề, Phù Lãng có đủ khả năng và tiềm lực để mở rộng và tìm cho mình một chỗ đứng đáng kể trên thị trường cả trong và ngoài nước. làng gốm Phù Lãng vẫn chiếm ưu thế trong việc sản xuất những mặt hàng gốm dân dụng, giá rẻ. Bên cạnh đấy, họ cũng bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, hàng gốm mỹ nghệ của Phù Lãng đã xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng các hợp đồng xuất khẩu thường thất thường, số lượng ít, giá trị không cao. Gốm Phù Lãng về cơ bản chưa có những chủ lò mạnh về tiềm lực kinh tế như làng gốm Bát Tràng để đầu tư, quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa của họ tới khách sành gốm trong và ngoài nước. làng gốm Phù Lãng hiện nay vẫn tồn tại và phát triển dựa trên phương pháp gia công hàng loạt những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành (bền và rẻ).

Người Phù Lãng thường tự hào rằng họ đã biết biến “đất hóa nên vàng, bùn thành báu vật”. Với chất đất của làng làm nên cốt sành nâu của xương gốm và bùn phù sa sông Cầu, cùng với vỉa đá son đã làm nên sắc vàng nâu của lớp men da lươn truyền thống, sản phẩm gốm Phù Lãng đã đóng góp một sắc thái riêng, một diện mạo độc đáo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Bích, Đồ gốm từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, 1978, số 1.
  2. Trần Khánh Chương, Nghệ thuật gốm hoa nâu Việt Nam, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, 1980, số 3, tr 36.
  3. Vũ Văn Bát, Nhóm lư hương gốm men Phù Lãng, Thông báo khoa học, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1986, tr 134-140
  4. Trần Khánh Chương, Nghệ thuật gốm Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1990
  5. Nguyễn Bích, Lịch sử phát triển nghệ thuật gốm Việt Nam, Mỹ thuật, 1994, số 3
  6. Đỗ Thu Hằng, Làng cổ bên sông Cầu, Người Hà Nội, số 10, 1997
  7. Đỗ Trọng Vĩ, Bắc Ninh địa dư chí, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997
  8. Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
  9. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 4, Nghề gốm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.