Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kinh đô Mandalay
Một thành lũy ở cung điện Mandalay
King Mindon là người sáng lập thủ đô hoàng gia Mandalay

Kinh đô Mandalay thành phố lớn thứ 2 tại Myanmar (Miến Điện), nằm ở phía bắc thủ đô Naypyitaw và thành phố lớn nhất Myanma là Yangon. Mandalay là kinh đô của hoàng triều cuối cùng của Miến Điện trước khi bị thực dân Anh thôn tính vào năm 1885. Ngày nay, Mandalay được coi là trung tâm kinh tế ở Thượng Miến Điện, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo Miến Điện.

Nghĩa gốc của Mandalay theo tiếng Phạn là “thành phố của những viên ngọc”, được thành lập vào năm 1857. Ngày 13.2.1875, Hoàng đế Mindon (1808-1878) vốn là một vị vua rất sùng đạo, đã quyết định dời kinh đô từ Amarapura về Mandalay, thành lập một thủ đô hoàng gia mới ở chân núi Mandalay và chủ trương biến nơi đây thành “Kinh đô Phật giáo” của Myanmar. Theo truyền thuyết, đức Phật từng ghé đồi Mandalay và tiên đoán rằng ngay tại chân đồi, một thành phố lớn sẽ xuất hiện sau 2.400 năm. Vua Mindon cho xây dựng thành phố chính vào ngày 13.2.1857 để thực hiện lời tiên tri trên. Tháng 6.1857, cựu hoàng cung Amarapura đã bị tháo dỡ và di chuyển bằng voi đến vị trí mới cách 12 km ở chân đồi Mandalay. Sau hai năm việc xây dựng tổ hợp cung điện hoàng gia mới đã hoàn thành.

Thủ đô mới có hình chữ nhật với diện tích 66 km2, được bao quanh bởi bốn con sông. Thành phố được chia thành bốn phần: Đông, Tây, Nam, Bắc, nối bởi hệ thống các đường và phố vuông góc. Trung tâm của thành phố là 16 cung điện hoàng gia, bao quanh bởi bốn bức tường, mỗi bức dài hơn 2000m và một con hào rộng 68.58m, sâu 3.35m. Dọc các bức tường có các tháp pháo với ngọn tháp dát vàng và có các đồn canh phòng. Mỗi bức tường có ba cửa mỗi bên và có cầu băng qua các con hào.

Mandalay là kinh đô Phật giáo của Miến Điện, nơi tập trung phần lớn chùa chiền, tu viện và di sản Phật giáo của Miến Điện. Thành phố có 730 ngôi chùa trong đó những chùa rất nổi tiếng như Mahamuni, Kuthodaw, Sandamuni… Đặc biệt, chùa Kuthodaw đang lưu giữ tuyệt tác Phật bảo độc nhất vô nhị trên thế giới. Đó là bộ kinh Tam Tạng bằng tiếng Pali, khắc trên 730 phiến đá cẩm thạch cực kỳ sắc sảo. Mỗi phiến rộng 1m, cao 1m50, dày 0m30, kín đặc chữ cả 2 mặt, mỗi mặt có 80-100 dòng. Mỗi tờ sách này được đặt trong bảo tháp, xếp thành 3 hàng. Trước đây, chữ trên sách đá được khắc bằng mực vàng ròng. Trên mỗi trang sách có trang trí đá quý và hoa văn bằng vàng. Trong thời gian người Anh chiếm đóng, công trình đá này bị hư hại nhiều. Dù đã nỗ lực trùng tu, công trình Phật bảo này chỉ được khôi phục phần nào vẻ đẹp ban đầu. Năm 1878, vua Mindon băng hà, thái tử Thibaw nối ngôi, tiếp tục đóng đô ở Mandalay. Tuy nhiên, năm 1885, thực dân Anh xâm lược Thượng Miến Điện và nhanh chóng sáp nhập Miến Điện vào Ấn Độ thuộc Anh. Trung tâm chính trị và kinh tế của Miến Điện được rời về Yangon. Mandalay bị người Anh cướp bóc, phá huỷ. Bản thân cung điện hoàng gia cũng bị đổi tên thành Pháo đài Dufferin (Forrt Dufferin) và sử dụng cho mục đích quân sự. Mandalay chỉ còn duy trì vị thế là trung tâm văn hoá của Miến Điện và là nơi truyền bá Phật giáo trong vùng. Tuy nhiên, trong các năm 1904-1905, nhiều trận dịch lớn đã xảy ra tại Mandalay khiến 1/3 dân cư rời bỏ thành phố.

Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Madalay bị quân Nhật chiếm đóng. Thành phố gần như bị thiêu rụi hoàn toàn khi trở thành mục tiêu oanh tạc của quân Đồng Minh. Hiện tại, chỉ còn hệ thống tường và hào nước bên ngoài vẫn được duy trì. Sau độc lập, thành phố Mandalay đã được quy hoạch và xây dựng lại dưới sự giám sát của các chính quyền quân sự.

Ngày nay, Mandalay nằm ở cuối đường Lashio và khá phát triển dựa do có hoạt động thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù thủ đô đã được chuyển đến Naypyidaw, Mandalay vẫn là trung tâm thương mại chính ở Thượng Miến Điện. Thành phổ nổi tiếng với các ngành nghề thủ công như chạm khắc đá, gỗ, bạc, đúc đồng, làm vàng, thảm trang trí, vải lụa và nhiều ngành nghề thủ công khác. Nhiều nghệ nhân nghề truyền thống của Myanmar có xuất thân từ thành phố này.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Mary Somers Heidhues, Lịch sử phát triển Đông Nam Á từ hình thành đến hiện đại, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2007.
  2. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
  3. Caroline Courtauld, Mandalay: Gateway to Myanmar (Mandalay: Cửa ngõ đến Myanma), Odyssey Publications, Hongkong, 2014.
  4. https://www.myanmars.net/mandalay/mandalay.html, posted 2018, accessed: 9h00, March 20, 2021