Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kim Dea Jung (1925 - 2009)
Kim Dae-jung (1925 - 2009)

Kim Dea Jung (1925 - 2009) là Tổng thống thứ 8 của Hàn Quốc, nhiệm kỳ từ 1998 đến năm 2003, được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2000 cho những nỗ lực khôi phục nền dân chủ và nhân quyền tại Hàn Quốc và cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua chính sách Ánh dương. Ông là người có công trong việc khôi phục kinh tế Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á 1997 - 1998.

Tiểu sử và đấu tranh chống độc tài quân sự[sửa]

Kim Dae-jung sinh ngày 8.1.1924 trong một gia đình trung nông tại đảo Haui, huyện Sinan, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc. Năm 1943, tốt nghiệp Trung cấp Thương mại Mokpo, sau đó làm thư ký cho một công ty hàng hải của Nhật Bản và được chọn làm chủ của công ty này sau khi quân Đồng minh giải phóng bán đảo Triều Tiên. Trong Chiến tranh Triều Tiên, ông bị quân đội Bắc Triều Tiên bắt nhưng trốn thoát được.

Năm 1954, Kim Dea-jung từ bỏ việc kinh doanh và bắt đầu tham gia chính trị dưới thời Tổng thống Rhee Syngman. Cuộc đảo chính của Park Chung-hee năm 1961 đã bắt đầu giai đoạn đấu tranh chống chế độ độc tài của Kim Dea-jung tại Hàn Quốc và nước ngoài. Sau khi kết quả bầu cử Quốc hội ngày 14.5.1961 bị hủy bỏ, Kim Dae-jung tiếp tục được bầu làm nghị viên vào các năm 1963, 1967; sau đó trở thành lãnh tụ của phe đối lập và ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1971, nhưng thất bại. Sau thất bại này, ông bị ám sát hụt, phải sang Nhật Bản để lánh nạn và tiếp tục cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài. Tháng 8.1973, ông bị Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc bắt cóc nhưng may mắn thoát chết do có can thiệp của Philip Habib - Đại sứ Mỹ tại Seoul. Kim Dae-jung quay về Hàn Quốc và bị bắt giam năm 1976 nhưng nhờ có sự can thiệp của Tổ chức Ân xá Quốc tế nên ông chỉ bị quản thúc tại gia từ năm 1978. Năm 1980, sau khi Park Chung-hee bị ám sát, ông bị Tổng thống Chu Doo-hwan bắt và tuyên án tử hình. Tuy nhiên, do có sự can thiệp của chính phủ Mỹ, ông bị kết án tù 20 năm và bị trục xuất sang Mỹ vào tháng 12.1982. Ông sống lưu vong tại Boston và được mời thỉnh giảng tại Trung tâm các Vấn đề Quốc tế của Đại học Harvard. Năm 1985, Kim Dae-jung quay về Hàn Quốc. Tháng 6.1987, ông được xóa bỏ tất cả các cáo buộc phạm tội trước đây, được khôi phục toàn bộ các quyền dân sự và chính trị. Ông trở thành ứng cử viên Tổng thống lần thứ hai vào năm 1987 nhưng thất bại trước Roh Tae-woo. Năm 1992, ông tiếp tục tranh cử Tổng thống lần thứ 3 nhưng thất bại, sau đó sang Anh và làm việc tại Đại học Cambridge. Năm 1995, ông tuyên bố quay trở lại tranh cử Tổng thống lần thứ tư và đắc cử với số phiếu 40,3% vào ngày 18.12.1998. Như vậy, sau gần 45 năm hoạt động chính trị, 4 lần tranh cử Tổng thống, 3 lần tị nạn ở nước ngoài, 2 lần đối diện trước cái chết để đấu tranh cho nền dân chủ của Hàn Quốc, Kim Dea-jung tuyên bố nhậm chức Tổng thống vào ngày 25.2.1998. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc có một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình cho một đảng đối lập thông qua bầu cử dân chủ. Ông cũng là Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc xuất thân từ miền Nam - vùng kém phát triển hơn.

Đóng góp[sửa]

Đóng góp nổi bật của Kim Dae-jung trong nhiệm kỳ từ năm 1998 đến năm 2002 thể hiện trên các lĩnh vực sau:

Ưu tiên đầu tiên của ông là trên lĩnh vực kinh tế, đưa Hàn Quốc ra khỏi khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á 1997 - 1998. Ngay ngày 25.12.1997, ông phát động chiến dịch “quyên góp vàng”, huy động 27 tấn vàng, tương đương với 2,13 tỉ USD, giúp Hàn Quốc trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông tiến hành cải cách, tái cấu trúc lại nền kinh tế nhằm giảm ưu đãi của Nhà nước đối với các tập đoàn tư bản lớn, đồng thời giảm chi tiêu ngân sách và tăng tính minh bạch trong các hoạt động của Chính phủ. Kinh tế Hàn Quốc phục hồi nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng đạt 10,2% vào năm 1999. Những cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế của ông được tiếp tục ở giai đoạn sau. Đóng góp thứ hai của Kim Dae-jung trên lĩnh vực ngoại giao là việc công bố và triển khai chính sách “Ánh dương” đối với Triều Tiên ngay ngày tuyên bố nhậm chức. Chính sách này gồm ba nguyên tắc: 1- không tha thứ cho bất cứ hành vi khiêu khích vũ trang nào từ phía Bắc Triều Tiên; 2- không có ý định thống nhất bằng cách gây tổn hại hay thôn tính miền Bắc; 3- tích cực thúc đẩy hòa giải và hợp tác giữa hai miền. Năm 2000, Kim Dea-jung và Kim Jong-il đã có cuộc hội đàm chính thức tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào ngày 13.6.2000 trên tinh thần độc lập, hòa bình và đại đoàn kết dân tộc nhằm giải quyết bốn vấn đề chung: hòa giải và tái thống nhất, ngăn chặn đối đầu giữa hai miền, đoàn tụ các gia đình ly tán và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lần đầu tiên hai nguyên thủ quốc gia của hai Nhà nước trên bán đảo Triều Tiên hội đàm trực tiếp sau Hiệp định đình chiến năm 1953. Hai bên thống nhất mở lại Văn phòng liên lạc tại Bàn Môn Điếm, đưa ra Tuyên bố chung ngày 15.6 quyết định giải pháp thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng con đường hòa bình, xây dựng nguyên tắc hướng dẫn cho nỗ lực chung sống hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và là “nút mở” giúp tháo gỡ cơ chế đối đầu từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính sách “Ánh dương” còn phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ giữa các nước lớn đối với Triều Tiên: lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng của Triều Tiên đến Mỹ (ngày 8.10.2000) và Ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright đến Bình Nhưỡng (ngày 23.10.2000). Chính sách này đã đặt cơ sở cho các cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều vào tháng 10.2007, tháng 9.2018 tại Bình Nhưỡng và tháng 4-5.2018 tại Bàn Môn Điếm. Đây cũng là chính sách nhân văn khi bắt đầu từ tháng 8.2000, chương trình đoàn tụ cho hàng nghìn gia đình ly tán trên bán đảo Triều Tiên được tổ chức hai đến ba năm một lần. Nhờ chính sách này, Kim Dea-jung được nhận giải Nobel Hòa bình vào ngày 13.10.2000.

Về đối ngoại, Hàn Quốc trong nhiệm kỳ của Kim Dae-jung đã phối hợp với Nhật Bản tổ chức thành công Giải vô địch bóng đá thế giới 2002 (từ ngày 5 đến 30.6), trong đó lần đầu tiên Hàn Quốc được lọt vào vòng chung kết, góp phần thay đổi hình ảnh quốc gia với thế giới.

Kim Dea-jung kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào ngày 24.2.2003.

Liên quan đến nhiệm kỳ của ông, có hai vụ bê bối. Thứ nhất, vụ “tiền mặt cho hội nghị thượng đỉnh” diễn ra vào tháng 2.2003, theo đó cáo buộc chính quyền Kim Dae-jung trả 500 triệu USD cho việc đảm bảo Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tháng 6.2000. Vụ thứ hai là Furgate (hối lộ quần áo) diễn ra từ năm 1999 đến 2000, là một trong những bê bối lớn nhất tại Hàn Quốc từ thập niên 1990, khi quan chức và gia đình nhận hối lộ bằng quần áo và trang sức cao cấp. Vụ việc này đã phá hủy uy tín của Kim Dae-jung và Đảng của ông.

Kim Dae-jung mất ngày 18.8.2009 tại Soeul và là vị Tổng thống thứ hai sau Park Chung-hee được tổ chức quốc tang. Ông được mệnh danh là “Nelson Mandela của châu Á”, “Tổng thống cánh tả đầu tiên của Hàn Quốc”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Thị Anh Thư, Đánh giá chính sách “Ánh dương” của Hàn Quốc đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9, tr.14-22, 2015.
  2. Yoon Young-Kwan, South Korea in 1999: Overcoming Cold War Legacies, Asian Survey, 40 (1), 2000. (Yoon Young-Kwan, Hàn Quốc năm 1999: Vượt qua nhứng di sản Chiến tranh Lạnh, Nghiên cứu châu Á, số 40 (1), 2000)
  3. Heo Uk, South Korea since 1980, Cambridge University Press, Roehrig, Terence. New York, 2010. (Heo Uk, Hàn Quốc từ 1980, Nxb Đại học Cambridge, Roehrig, Terence. New York, 2010)
  4. Don Oberdorfer, Robert Carlin, The Two Koreas: A Contemporary History, Basic Books, 2014. (Don Oberdorfer, Robert Carlin, Hai miền Triều Tiên: Lịch sử đương đại, Basic Books, 2014)
  5. Oh Kongdan, Ralph C. Hassig, Korea Briefing: 2000-2001: First Steps Toward Reconciliation and Reunification, Routledge, 2016. (Oh Kongdan, Ralph C. Hassig, Chỉ dẫn Hàn Quốc: 2000 – 2001: Những bước đầu tiên hướng tới hòa giải và thống nhất, Routledge, 2016.)
  6. Kim Dea-jung, Biographical, https://www.nobelprize.org.prizes.peace.2000.dae-jung.biographical. (Kim Dea-jung, Tiểu sử)