Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kiểm soát thiết bị ghi hình

Kiểm soát thiết bị ghi hình (hay Kiểm soát máy quay, tiếng Anh Using the Camera) là cách người sử dụng thiết bị ghi hình làm chủ các thông số và chức năng của thiết bị, ví dụ: với ống kính là khẩu độ, cấu tạo, với máy quay là tốc độ, màng lọc, với phần mềm là các chức năng chỉnh sửa và hỗ trợ. Đồng thời, người sử dụng có thể kết hợp các chức năng và thông số đó để sản xuất ra một sản phẩm hoàn thiện theo nhu cầu và mong muốn của mình.

Các thiết bị ghi hình hiện nay vô cùng đa dạng về thể loại cũng như ứng dụng, ví dụ: máy quay du lịch, máy quay phim chuyên nghiệp, hoặc máy ảnh có thể ghi hình. Tuy khác nhau về các thiết kế và mục đích sử dụng, nhưng chúng lại thừa hưởng những điểm chung cùng nhau, như: ống kính, nguyên tắc quang học, và một số thiết bị phụ trợ (chân máy, thẻ nhớ, v.v).

Việc kiểm soát thiết bị ghi hình là một trong những mấu chốt để tận dụng được tối đa khả năng của thiết bị vào trong việc sáng tác nghệ thuật. Với sự phong phú của các thiết bị máy quay hiện nay, nắm được kỹ thuật sử dụng đúng, có thể tận dụng tối đa được những lợi thế về kiểm soát độ sâu trường ảnh, màn trập, ống kính và chỉ số khẩu độ, từ đó cải thiện tối đa chất lượng của bức ảnh/khung hình.

Một số thuật ngữ[sửa]

Một số thuật ngữ liên quan:

  • Lấy nét tự động (Auto-focus): là một chức năng của thiết bị, giúp thiết bị tự động lấy nét vào chủ thể
  • Kiểm soát ánh sáng nền (Backlight control): khi phía sau chủ thể có quá nhiều ánh sáng, nút bấm kiểm soát ánh sáng nền (Backlight control) trên thiết bị có tác dụng bù lượng sáng thêm cho chủ thể bằng cách mở khẩu độ (iris).
  • Quay cận cảnh (Close-up shot): là góc máy cận, hướng người xem chú ý vào những chi tiết nhỏ của chủ thể.
  • Lấy nét liên tục (Follow focus): chức năng này hỗ trợ lấy nét liên tục và thay đổi theo chủ thể, khi có sự thay đổi.
  • Khoảng lấy nét gần nhất (MFD – Minimum focused distance): đây là khoảng cách lấy nét gần nhất của máy quay. Ống kính máy quay có thể lấy nét ở vị trí gần nhất đối với chủ thể, được gọi là MFD.

Những lưu ý[sửa]

Trong kiểm soát thiết bị ghi hình những yếu tố như cỡ cảnh và các thông số của máy và ống kính (khẩu độ, tốc độ) vô cùng quan trọng. Cỡ cảnh gồm có: toàn cảnh, trung cảnh và cận cảnh.

Cỡ cảnh[sửa]

Cận cảnh[sửa]

Một số lưu ý khi sử dụng cận cảnh:

  • Góc cận cảnh có thể giúp thể hiện chi tiết chủ thể, nhưng cũng sẽ lộ nhiều khuyết điểm của chủ thể, do vậy cận tập trung vào những chi tiết có mục đích rõ ràng, như: ánh mắt buồn, đôi môi run rẩy vì lo lắng.
  • Đặc biệt, với góc cận cảnh sẽ mất nhiều thông tin xung quanh, do vậy, người xem sẽ luôn có cảm giác bị thiếu thứ gì đó, nếu không có kịch bản rõ ràng, sẽ làm người xem khó chịu.
  • Khi quay cận cảnh nên phối hợp những góc quay khác để có mối liên hệ và giải thích cho người xem. Ví dụ: nên có một góc quay toàn cảnh để giới thiệu thông tin diễn biến xung quanh trước khi chuyển sang góc quay cận cảnh để mô tả cảm xúc của nhân vật.

Toàn cảnh[sửa]

Một số lưu ý khi sử dụng toàn cảnh:

  • Toàn cảnh dễ làm người xem bị mất tập trung, bởi thông tin trong cỡ cảnh này rất nhiều. Do vậy, cỡ cảnh này nên sử dụng trong những phần giới thiệu và kết thúc của một phân đoạn.
  • Cỡ cảnh toàn có khả năng lấy nét toàn bộ quan cảnh trong phạm vi. Do vậy, lấy nét cần lưu ý trong việc tập trung vào một chủ thể cố định.
  • Tại cỡ cảnh toàn, di chuyển máy quay phải lưu ý về tốc độ. Di chuyển máy quay tại cỡ cảnh toàn sẽ luôn nhanh hơn cỡ cảnh cận, bởi phạm vi bao quát của cỡ cảnh này.

Thông số ống kính và độ sâu trường ảnh[sửa]

Khẩu độ[sửa]

Khẩu độ là một trong những thành phần điều khiển ánh sáng của ống kính, nó được cấu tạo bởi các lá thép chồng lên nhau tạo ra một lỗ hổng để kiểm soát ánh sáng ra vào ống kính.

Tốc độ[sửa]

Tốc độ: hay còn gọi là tốc độ màn chập, đây là thông số của thiết bị trên máy quay hoặc máy ảnh. Nó cũng giúp điều khiển ánh sáng của máy. Tốc độ được tính bằng giây hoặc phần trăm của giây, được cấu tạo bằng các lá thép xếp so le như cửa sổ, và được di chuyển và thay đổi bởi chức năng điều khiển của máy quay đó.

Độ sâu trường ảnh[sửa]

Độ sâu trường ảnh (DOF): hay còn gọi là vùng ảnh rõ, nó thể hiện phạm vi lấy nét của máy với chủ thể. Ngoài phạm vi lấy nét các chủ thể sẽ bị mờ. Độ sâu trường ảnh còn được chia làm 2 loại sâu (dày) hay nông (mỏng). Độ sâu trường ảnh sâu, nghĩa là phạm vi lấy nét rất rộng từ tiền cảnh tới hậu cảnh. Độ sâu trường ảnh nông, nghĩa là phạm vi lấy nét rất hẹp từ tiền cảnh tới hậu cảnh. Một số yếu tố ảnh hưởng tới độ sâu trường ảnh:

  • Độ dài tiêu cự của ống kính. Độ dài tiêu cự càng ngắn, thì DOF càng sâu, và ngược lại độ dài tiêu cự dài, thì DOF càng nông.
  • Khẩu độ của ống kính. Khẩu độ nhỏ nhất (chỉ số f lớn nhất), thì DOF sâu nhất; khẩu độ lớn nhất (chỉ số f nhỏ nhất). thì DOF nông nhất
  • Độ phóng đại của ảnh (khoảng cách vật thể). Vật thể càng gần máy quay thì DOF càng nông, vật thể càng xa máy quay thì DOF càng sâu.
  • Kích cỡ của cảm biến cũng ảnh hưởng tới độ nông và sâu của DOF. Kích thước cảm biến lớn (35mm hoặc Imax) thì DOF nông hơn so với kích thước cảm biến nhỏ (như 16mm hoặc 2/3’’ CCD)
  • Một số yếu tố khách quan như sương mù, ánh sáng cũng sẽ ảnh hưởng tới độ nông và sâu của DOF

Ống kính[sửa]

Khi sử dụng máy quay, việc di chuyển máy quay và nắm rõ những đặc thù của từng loại ống kính cũng vô cùng quan trọng. Đối với việc di chuyển máy quay sẽ tạo ra sự dẫn dắt câu chuyện mượt mà hơn, đặc biệt không làm người xem bị mất phương hướng về thời gian của chủ thể.

Đối với từng loại ống kính, sẽ giúp các khung hình tận dụng tối đa khả năng thể hiện cảm xúc của nhân vật, từ đó tạo sự kết nối cảm xúc với người xem và chủ thể.

Trục diễn xuất[sửa]

Ngoài ra, khi kiểm soát thiết bị ghi hình, người sử dụng cũng cần lưu ý những yếu tố liên quan tới trục diễn xuất. Trục diễn xuất là trục xác định vị trí diễn xuất của nhân vật, nó sẽ đem lại những lợi ích sau:

  • Đảm bảo việc tạo ra cho khán giả khái niệm đúng về không gian và những gì đang diễn ra trong bối cảnh của chương trình.
  • Đảm bảo sự nhất quán về vị trí tương đối trong khung hình, đảm bảo hướng nhìn, đảm bảo hành động nhất quán. Cách này giúp người xem có thể kiểm soát được không gian và thời gian khi xem chương trình.
  • Mối liên hệ của nhân vật luôn được duy trì, giúp người xem nắm được nội dung diễn biến của chương trình, thông qua sự ổn định về hướng nhìn của nhân vật.
  • Đảm bảo hướng nhìn của nhân vật luôn nhất quán. Ví dụ: 2 nhân vật A và B đang nói chuyện, góc máy quay phải đảm bảo khung hình của nhân vật A nhìn từ phải sang trái và khung hình của nhân vật B đảm bảo nhìn ngược lại từ trái qua phải.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Blain Brown, “Cinematography”, Focal Press - USA, 2012
  2. Joseph V. Mascelli, “The five C’s of cinematography - Motion picture filming techniques”, Silman-James Press - LOS ANGELES, 1998
  3. Gerald Millerson and Jim Owens, “Video Production Handbook”, 4th edition, Elsevier Inc, 2008.