Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kiến trúc máy trạm không xử lý

Kiến trúc máy trạm không xử lý (hay Kiến trúc máy trạm siêu mỏng, tiếng Anh Zero Client Architecture, Ultra-Thin Client Architecture) là kiến trúc máy trạm không có tài nguyên để chạy ứng dụng, hay hệ điều hành, mà chỉ chịu trách nhiệm giao tiếp với người dùng và các thiết bị ngoại vi, sau đó chuyển đến cho máy chủ xử lý trong mô hình tính toán trên máy chủ, trong đó mọi phần mềm, ứng dụng đều được cài trên máy chủ.

Một máy trạm không xử lý là một thiết bị nhỏ có mục đích chuyển các thao tác bàn phím, chuột, màn hình, và các thiết bị ngoại vi khác tới máy chủ thông qua cổng kết nối mạng (có dây hoặc không dây). Có thể coi máy trạm không xử lý là thiết bị mở rộng các kết nối với các thiết bị ngoại vi của máy chủ.

Kiến trúc máy trạm không xử lý được xây dựng trên nền tảng kết nối mạng giữa một hoặc nhiều máy chủ (server) làm trung tâm xử lý, và các máy trạm không xử lý sẽ kết nối tới máy chủ. Nó hoạt động như một thiết bị kết nối mở rộng của các máy chủ, nó chuyển thông tin từ bàn phím và chuột của người dùng đến máy chủ.

Thuật ngữ tiếng Anh dùng từ zero (số không) dùng để mô tả đặc điểm của máy trạm là không có chức năng xử lý dữ liệu để phân biệt với máy trạm yếu (thin client) – là thiết bị có hệ điều hànhđể xử lý tương tác với các thiết bị ngoại vi (xt. Kiến trúc máy trạm yếu).

Cấu hình của máy trạm không xử lý so với máy trạm yếu như sau
Máy trạm không xử lý Máy trạm yếu
Cổng kết nối (Nhiều cổng)
  • Serial (cổng tuần tự): từ 0 đến nhiều hơn 8
  • USB: từ 2 đến nhiều hơn 8
  • Parallel (cổng song song): 0-2
  • PS/2: 0-4
  • Display (màn hình): 1-2
(Ít cổng)
  • Serial: từ 0 đến 2
  • USB: 2-4
  • Parallel: 0-1
  • PS/2: 0-2
  • Display: 1
Kích thước Khoảng 4.3 inch x 7.2 inch Khoảng 8.2 inch x 9.5 inch
Khối lượng Khoảng 0.3kg Từ 0.3-8 kg
Công suất Khoảng 5W Từ 15 đến 40W
Cấu hình minh họa so sánh giữa máy trạm yếu và máy trạm không xử lý:
HP t310 G2 Zero Client CENTERM C92 THIN CLIENT
Bộ vi xử lý TERA2321 PCoIP Zero Client Intel Dual-Core 2.4Hz
Hệ điều hành Firmware (chương trình cài cố định) WES7 / WES8 / WIN 10 IOT / Centerm Operating System (Linux)
Bộ nhớ trong 512 MB DDR3 1333 2GB DDR3L
Bộ nhớ ngoài 32 MB SPI Flash Flash: 8GB
Giao tiếp mạng 10/100/1000 Gigabit Ethernet 10/100/1000 Base-T Fast Ethernet
Kích thước/ Khối lượng 3.16 x 13.75 x 18.5 cm (kích thước màn hình), 0.6 kg 13.1 x 3.15 x 16.7cm, 0.55 kg
Giá thành Khoảng 1.8 triệu Khoảng 4 triệu

Lịch sử phát triển[sửa]

Máy trạm không xử lý có lịch sử bắt nguồn từ các máy trạm yếu vào năm 1996, khi các máy tính PC trong các hệ thống mạng khách-chủ làm tăng khối lượng công việc bảo trì phần mềm, bảo mật, giá thành cao. Trong một số tổ chức thì chi phí cho hạ tầng Công nghệ thông tin với máy trạm yếu đã giúp tổ chức giảm được 97% chi phí điện năng. Kiến trúc máy trạm không xử lý kết hợp các ưu điểm của máy tính cá nhân và máy trạm yếu bằng cách loại bỏ hệ điều hànhtrên máy trạm yếu, thay thế bằng một phần mềm nhúng chỉ làm nhiệm vụ kết nối mạng; chuyển hướng các thao tác từ các thiết bị ngoại vi tới máy chủ. Điều này làm cho việc quản trị ở máy trạm không xử lý giảm xuống rất nhiều. Việc làm này cũng loại bỏ được hạn chế về các trình điều khiển các thiết bị ngoại vi với các hệ điều hànhnhỏ trên các máy trạm yếu. Trình điều khiển bây giờ sẽ được cài đặt trên máy chủ. Việc loại bỏ này làm cho máy trạm không xử lý có cấu hình thấp hơn, dẫn đến chi phí thấp hơn và tiêu thụ điện năng cũng thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, nó vẫn có thể được kết nối vào mạng để chạy các ứng dụng trên máy chủ hay thậm chí là một máy tính PC có cấu hình cao. Tương tự máy trạm yếu, máy trạm không xử lý đã tạo ra một lựa chọn cho các tổ chức, doanh nghiệp. máy trạm không xử lý là một lựa chọn rất phù hợp để giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành.

Với các ưu điểm trên, máy trạm không xử lý đang được nhiều hãng phát triển. Một hướng mới của máy trạm không xử lý đang được Toshiba phát triển là máy trạm không xử lý di động (Mobile zero client) để khai thác ưu điểm của việc di động.

Ở Việt Nam, việc sử dụng các thiết bị không xử lý còn khá hạn chế so với máy trạm yếu và kém xa so với thị phần các máy tính cá nhân. Nguyên nhân do nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp về thiết bị này là không có nhiều.

Tài liệu tham khảo[sửa]

Tài liệu tham khảo:

  1. Zero-Client Computing, White paper, www.digi.com
  2. Zero-Clients 10ZiG, White paper, https://www.10zig.com/zero_clients
  3. Zero-Clients DELL, White paper, https://www.dell.com/lt/business/p/wyse-xenith-class/pd
  4. https://uk.dynabook.com/ltr/images/eu/B2B/images/guides/Toshiba_TMZC_Solutions_guide.pdf.
  5. Fatma Alali, Tasha A. Adams et. al, Methods for Objective and Subjective Evaluation of Zero-Client Computing (2019).