Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kiến trúc đá trầm tích

Kiến trúc đá trầm tích là đặc điểm về hình dáng, kích thước của các hợp phần tạo đá và mối tương quan định lượng giữa chúng với nhau.

Các dấu hiệu nhận biết kiến trúc đá trầm tích dựa vào đặc điểm của các hợp phần tạo đá, bao gồm: kích thước hạt vụn (lớn, nhỏ,...), hình dạng hạt vụn (tròn, bẹt, bị gặm mòn,...), sự định hướng hạt vụn (không định hướng, định hướng, dạng dải,…), kiểu xi măng (tiếp xúc, lấp đầy, tái kết tinh,…), đặc điểm sinh hóa (vô định hình, tha hình, sinh vật tàn dư,…), và mối quan hệ định lượng giữa các thành phần hạt vụn, giữa hạt vụn với xi măng, giữa thành phần vô cơ và sinh hóa. Kiến trúc đá trầm tích thường được hình thành do các hoạt động bóc mòn, tích tụ và biến đổi đá sau trầm tích. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều chia kiến trúc trầm tích thành các nhóm kiến trúc là kiến trúc của đá vụn cơ học, kiến trúc của đá sét, kiến trúc của đá sinh hóa.

Kiến trúc của đá vụn cơ học được phân chia theo kích thước độ hạt, kiểu nền gắn kết và hình dáng hạt vụn. Các kiến trúc độ hạt dựa trên kích thước trung bình (Md) của hạt vụn: kiến trúc cuội (psefit), kiến trúc cát (psamit), kiến trúc bột (aleurit). Các kiến trúc nền gắn kết (matrix và xi măng) dựa trên tỷ lệ phần trăm của nền so với toàn bộ thể tích đá và tính chất của xi măng: nền cơ sở, nền lấp đầy, nền tiếp xúc, nền tái sinh, nền khảm, nền kết vỏ. Hình dáng hạt vụn được đánh giá qua các tham số độ mài tròn (Ro) và độ cầu (Sf).

Kiến trúc của đá sét được phân chia trên cơ sở tỷ lệ và kích thước các hợp phần phi sét với hợp phần sét, bao gồm các kiểu kiến trúc sau: kiến trúc sét (pelit), kiến trúc bột - sét (pelito-aleurolit), kiến trúc cát - sét (pelito-psamit), kiến trúc phitopelit, kiến trúc sét biến dư.

Kiến trúc của đá trầm tích sinh hóa được phân chia theo mức độ kết tinh của dung dịch (dung dịch keo và dung dịch thật), mức độ tự hình của các tinh thể tái kết tinh hay hàm lượng tàn tích sinh vật. Bao gồm các kiểu kiến trúc sau: kiến trúc vô định hình, kiến trúc ẩn tinh, kiến trúc vi hạt, kiến trúc hạt nhỏ, kiến trúc hạt vừa, kiến trúc hạt hớn, kiến trúc hạt thô, kiến trúc tha hình, kiến trúc nửa tự hình, kiến trúc tự hình, kiến trúc sinh vật, kiến trúc tàn tích sinh vật.

Kích thước hạt vụn và các tinh thể tái kết tinh là cơ sở để xác định cho hầu hết các kiểu kiến trúc đá trầm tích. Tuy nhiên, việc phân chia và giới hạn giữa các cấp hạt hiện vẫn chưa nhất quán nên còn tồn tại nhiều hệ thống phân loại khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Hệ thống phân chia kiến trúc đá trầm tích cũng có thể được sử dụng cho trầm tích bở rời hoặc gắn kết yếu.

Nghiên cứu chi tiết các đặc điểm kiến trúc đá trầm tích là cơ sở để luận giải các quá trình hình thành đá và môi trường tích tụ trầm tích như khôi phục lại điều kiện cổ địa lý (nguồn vật liệu, tướng trầm tích, độ sâu bồn tích tụ,…), cổ khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, đới khí hậu,...), cổ sinh thái (hệ sinh thái, đa dạng sinh học,…), mức độ biến đổi trầm tích,…

Trong thực tế, đôi khi có sự lẫn lộn và chồng lấn giữa kiến trúc và cấu tạo. Kiến trúc (texture) là các đặc điểm quy mô nhỏ, thường quan sát dưới kính hiển vi và chủ yếu được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Cấu tạo (struture) được dùng chủ yếu đối với các đặc tính to lớn hơn của đá, được quan sát một cách rõ ràng bằng mắt thường và thường được tiến hành tại các vết lộ ngoài trời. Đôi khi hai từ trên được dùng đồng nghĩa song song; đặc biệt có sự bất đồng trong ngôn ngữ, ví dụ: trong tiếng Pháp và tiếng Nga hai từ trên có nghĩa ngược lại với tiếng Anh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phạm Huy Tiến, Trịnh Ích, Nguyễn Ngọc Mên, Thạch học đá trầm tích, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1, 343tr., 1984.
  2. Sam Boggs Jr., Principles of Sedimentology and Stratigraphy, Pearson Prentice Hall, Fourth Edition, New Jersey, 662p, 2006.
  3. Trần Nghi, Trầm tích học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 336tr., 2003.