Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khu bảo tồn thiên nhiên và dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và U Minh

Khu bảo tồn thiên nhiên và dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và U Minh, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - sông Sài Gòn, nằm ở cửa ngõ đông nam Thành phố Hồ Chí Minh. Cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, giáp biển Đông ở phía Nam, giáp tỉnh Tiền Giang và Long An ở phía Tây, và giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía đông. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740 ha, trong đó:

  • vùng lõi 4.721 ha
  • vùng đệm 41.139 ha
  • vùng chuyển tiếp 29.880 ha.

Trước chiến tranh, Cần Giờ là khu rừng ngập mặn với quần thể động, thực vật phong phú nhưng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Năm 1978, Cần Giờ được sáp nhập về Thành phố Hồ Chí Minh, và năm 1979 Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, thành lập Lâm trường Duyên Hải với nhiệm vụ khôi phục lại hệ sinh thái ngập mặn. Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31.000 ha, trong đó có gần 20.000 ha rừng trồng, hơn 11.000 ha được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác.

Ngày 21.1.2000, Rừng ngập mặn Cần Giờ đã chính thức được UNESCO công nhận đưa vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam và là một trong 368 khu dự trữ sinh quyển của toàn thế giới. Rừng ngập mặn Cần Giờ có một quần thể động, thực vật đa dạng, phong phú cả về loài và chủng loại động vật. Nhiều đàn khỉ đuôi dài cùng nhiều loài chim, cò, sếu,... quý hiếm khác đang tìm đến nơi đây trú ngụ. Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ hiện có hơn 150 loài thực vật nhánh lá, các loài quý hiếm như bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi - bần trắng cùng xuổi, trang, đưng,... và các loại nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng,… Đây là một khu rừng mà theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài là được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.

Rừng U Minh có tổng diện tích khoảng 2000 km2 nằm giữa hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Rừng U Minh chia thành hai khu vực là rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ và được chia cắt bởi hai con sông là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Đây là khu rừng độc đáo và quý hiếm trên thế giới vì vẫn giữ được nét hoang sơ, có sự đa dạng sinh học cao, gồm 250 loài thực vật, 30 loài bò sát và 180 loài chim. Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286 ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây bắc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Được thành lập theo Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi. Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy,... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng,...

Ngày 26 tháng 5 năm 2009, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được công nhận là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Rừng U Minh Hạ có tác dụng rất lớn trong việc bảo tồn tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn, tái tạo các môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn các gen động thực vật quý hiếm; bảo tồn các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch. Rừng U Minh Thượng có diện tích khoảng 80 km2 thuộc tỉnh Kiên Giang và bán đảo Cà Mau, đây là khu rừng rất quan trọng cho hệ sinh thái của Việt Nam. Trước đây rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn tiếp giáp với dải rừng ngập mặn Vịnh Thái Lan, do bị nước biển xâm thực nên diện tích của rừng bị thu hẹp lại. Năm 1950 diện tích của rừng là 400 ha, đến năm 1990 chỉ còn 100 ha.

Năm 2002 Thủ tướng chính phủ ra quyết định rừng U Minh Thượng thành vườn quốc gia, nhằm bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học nơi này. Rừng U Minh Thượng tập trung cho bảo tồn và phát triển du lịch. Với diện tích đất ngập lớn là điều kiện thuận lợi để bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn, một vùng ngập nước quan trọng của hạ lưu sông Cửu Long; Bảo tồn các loại động vật quý hiếm và 8 loại chim nước quan trọng như điềng điễng, quắm đầu đen, bồ nông chân xám, giòng giọc vàng, diều cá đầu xám, gà đẫy, đại bàng đen,… góp phần bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia về chiến khu cách mạng U Minh Thượng trong 2 cuộc kháng chiến; góp phần cân bằng sinh thái, tăng độ che phủ của rừng đảm bảo môi trường phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long; phát huy giá trị của rừng tràm để nghiên cứu và phát triển du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Dương Liễu, Xuân Thắng, Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, Tạp chí môi trường, số 2 năm 2017.
  2. Huynh Viet Khai, Yabe M., The demand of urban residents for the biodiversity conservation in U Minh Thuong National Park, Vietnam. Agricul. Food Eco., 2014.
  3. Lý Minh Tài, Phạm Thị Nhâm, Bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Tạp chí Môi trường, số 5, 2020.
  4. Triet Tran, U Minh Peat Swamp Forest: Mekong River Basin (Vietnam) C.M. Finlayson et al. (eds.), The Wetland Book, Doi: 10.1007/978-94-007-6173-5_174-4, 2016.