Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp

Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, thành lập theo Quyết định số 3440/QĐ-UBND ngày 11/11/2002 của ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, trải dài từ 20°55’-21°04’ vĩ độ Bắc đến 103°27’-103°43’ kinh độ Đông, nằm trên địa bàn hai huyện là Sốp Cộp và Sông Mã, ở phía Tây tỉnh Sơn La, Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp có diện tích 18.709 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 12.601 ha chiếm 67% diện tích của Khu bảo tồn. Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp có 3 phân khu chức năng gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 5.149 ha; phân khu phục hồi sinh thái 13.541 ha và phân khu hành chính dịch vụ 19 ha. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Pu Cọp Mương, có diện tích 2.801 ha, ở trung tâm khu bảo tồn thiên nhiên, thuộc địa phận xã Huổi Một. Rừng ở đây tốt nhất khu bảo tồn; các loài vượn bạc má, niệc cổ hung, voọc xám đều xuất hiện ở đây. Đồng thời, đây là phân khu duy nhất có đai rừng nhiệt đới; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Pu Căm, có diện tích 2348 ha, ở phía Đông khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa phận xã Huổi Một. Đây là vùng núi cao với kiểu rừng kín thường xanh á nhiệt đới và có nhiều loài thực vật quý hiếm như du sam, bách xanh. Phân khu sinh thái cũng có 2 phân khu gồm phân khu phục hồi sinh thái Ngầm Trang 8.708 ha và phân khu phục hồi sinh thái Mường Cai 2.293 ha. Hiện vẫn còn một số diện tích rừng nguyên sinh với du sam ở phía Tây của Huổi Hưa. Phân khu hành chính dịch vụ hay còn gọi là phân khu phục hồi sinh thái III với diện tích 19 ha.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp nằm hoàn toàn trong vành đai Nhiệt đới có khu hệ thực vật phong phú về thành phần loài và đa dạng thực vật rừng. Khu bảo tồn thiên nhiên đã thống kê được 640 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 429 chi và 138 họ. Trong đó ngành ngọc lan (Magnoliophyta) chiếm tỷ lệ cao nhất (>92%), tiếp đến là ngành dương xỉ (Polypodiophyta), 2 ngành còn lại chỉ có 13 loài. Khu bảo tồn thiên nhiên có 25 loài thú quý hiếm thuộc 12 họ đã được ghi nhận. Trong đó, có 15 loài thuộc bộ ăn thịt, 8 loài thuộc bộ linh trưởng, 1 loài thuộc bộ guốc chẵn và 1 loài thuộc bộ có vòi. Hầu hết các loài quý hiếm được ghi nhận tại khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp đều có giá trị bảo tồn cao. Có 21 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007, trong đó có 3 loài xếp ở mức cực kỳ nguy cấp, 8 loài được xếp ở mức nguy cấp, 10 loài được xếp ở mức sắp nguy cấp. Có 21 loài có tên trong sách đỏ thế giới, trong đó có 1 loài xếp ở mức cực kỳ nguy cấp vượn đen má trắng, 6 loài được xếp ở mức nguy cấp, 9 loài được xếp ở mức sắp nguy cấp, 5 loài xếp ở mức gần đe dọa. Tổng số 12 loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng thuộc 9 họ và 6 bộ đã được ghi nhận tại khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, trong đó, 6 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp là nơi sinh sống của đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Mường, Dao, Tày, Kháng, Lào, Ba Na. Đời sống của bà con dân tộc nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, sống phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên rừng với vốn kiến thức bản địa phong phú trong việc khai thác và sử dụng lâm sản ngoài gỗ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La - Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, Nâng cao năng lực quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, 2007.
  2. Đào Thị Mai Hồng, Trần Quang Khải, Kiến thức bản địa về sử dụng lâm sản ngoài gỗ tại khu rừng đặc dụng Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc, 2017.
  3. Vũ Tiến Thịnh. Nghiên cứu tình trạng và phân bố của các loài động vật hoang dã quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Trường Đại học Lâm nghiệp, 2014.