Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thành lập theo Quyết định số 495/QĐ-UB ngày 27.3.1999 và Ban quản lý khu bảo tồn được thành lập theo Quyết định số 742/QĐ-UB ngày 24/4/1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trải dài từ 20°21’-20°34’ vĩ độ Bắc đến 105°02’-105°20’ kinh độ Đông nằm trên địa phận của 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước, phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 16.983,6 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 14.934 ha, chiếm 87% diện tích khu. Khu bảo tồn có 3 phân khu chức năng gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.876,26 ha; phân khu phục hồi sinh thái 7.892,34 ha và phân khu hành chính dịch vụ 1 ha. Địa hình của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông bị chia cắt mạnh, có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m, trong đó cao nhất là đỉnh Ngầm Trang: 1940 m, độ dốc lớn từ 26 đến 35 độ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hiện có 1.127 loài cây có mạch, thuộc 447 chi, 152 họ, trong đó có 42 loài là đặc hữu Việt Nam. Trong khu còn tồn tại quần thể các loài cây hạt trần quý hiếm như: Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii); Dẻ tùng Vân Nam (Amentotaus yunnanensis), Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis). Bên cạnh đó Pù Luông có ít nhất 160 loài Lan thuộc 59 chi, trong đó có một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và có tên trong phụ lục 1 của Công ước Cites như Kim tuyến đá vôi (Anoectochilus calcareous); Lan Hài xanh (Paphiopedilum malipoense); Tiên hài vàng xanh (Paphiopedilum hisutissimum).
Hệ động vật hiện có 599 loài, thuộc 130 họ, 31 bộ, bao gồm 162 loài chim, 55 loài cá, 28 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư, 24 loài dơi, 63 loài thú, 158 loài côn trùng, 96 loài ốc cạn. Có 51 loài động vật quý hiếm và đặc hữu xếp trong sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới; trong đó thú 31 loài, chim 9 loài, cá nước ngọt 5 loài, bò sát 6 loài. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã khẳng định được sự tồn tại của các loài thú quý hiếm: báo gấm (Pardofelis nebulosa), beo lửa (Catopuma temminckii), sơn dương (Naemohedus sumatraensis), gấu đen châu Á (Ursus thibetanus), cầy vằn bắc (Hemigalus owstoni). Pù Luông còn là nơi tồn tại Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri).
Dựa vào hai yếu tố chính là đá mẹ và độ cao, hệ sinh thái rừng nơi đây được chia ra 5 kiểu gồm rừng nguyên sinh mùa mưa nhiệt đới lá rộng thường xanh đất thấp trên đá vôi; rừng nguyên sinh mùa mưa nhiệt đới lá rộng thường xanh núi đất thấp đá phiến; rừng nguyên sinh mưa mùa nhiệt đới lá rộng thường xanh trên núi đá vôi thấp rất phổ biến, có độ cao 700-950 m; rừng nguyên sinh mưa mùa nhiệt đới lá kim thường xanh trên núi đá vôi thấp. Loài thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis) là loài ưu thế duy nhất của kiểu rừng này; rừng nguyên sinh mưa mùa nhiệt đới lá rộng thường xanh trên núi thấp đá basalt có độ ẩm cao cho phép hình thành thảm thực vật ẩm ướt khác biệt với các kiểu rừng mọc trên núi đá vôi. Cảnh quan khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông vẫn còn nguyên vẹn một cách rõ rệt, khiến cho vùng này đang trở thành điểm đến du lịch sinh thái của các du khách nước ngoài. Với những cảnh quan núi non hùng vĩ, các bản làng truyền thống đẹp mắt với những thửa rộng bậc thang trông lúa xanh tươi đổ xuống như thác nước trên nền rừng được bao phủ bởi những dải đá vôi và những hang động có nhiều thạch nhũ. Cộng đồng dân cư sinh sống trong khu bảo tồn thiên nhiên thuộc các dân tộc Thái, Mường với nét văn hoá truyền thống là văn hoá nhà sàn; trang phục và thổ cẩm là sản phẩm mang đậm dấu ấn truyền thống, thể hiện tính thẩm mỹ cao và kỹ thuật tinh xảo của người phụ nữ Thái.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cao Văn Cường, Nghiên cứu quản lý bảo tồn đa dạng sinh học thực vật tại khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông', Thanh Hóa, Luận án tiến sĩ lâm nghiệp, 2018.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trang thông tin điện tử - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, 2018.
- Quyết định số 495/QĐ-UB ngày 27/3/1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.