Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tiền thân là Khu rừng cấm Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 64/QĐ-TKNN ngày 8/7/1976 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và được Nhà nước công nhận theo Quyết định 194/CT ngày 9/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng với diện tích khoảng 182.000 ha. Tọa độ địa lý 21°50'-22°35' vĩ độ bắc, 102°10'-102°58' kinh độ đông. Năm 2008 Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 593/QĐ-ND ngày 23.5.2008 phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.
Địa hình của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chủ yếu là núi có độ cao vừa phải. Độ cao trung bình của các dãy núi này là 1.200 m, đôi chỗ có ngọn cao đến trên 1.800 m và đỉnh cao nhất là Phu Nam Man cao 2.124 m. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là Khu bảo tồn thiên nhiên lớn của Việt Nam, nơi có hệ sinh thái rừng phong phú, tính đa dạng sinh học cao và nhiều loại động, thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam, là địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học đạt được nhiều kết quả: phát hiện 02 loài thực vật mới, quý hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Ghi nhận được tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ; thu thập 320 mẫu vật các loài chim. Ghi nhận 198 loài bướm thuộc 11 họ, 103 giống, trong đó có 03 loài quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và IUCN. Nghiên cứu đã ghi nhận 10 loài thú nhỏ, 11 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư.
Nằm tiếp giáp giữa ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên trên 45,5 nghìn ha, trong đó đất rừng là trên 31 nghìn ha, chiếm khoảng 68%. Trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 25.679,08 ha, phục hồi sinh thái 19.888,42 ha và diện tích vùng đệm trên 59,8 ha, là nơi sinh sống của dân tộc Hà Nhì, Khơ Mú, HMông,... thuộc 5 xã Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Kè và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên. Mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa với những nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới núi cao, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Hệ thống sông, suối chảy trên địa hình tương đối phức tạp và có độ dốc lớn. Nhiều năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé luôn làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và phát triển vốn rừng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì ở Mường Nhé việc dân di cư tự do là trở ngại lớn trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Các sinh cảnh tự nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé bị xé lẻ và suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu là do ảnh hưởng của canh tác nương rẫy và cháy rừng. Những vùng sinh cảnh tự nhiên còn lại đều đang chịu sức ép nặng nề của con người ngày càng cao do tăng dân số tự nhiên và cơ học. Mối đe dọa lớn nhất đối với tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là săn bắn.
Đến Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, du khách có dịp hòa mình vào với thiên nhiên hoang sơ, thử thách bản thân qua chuyến lội suối, băng rừng, trèo đèo, leo núi,... Pha lẫn màu xanh của cây rừng, màu vàng rực của hoa cúc quỳ là những nếp nhà sàn, nhà lá với kích cỡ to, nhỏ khác nhau nằm rải rác bên vệ đường, ven suối và xen lẫn trong những tán cây rậm rạp. Thấp thoáng phía xa là những ngọn núi nhấp nhô, lượn sóng, nối tiếp nhau.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. Minh Phúc. Mường Nhé, Điện Biên: bảo vệ rừng và sức ép từ di dân tự do. Báo Dân tộc và Phát triển, 2012. 2. Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. 3. Quyết định số 64/QĐ-TKNN ngày 8/7/1976 của UBND tỉnh Lai Châu. 4. Quyết định 194/CT ngày 9/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng. http://snnptnt.dienbien.gov.vn/portal/Pages/2020-4-8/12-Ban-Quan-ly-khu-bao-ton-thien-nhien-Muong-Nhe5td29v.aspx., khai thác ngày 26.9, 2020.