Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò

Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, nằm tại phía tây bắc tỉnh Hòa Bình, trong địa giới hành chính của 6 xã Hang Kia, Pà Cò, Tân Sơn, Bao La, Piềng Vế, Cun Pheo của huyện Mai Châu. Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò được thành lập năm 2000 theo quyết định số 453/QĐ-UB ngày 23/5/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình. Tọa độ địa lý 20°41'-20°46' vĩ độ bắc, 104°05'-105°01' kinh độ đông. Phía Bắc giáp tỉnh Sơn La; phía Tây giáp tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích 5.252,98 ha trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.251,96 ha, phân khu phục hồi sinh thái 2.953,28 ha và phân khu hành chính dịch vụ 47,74 ha. Trụ sở khu bảo tồn thiên nhiên tại xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Địa hình bao gồm các khối núi đá vôi kéo dài theo hướng đông - nam từ Cao nguyên Sơn La tới Vườn Quốc gia Cúc Phương. Trong phạm vi khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều khối núi đá vôi cao, nhọn, đỉnh cao nhất tới 1.536 m ở phía tây bắc, độ cao giảm dần về phía đông. Hầu hết khu bảo tồn thiên nhiên ở độ cao trên 500 m. Các thung lũng bằng nằm ở phía bắc khu bảo tồn thiên nhiên là nơi định cư của nhiều hộ dân. Dân cư sinh sống xung quanh khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò chủ yếu là cộng đồng người H’Mông và cộng đồng người Thái. Nguồn nước cạn kiệt vào mùa khô, nước mưa bị hấp thụ nhanh chóng vào hệ thống suối ngầm dưới lòng đất. Hệ thực vật khu bảo tồn thiên nhiên có 1.051 loài, 639 chi, 171 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, chiếm khoảng 10% tổng số loài, 28% tổng số chi và 56% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam. 17 loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam, trong đó có 10 loài sẽ nguy cấp, 7 loài nguy cấp. 5 loài là đặc hữu Việt Nam như thị Chợ Bờ (Dyospyros choboensis), vù hương (Cinnamomum balansac), dương đỏ (Alniphyllum eberhardtii), súm bắc (Eurya tonkinensis) và giom Trung bộ (Melodinus annamensis). Có nhiều loài cây thuốc như đẳng sâm (Codonopsis javanica), ba kích (Morinda officinalis), bảy lá một hoa (Paris polyphylla), thổ phục linh (Smilax grabla),... Nhiều loài cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao như pơ mu (Fokienia hodginsii), đinh (Markhamia stipulatha), trai lý (Garcinia faraecoides), chò chỉ (Parashorea chinensis), vù hương (Cinnamomum balansae), sến (Madhuca pasquieri), nghiến (Burretiodendron tonkinensis),... Một số loài lan như hoàng thảo (Dendrobium amabile), hoàng thảo hoa vàng (Dendrobium chrysanthum), lan kim tuyến đá vôi (Anoectochilus calareus),... Trong đợt khảo sát tháng 8 năm 2010, nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã ghi nhận được 359 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 290 chi và 126 họ thực vật bậc cao có mạch.

Tổ chức Bảo tồn Quốc tế ghi nhận 14 loài thú thuộc 10 họ, 5 bộ, chưa kể đến một số loài chim, bò sát và các loài lưỡng cư khác. Đã xác định được 146 loài chim thuộc 46 họ và 15 bộ, trong đó có 8 loài chim quí hiếm như diều hoa Miến Điện (Spilornis cheela), gà lôi trắng (Lophura nycthemera), sẻ đồng hung (Emberiza rutila), chích chòe lửa (Copsychus malabaricus), rẽ giun lớn (Gallinago nemoricola). Hang Kia - Pà Cò không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn là điểm đến lý tưởng cho những du khách (Hình 1). Hang Kia và Pà Cò với nét đặc trưng rất riêng của đồng bào dân tộc HMông còn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hoá cũng như các nghề truyền thống như dệt thủ công, thêu thùa thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn,…Ủy ban nhân tỉnh Hòa Bình cho biết, từ năm 2018 đến nay, xã Pà Cò đã đón trên 5.000 lượt khách, xã Hang Kia đón khoảng 6.000 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng trong đó trên 60% khách quốc tế.

Tập tin:Hình 1. Du lịch Hang Kia - Pà Cò.jpg
Hình 1. Du lịch Hang Kia - Pà Cò.

[1]

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quyết định số 453/QĐ-UB ngày 23/5/2000 của UBND tỉnh Hoà Bình.
  2. Khu khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò - Hang Kia, Thông tin về các khu bảo vệ hiện có và đề xuất ở Việt Nam, tái bản lần 2, cập nhật 15.02.2004.
  3. Phùng Văn Phê, Nguyễn Văn Lý, Điều tra đánh giá sơ bộ hệ thực vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, tỉnh Hòa Bình, Trung tâm con người và thiên nhiên, 6/2009.