Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khoa học và giáo dục Tây Âu trung đại

Khoa học và giáo dục Tây Âu trung đại các nghiên cứu về tự nhiên, toán học, triết học, cùng với việc áp dụng các hình thức giảng dạy và học tập khác nhau ở Tây Âu từ sau khi Đế chế La Mã sụp đổ (thế kỷ V) đến cuối thế kỷ XV.

Thời sơ kỳ trung đại (V - X)[sửa]

Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã, Tây Âu bước vào thời trung đại với những khó khăn và ảnh hưởng đáng kể trong việc hình thành tri thức khoa học và giáo dục. Các tu sĩ và tăng lữ của Giáo hội trở thành những người bảo trợ kiến thức và hầu hết trong số họ không tiếp cận được với lượng lớn tài liệu khoa học viết bằng tiếng Hy Lạp trước đó.

Sự quan tâm nghiên cứu của các học giả thời kỳ này xoay quanh những vấn đề liên quan mật thiết đến Giáo hội. Chẳng hạn, họ tìm hiểu những kiến thức về chuyển động của mặt trăng, mặt trời, phép toán cơ bản để xác định ngày cho lễ Phục sinh hoặc quan sát cẩn thận chuyển động của các vì sao để xác định thời gian cầu nguyện cho tu sĩ. Con người dựa vào thuật giả kim (alchamy) and thuật chiêm tinh (astrology) để giải thích những hiện tượng mà họ không hiểu. Thuật chiêm tinh đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người châu Âu thời trung đại. Họ luôn luôn tạo ra mối liên quan giữa những sự kiện trong đời sống hằng ngày với sự chuyển động của các vì sao và những thiên thể.

Các trường học của tu viện và các trường Dòng chủ yếu nhắm đến sự bảo vệ di sản tinh thần Cơ Đốc giáo. Phương pháp giáo dục của tu viện đặt trên cơ sở tích luỹ chân lí đã được tiếp thu và trên cơ sở chấp nhận học thuyết đã có hơn là sự tìm kiếm các giải pháp mới. Cho rằng Chúa, qua trực giác và mặc khải, đã đưa ra lời giải đáp cho các vấn đề khó khăn. Do đó, sự thành tâm và đồng cảm tâm linh là đặc điểm nổi bật của sự đào tạo chủng viện.

Dưới sự trị vì của Charlemagne (768 - 814), ông đã cố gắng khôi phục lại giáo dục bằng việc cho xây dựng nhiều trường học. Tuy nhiên, sau khi Charlemagne qua đời cộng với những cuộc xâm chiếm của người Vikings, giáo dục đương thời quay trở về vị trí ban đầu.

Trung kỳ trung đại (XI - XIII)[sửa]

Một học giả trung đại đang tiến hành những phép đo chính xác trong một cuốn sách minh họa ở thế kỉ 14

Vào đầu thế kỷ XI, với sự phục hồi của kinh tế, và sự hồi sinh của các thành thị và thành phố, việc học tập đã được khôi phục lại. Kiến thức trong các lĩnh vực như ngân hàng, luật pháp, chính phủ, và thương mại trở nên cần thiết. Sự quan tâm đến kiến thức Hy-La đã được nối lại. Sự phát triển của giáo dục tập trung chủ yếu ở Toledo (Tây Ban Nha), Paris (Pháp), Oxford (Anh), và Bologna (Italy). Những học giả Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, và Do Thái đã đến những trung tâm này để trao đổi kiến thức với nhau.

Trong quá trình nghiên cứu văn hoá Hy-La, các học giả khám phá ra nhiều kiến thức trái ngược với niềm tin Thiên Chúa giáo, đặc biệt là những quan điểm của Aristotle. Nhà triết học uyên bác William xứ Ockham (1288–1347/48) cho rằng niềm tin (Thần học) và lí trí (Triết học) nên được coi là độc lập. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn còn nhiều quan điểm bảo vệ tri thức Cơ Đốc giáo. Thánh Thomas Aquinas (1225-1274), một tu sĩ dòng Dominican, một trong những nhà triết học nổi tiếng thời trung đại cho rằng không tồn tại xung đột nào giữa lí trí và sự mặc khải. Ông cố gắng thuyết phục mọi người không có sự trái ngược giữa Thiên Chúa giáo và khoa học lập luận của Hy-La. Cuốn sách Summa Theologica là công trình nổi tiếng nhất của Thánh Thomas Aquinas.

Những tiến bộ khoa học công nghệ quan trọng trên thực tế đã được thực hiện trong thời trung kỳ trung đại, từ khoảng thế kỷ XIII trở đi. Đại diện trong lĩnh vực này chính là nhà khoa học Roger Bacon (1214–1294). Ông tin vào tầm quan trọng của thí nghiệm và toán học trong việc giải thích các hiện tượng tự nhiên. Ông cho rằng khi con người có những hiểu biết tốt hơn về tự nhiên, họ sẽ hiểu Chúa hơn. Mặc dù bị Giáo hội buộc tội và bỏ tù nhưng những đóng góp của Bacon đối với thí nghiệm khoa học đã được ghi nhận trong việc tạo dựng nền tảng cho những tiến triển của khoa học trong thời kỳ cận đại.

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, ở Tây Âu đã xuất hiện các trường đại học thế tục lớn như Đại học Bologna và Salerno ở Italy, Đại học Sorbonne ở Paris, Đại học Oxford và Cambridge ở Anh, Đại học Salamanca ở Tây Ban Nha, Heidelberg và Erfurt ở Đức. Các trường đại học trung đại đầu tiên được mở ra từ việc mở rộng các trường đào tạo giám mục và đưa thêm vào chương trình học một số bộ môn thế tục như triết học, luật La Mã cổ đại, y học. Các môn học đều dạy bằng tiếng La tinh.

Hậu kỳ trung đại (XIV – cuối XV)[sửa]

Nửa đầu thế kỷ XIV chứng kiến sự ra đời của những công trình khoa học của các nhà tư tưởng vĩ đại. Triết gia người Anh William xứ Ockham (1285 - 1347l) được xem là một trong những nhà logic vĩ đại nhất mọi thời đại với lí thuyết Dao cạo (Occam’s razor) áp dụng trong triết học. Triết gia người Pháp Jean Buridan (1300 - 1358) với sự phát triển của lí thuyết xung lực (Theory of Impetus) giải thích chuyển động của vật thể và viên đạn khi rơi tự do. Nhà khoa học người Pháp Nicole Oresme (1320 - 1382) nổi tiếng với những ý tưởng ban đầu, tư duy độc lập và sự phê phán của ông đối với một số nguyên lý của Aristotle.

Thế kỷ XV chứng kiến sự khởi đầu của Phong trào văn hoá phục hưng. Việc khám phá lại các văn bản khoa học Hy Lạp, cả cổ đại và trung đại được đẩy nhanh khi Đế chế Byzantine rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, nhiều học giả Byzantine đã tìm cách ẩn náu ở phương Tây, đặc biệt là Italia. Ngoài ra, việc phát minh ra kỹ thuật in chữ rời đã có tác dụng to lớn đối với khoa học giáo dục Tây Âu, tạo thuận lợi trong việc học tập, đồng thời cho phép những ý tưởng mới được truyền bá với tốc độ nhanh hơn. Khi thời kỳ Phục hưng di chuyển đến Bắc Âu, khoa học sẽ được hồi sinh bởi những nhân vật như Copernicus, Francis Bacon và Descartes.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đặng Đức An (chủ biên), Lại Bích Ngọc, Đại cương Lịch sử thế giới Trung đại, Tập 1, Phương Tây, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
  2. Brinton Crane, Christopher John B, Wolff Robert Lee, Civilization in the West (Văn minh phương Tây), Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersy, USA, 1964.
  3. Angelica V.Ariston, Estela E.Banashihan, Monina Olavides-Correa Virgilio C.Galvez, Olivia M.Habana, Joseph Jay V.Hernando, World History for Filipino student (Giáo trình Lịch sử thế giới dành cho sinh viên Philippines), English edition of Lupang Hangarin, Anvil Publishing, Inc, 2011.
  4. Kay Slocum (Vĩnh Khoa dịch), Văn minh Trung Cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/European_science_in_the_Middle_Ages#:~:text=European%20science%20in%20the%20Middle%20Ages%20comprised%20the%20study%20of,important%20source%20of%20ancient%20learning. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2020.
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_medieval_European_scientists truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2020.
  7. https://www.bl.uk/medieval-english-french-manuscripts/articles/medieval-science-and-mathematics# truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2020.
  8. https://rfb.bildung-rp.de/fileadmin/_migrated/content_uploads/Science_and_Technology_in_the_Middle_Ages_01.pdf truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2020.
  9. https://plato.stanford.edu/entries/nicole-oresme/ truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2020.