Kho tranh cổ thuộc Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; lưu trữ tranh cổ và các bản vẽ kiến trúc đền, chùa, miếu và hoa văn kiến trúc cổ… được Học viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) thu thập chủ yếu trong khoảng thời gian từ những năm 1940 đến năm 1957, được bàn giao lại cho Chính phủ Việt Nam năm 1957.
KTC có 129 cuộn, trong đó có 124 bức tranh và 5 cuộn là bản vẽ kiến trúc của đền, chùa, miếu và hoa văn kiến trúc cổ, do EFEO bàn giao lại.
Về xuất xứ, hiện không thể xác định được đầy đủ và chính xác tác giả, nguồn gốc, xuất xứ và và các yếu tố thư viện cần phản ánh khác của những tư liệu tranh cổ này. Tuy nhiên, có thể nhận biết được một số thông tin về bức tranh cụ thể thông qua các dấu hiệu như: dấu hiệu đặc trưng của chủng loại tranh (tranh Hàng Trống, tranh dân gian Đông Hồ); dấu lạc khoản cho biết xuất xứ tranh hoặc người (dòng họ) sở hữu tranh; chữ ký trên bức vẽ cho biết tác giả; các thông tin phụ như số thứ tự tranh và chữ Hán ghi chú bằng mực tàu ở mặt sau của tranh lưu lại bút tích của các thế hệ danh nhân xưa đã từng làm việc tại Thư viện như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Giáp,… cũng có thể biết được mốc thời gian tranh có mặt tại kho. Tuy nhiên, chưa tìm thấy một tài liệu nào cho biết rõ hơn về tác giả, lịch sử tồn tại (lý lịch) của mỗi bức tranh. Giới nghiên cứu cũng chưa có ai nghiên cứu thật sâu, chi tiết hơn về kho tranh này.
Về nội dung, nổi bật là tranh về sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng phương Đông. Các bức tranh thờ Phật, giáo lý Phật pháp, thần linh, thư họa, tranh minh họa các tích cổ Trung Hoa chiếm tỷ trọng khá lớn. Nhiều tranh trong số này có nguồn gốc từ các lò tranh Hàng Trống, Hà Nội như: tranh thờ Ngọc Hoàng (TR10), tranh thờ Đức Phật tổ Như Lai (TR12), tranh Phật bà Quan thế âm Bồ tát (TR1), tranh Phật Địa Tạng (TR5), tranh Phật Di Lặc(TR44),… tranh thờ Thánh mẫu Thượng Thiên (TR22), tranh Tề Thiên Đại Thánh (TR13), tranh Nam Tào (TR11), tranh Bắc Đẩu (TR12), tranh Thần Mặt Trời (TR15),… Các tranh dân gian Hàng Trống thường được vẽ bằng chất liệu màu tự nhiên trên giấy bồi, có kích thước truyền thống 35cm x 120cm.
Nhóm tranh giáo lý Phật pháp có bộ tranh minh họa thuyết Luân hồi, tranh Phật giáo của Lào, Miên, về đền Ăngko, về triều đình Xiêm La,... hầu hết đều có bút danh. Tranh sơn dầu giáo lý Phật pháp được vẽ trên giấy dó hoặc vải gai được bồi trên vải mộc cỡ 60cm x 120cm.
Tranh minh họa các tích cổ Trung Hoa, hoặc các cuộc chiến tranh diễn ra trong lịch sử Trung Quốc phải kể đến các bức tranh: Lữ Nguyên hỗn chiến Tam Anh (TR65), Triệu Tử Long liều mình cứu chúa, Lưu Huyền Đức bái kiến Ngô Quốc Thái, tập tranh minh họa các tích trong Truyền Kiều,...
Các bộ tranh tứ bình của các họa sĩ Việt Nam, Trung Quốc là các bộ tranh dân gian rất đẹp và giá trị, về thể loại này phải kể đến bộ tứ bình “Bướm và Hoa” thế kỷ XVIII, được vẽ trên giấy điệp, kích thước 40cm x 120cm, mang hai dấu lạc khoản. Ngoài ra, kho còn lưu giữ một số bộ tranh tứ bình (có bút tích tên tác giả), các bức thư họa (hầu hết có bút danh), bức họa chân dung,… nhưng chưa xác định được thu thập từ nguồn nào.
Kho còn lưu giữ các bộ tranh truyện lịch sử của Nhật Bản, Trung Quốc có ký hiệu từ TR104 đến TR111, các bộ tranh minh họa nghề trồng lúa nước của người Việt cổ, nghề trồng bông, dệt vải của người Nhật Bản được vẽ trên giấy dó, xuất bản theo tập dưới hình thức quyển gập ngang. Kho còn lưu những tranh của Nhật Bản vẽ phong cảnh, thiếu nữ Nhật Bản bằng màu nước trên vải hoặc giấy, cỡ 60cm x 80cm.
Các bức thi họa, họa đồ, lược đồ, các bản vẽ kiến trúc được vẽ trên giấy can hoặc giấy dó, có các kích thước rất khác nhau, nét vẽ bằng mực tàu. Bản vẽ thiết kế mặt bằng chùa Pháp được vẽ trên giấy can cỡ 23cm x 2m.
Có một số bức tranh kích thước lớn như: tranh Phật Bà Quan thế âm Bồ tát (TR113) có kích thước 130cm x 160cm; tranh Les Ruine d Aukor Indochine (TR114) có kích thước 230cm x 300cm; tranh vẽ về lịch sử Campuchia có kích thước 180cm x 260cm; tranh Thiết triều Xiêm La có kích thước 240cm x 300cm; tranh chân dung Phó Đô thống Đoan (không có ký hiệu) có kích thước 180cm x 260cm.
Hầu hết số tranh cổ đều được cuộn có lõi gỗ, một số bức đã được bồi vá trên giấy bổi, giấy dó hoặc vải.
Đây là kho tư liệu hiện vật quý, rất có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử,…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hồ Sĩ Quý, Về một thư viện khoa học xã hội tầm cỡ khu vực, Thông tin khoa học xã hội, 2010, số 1 (325), tr.10-14.
- GS.TS. Hồ Sĩ Quý, PGS.TS. Vương Toàn (Chủ biên), Thư viện Khoa học xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
- Hoàng Ngọc Sinh, Kho Tranh ảnh cổ, trong sách: GS.TS. Hồ Sĩ Quý, PGS.TS. Vương Toàn (Chủ biên), Thư viện khoa học xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.