Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khủng hoảng tài chính ở Mỹ (2008-2009)

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ (2008-2009) cuộc khủng hoảng trong toàn bộ lĩnh vực tài chính Mỹ (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán…) bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tín dụng trong thị trường cho vay mua nhà, dẫn đến sự suy thoái nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu trong những năm 2008 - 2009.

Nguyên nhân dẫn Khủng hoảng tài chính là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trước hết là do các chính sách tài chính, tiền tệ và sự phát triển thiếu kiểm soát của hệ thống tài chính Mỹ khởi nguồn từ cuối thập niên 1990. Từ năm 2001, để kích thích tăng trưởng kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục hạ lãi suất cơ bản, cho phép các ngân hàng hạ lãi suất, mở rộng tín dụng, khuyến khích cho vay. Thứ hai, Khủng hoảng tài chính được châm ngòi bằng hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn (sub-prime mortgage) thiếu kiểm soát và dễ dãi ở Mỹ. Các khoản tiền vay tăng nhanh chóng, ngân hàng thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Giá nhà tăng liên tục, vượt qua giá trị thực, dẫn tới sự phát triển bong bóng của thị trường địa ốc. Thứ ba, các tập đoàn tài chính, đặc biệt là tập đoàn Fannie Mae và Freddie Mac, được Chính phủ bảo trợ, đổ vốn vào thị trường bất động sản bằng cách mua lại các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại, biến chúng thành các loại chứng từ được bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp (Mortgage Backed Securities - MBS) rồi bán lại cho các nhà đầu tư phố Wall. Việc mua bán MBS diễn ra phức tạp và thiếu sự kiểm soát cần thiết của Chính phủ.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến Khủng hoảng tài chính là do sự tôn sùng quá mức sức mạnh và khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do. Những yêu cầu của pháp luật về sự minh bạch hóa và năng lực kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng của nhà nước đã không bắt kịp với những biến đổi sâu rộng của thị trường, không ngăn chặn được những rủi ro do việc nới lỏng kiểm soát hoạt động của hệ thống tài chính gây ra.

Từ mùa hè năm 2007, công ty CFA (Countrywide Financial American), công ty tài chính nắm giữ 20% thị trường cho vay bất động sản toàn nước Mỹ có nguy cơ sụp đổ. Ước tính đến cuối quý III năm 2008, trên 1/2 giá trị thị trường địa ốc Mỹ là tiền đi vay, trong đó khoảng 1/3 là các khoản nợ khó đòi. Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã nhanh chóng lan rộng và tác động đến thị trường tài chính Mỹ.

Ngày 15.9.2008, Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới tuyên bố phá sản với tổng số nợ lên tới 768 tỉ USD. Khủng hoảng tài chính ngay lập tức đã kéo theo sự suy thoái của kinh tế Mỹ. Trong lĩnh vực sản xuất, hầu hết các công ty lớn đều sụt giảm sản lượng nhất là trong công nghiệp sản xuất ô tô, sản xuất thiết bị và vật liệu xây dựng. Tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh, lên đến 10% lực lượng lao động (2009). Tỉ lệ tăng trưởng GDP của Mỹ sụt giảm nghiêm trọng ở mức âm 0,1% (2008) và âm 2,5% (2009).

Tính chất nghiêm trọng của Khủng hoảng tài chính buộc chính phủ phải can thiệp với các kế hoạch giải cứu qui mô lớn chưa từng thấy. Hai gói kích cầu khẩn cấp bao gồm kế hoạch 700 tỉ USD cho ngành tài chính và kế hoạch 787 tỉ USD để phá băng thị trường tín dụng. Đạo luật Ổn định kinh tế khẩn cấp được thực hiện tháng 10.2008. Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật cải cách phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng (Dodd - Frank Wall Street Reform and Consumer Protection Act 2010), Đạo luật Việc làm cho người Mỹ (The American Jobs Act 2011) tiếp tục đưa tỉ lệ thất nghiệp đã giảm từ 9,1% (2011) xuống mức 5% (2015) và 4,7% (tháng 12.2016).

Là tâm điểm của Khủng hoảng tài chính, nước Mỹ là nơi diễn ra nhiều vụ đổ vỡ và thiệt hại lớn nhất. Khoảng 7,5 triệu việc làm bị mất (2007 - 2009), tương ứng với tỉ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi. Tình trạng khó khăn của đại bộ phận người lao động sau khủng hoảng là nguyên nhân dẫn đến Phong trào chiếm phố Wall bắt đầu từ New York tháng 9.2011, lan rộng ra các thành phố lớn ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ nhanh chóng lan rộng và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đẩy các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng và kéo dài nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933. Sự suy thoái của các nền kinh tế lớn dẫn tới sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chỉ còn 1,8% (2008) và âm 2,5% (2009) so với mức 4,2% (2007). Cùng với đó là sự khủng hoảng niềm tin đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới và hàng loạt vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong hệ thống tài chính để những cuộc khủng hoảng tương tự không tái diễn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ngân hàng Phát triển châu Á (2010). Khủng hoảng tài chính năm 2008 và tiềm năng của châu Á: Tác động và hàm ý chính sách, https://www.adb.org/publications/2008-financial-crisis-and-potential-output-asia-impact-and-policy-implications
  2. Bách khoa toàn thư Britanica. Khủng hoảng tài chính năm 2007-2008,, https://www.britannica.com/event/financial-crisis-of-2007-2008
  3. Cục Thống kê lao động Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ, https://data.bls.gov/pdq/SurveyOutputServlet
  4. Cơ quan thông tin chính phủ Mỹ. Đạo luật cải cách Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng Dodd – Frank, https://www.govinfo.gov/content/pkg/PLAW-111publ203/pdf/PLAW-111publ203.pdf
  5. Nhà Trắng: Cơ quan Báo chí. Đạo luật việc làm Mỹ, https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2011/09/08/fact-sheet-american-jobs-act