Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khởi nghĩa Vũ Xương (1911)
Trung Hoa Dân Quốc được thành lập

Khởi nghĩa Vũ Xương (1911) diễn ra vào ngày 10.10.1911 ở Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khởi đầu cho Cách mạng Tân Hợi (1911), cg. khởi nghĩa Tân Hợi, khởi nghĩa Vũ Hán.

Sau khi khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu thất bại (tháng 4.1911), những người lãnh đạo Đồng minh Hội quyết định chuyển trung tâm cách mạng đến lưu vực sông Trường Giang. Được sự tác động của Tổng bộ Đồng minh Hội, một cuộc liên kết lớn các tổ chức cách mạng khu vực Hồ Bắc đã được thực hiện.

Ngày 24.9.1911, Văn học xã và Công tiến hội mở hội nghị liên tịch ở Vũ Xương bàn kế hoạch tổ chức một cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa dự định nổ ra vào ngày 6.10.1911 nhưng do chuẩn bị không kịp nên thời gian khởi nghĩa lùi lại mười ngày (tức ngày 16.10.1911). Tuy nhiên, ngày 9.10.1911, do không cẩn thận trong quá trình chế tạo bom trong tô giới Nga ở Hán Khẩu, Tôn Vũ đã để bom phát nổ. Cảnh sát Nga nghe tiếng nổ nên tiến hành khám xét, bắt được cờ, phù hiệu, ấn tín, … và chuyển giao cho nhà Thanh.

Trước tình hình đó, những người thuộc Đảng cách mạng trong Tân quân quyết tâm tiến hành khởi nghĩa sớm. Tối ngày 10.10.1911, những người cách mạng ở Tiểu đoàn 8 Tân quân phát lệnh khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa chiếm được kho quân giới Sở Vọng Đài gần cửa Trung Hoà với hàng vạn khẩu súng, 10 khẩu pháo, 10 vạn viên đạn. Cùng lúc đó, những người thuộc Đảng cách mạng của đội Hỗn Thành hiệp tư số 21 đóng ở ngoài thành cũng đốt lửa làm hiệu lệnh, phát động khởi nghĩa. Tiểu đoàn pháo binh và đội công trình lập tức hưởng ứng, tập trung ở Sở Vọng Đài. Thái Tề Dân, Ngô Tỉnh Hán của trung đoàn 29, 30 cũng đưa một bộ phận thổ binh phá cửa đến Sở Vọng Đài. Lúc này, trong thành Vũ Xương, trừ số quân bảo vệ dinh Tổng đốc và các cơ quan ngoan cố chống giữ, đã có gần 3.000 người tham gia khởi nghĩa.

Vào lúc 10 giờ 30 phút tối ngày 10.10.1911, quân khởi nghĩa chia làm ba đường tiến công vào dinh Tổng đốc và Bộ tư lệnh trấn thứ tám. Cánh quân thứ nhất qua cầu Tử Dương, phố Vương Phủ Khẩu tiến công phía sau dinh Tổng đốc. Cánh quân thứ hai từ phố Vĩnh Lục tiến công Bộ tư lệnh trấn thứ tám, bên cạnh dinh Tổng đốc. Cánh quân thứ ba từ đập Tân Vĩnh qua phố chính cửa Bảo An, tiến công cửa trước dinh Tổng đốc. Đồng thời, Trung đoàn pháo số 8 đã vào thành qua cửa Trung Hoà đến Xà Sơn chiếm được trận địa, nổ súng bắn về phía dinh Tổng đốc. Ba cánh quân khởi nghĩa được pháo binh yểm trợ tiến vào chiếm dinh Tổng đốc, đốt cháy toà nhà lớn. Quân ở dinh Tổng đốc muốn dựa vào tường thành để cố thủ nhưng thấy uy thế đã mất, một bộ phận đầu hàng, phần lớn thua chạy. Dinh Tổng đốc và Bộ tư lệnh trấn thứ tám dần bị quân khởi nghĩa chiếm. Tổng đốc Hồ Quảng, Thống chế trấn thứ tám Trương Hổ chạy trốn.

Rạng sáng ngày 11.10.1911, các toà nhà trong thành Vũ Xương đều bị quân khởi nghĩa chiếm đóng, 18 lá cờ cắm trên thành Vũ Xương, tuyên bố cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương đã thành công. Sau khi chiếm được thành phố, những người lãnh đạo khởi nghĩa đã đưa Lê Nguyên Hồng – một quan chức cao cấp ở địa phương lên làm Đô đốc của chính phủ quân sự. Chính phủ lâm thời này thường được gọi là Hồ Bắc quân chính phủ.

Cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Trung Quốc. Một tháng sau khi Khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ, các cuộc khởi nghĩa đã lan ra 13 tỉnh và thành phố Thượng Hải, lôi cuốn đông đảo các giai cấp, tầng lớp xã hội tham gia và nhanh chóng giành được chính quyền. Phong trào khởi nghĩa của quần chúng nhân dân hợp thành một cao trào cách mạng dân chủ tư sản rộng lớn tạo tiền đề đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi (1911).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. 高士振,1911动荡中国辛亥起义重大事件,台海出版社,2011年 (Cao Sỹ Chấn, Cuộc vận động năm 1911 sự kiện trọng đại của khởi nghĩa Tân Hợi Trung Quốc, Nxb Đài Hải, 2011).