Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khởi nghĩa Bohol (1774-1829)
Vị trí Bohol tại Philippines
Vị trí Bohol tại Philippines
Tượng tưởng niệm Dagohoy.

Khởi nghĩa Bohol (1774-1829) cuộc đấu tranh lâu dài nhất của nhân dân Philippines chống lại ách cai trị của thực dân Tây Ban Nha ở đảo Bohol, cg. khởi nghĩa Dagohoy.

Nguyên nhân dẫn đến việc bùng nổ cuộc khởi nghĩa là do sự bất mãn của nhân dân ở Bohol trước chính sách áp bức, bóc lột quá mức mà thực dân Tây Ban Nha duy trì ở cuối thế kỷ XVIII. Theo đó, người dân Bohol phải nộp thuế và cống phẩm quá mức chịu đựng cho chính quyền thực dân và linh mục Dòng tên. Châm ngòi nổ cho cuộc khởi nghĩa là việc linh mục Dòng tên ở Inabanga, Fr. Gaspar Morales, từ chối thực hiện nghi lễ chôn cất theo Công giáo cho Sagarino - anh trai của Francisco Dagohoy. Sagarino là tín đồ Công giáo đã mất mạng khi đuổi bắt một kẻ phản loạn theo lệnh của linh mục Morales. Điều này đã khiến Francisco hết sức phẫn nộ. Ông đã kêu gọi những người bạn của mình ở Bohol cầm vũ khí chống lại chính quyền thực dân Tây Ban Nha.

Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Francisco Dagohoy, tên khai sinh là Francisco Sendrijas, người Inabanga, Bohol. Trước khi nổi dậy khởi nghĩa, ông là người đứng đầu một đơn vị hành chính thấp nhất (barangay) của thị trấn Inabanga.

Ngày 24.1.1744, Dagohoy đã cùng những người bạn của mình ở Bohol nổi dậy giết chết phụ tá linh mục Giuseppe Lamberti và linh mục Morales, đánh dấu cho sự mở đầu của cuộc khởi nghĩa. Các tầng lớp nhân dân ở Bohol đã ủng hộ hành động của Dagohoy, khởi nghĩa lan rộng khắp hòn đảo. Dagohoy tuyên bố quyền tự do của Bohol và từ chối việc đóng thuế cũng như các nghĩa vụ cống nạp khác mà chính quyền Tây Ban Nha áp đặt. Ông quyết định di chuyển nghĩa quân đến vùng rừng núi Danao để xây dựng căn cứ vững chắc, tiến tới tổ chức cuộc sống lâu dài theo cách mà ông và quân khởi nghĩa mong muốn. Tại đây, Dagohoy đã thành lập cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tổ chức xây dựng các chiến hào kiên cố bằng cách tận dụng những tảng đá lớn. Đặc biệt, ông đã chọn hang động Caylagon làm đại bản doanh của nghĩa quân. Dựa vào địa hình hiểm trở của Danao, sự kỳ bí của hang động Caylagon với nhiều lối đi men theo động cùng một con suối trong động dẫn đến vùng đất cao, khô ráo ở bên ngoài động để giúp nghĩa quân rút chạy khi gặp phải các cuộc truy kích của chính quyền thực dân.

Để đảm bảo cuộc sống cho nghĩa quân, Dagohoy tổ chức cho gia đình của họ phát quang một số diện tích rừng, biến thành đất canh tác hoa màu và chăn nuôi. Vì Dagohoy đã có kinh nghiệm lãnh đạo khi đứng đầu đơn vị hành chính barangay, ông đặt ra một số quy tắc và chuẩn mực để duy trì trật tự và ổn định tổ chức nghĩa quân. Tin tức về nghĩa quân được lan truyền trong cộng đồng ở Bohol, nhiều người dân đã tự nguyện gia tìm đến căn cứ Danao, gia nhập nghĩa quân hoặc ủng hộ tài chính và vũ khí và cho họ. Được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, lực lượng của nghĩa quân ngày càng đông đảo, từ con số khoảng 3.000 người ban đầu, đã tăng lên hơn 20.000 người sau đó. Bên cạnh việc xây dựng và cố thủ ở căn cứ Danao, đôi khi, nghĩa quân sẽ đột kích vào các thị trấn ven biển, tấn công các đồn trú Tây Ban Nha, cướp phá nhà thờ và giết người Tây Ban Nha.

Thành công và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa đã làm cho chính quyền thực dân Tây Ban Nha ở Manila lo lắng. Năm 1747, Giám mục Juan de Arrechederra, quyền Toàn quyền Philippines (1745 - 1750), cử một đội quân chính quy do Don Pedro Lechuga chỉ huy đến Bohol để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Mặc dù quân đội của Lechuga đã thắng một vài trận giao tranh ác liệt, nhưng không đánh bại được hoàn toàn vì không thể xuyên thủng thành trì kiên cố căn cứ khởi nghĩa. Sau đó, thực dân Tây Ban Nha nhiều lần đưa quân đội đến đàn áp quân khởi nghĩa, nhưng đều không thành công. Nỗ lực quân sự thất bại, thực dân Tây Ban Nha đã sử dụng cả biện pháp thương lượng mềm dẻo. Giám mục Espeleta đã cố gắng thuyết phục Dagohoy từ bỏ chống đối với lời hứa sẽ đảm bảo thực hiện ân xá chung, hạn chế sự lạm dụng quyền lực của các quan chức người Tây Ban Nha và bổ nhiệm các linh mục thế tục thay thế các tu sĩ Dòng Tên đến các giáo xứ Bohol. Nhưng nghĩa quân vẫn không chịu khuất phục. Thậm chí, ngay cả sau khi Dagohoy qua đời, căn cứ địa vẫn được nghĩa quân bảo vệ và tiếp tục thách thức chính quyền thực dân Tây Ban Nha.

Đến năm 1828, để cứu lấy thể diện của quân đội sau nhiều thất bại trước quân khởi nghĩa và để mất các thuộc địa ở Mỹ Latinh, Tây Ban Nha đã quyết định huy động lực lượng quân đội mạnh với vũ khí hiện đại nhất đặt dưới sự chỉ huy của Manuel Sanz đến Bohol. Mặc dù đã chiến đấu với lòng dũng cảm, bất khuất, nhưng trước sức công phá của pháo hạng nặng không chỉ phá hủy công sự mà còn nhanh chóng làm tiêu hao lực lượng, mệt mỏi vì chiến đấu không ngừng, suy kiệt vì đói và khát, suy yếu về sức mạnh quân số, nghĩa quân đã thất thủ vào tháng 8.1829.

Mặc dù thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa của Dagohoy kéo dài 55 năm đã đi vào lịch sử Philippines như là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh bền bỉ, quả cảm chống lại ách cai trị của thực dân Tây Ban Nha và góp phần thức tỉnh ý thức dân tộc. Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa - Dagohoy đã trở thành một nhân vật lịch sử được vinh danh. Tên của ông được đặt cho thị trấn Dagohoy và trường Trung học quốc gia Dagohoy ở Bohol.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Rene O. Villanueva, Dagohoy ang mandirigmang hindi sumuko (Dagohoy chiến binh đã không bỏ cuộc), Nxb. Adarna, Quezon, 2002.
  2. Luis H. Francia, History of the Philippines: From Indios Bravos to Filipinos (Lịch sử của Philippines: Từ người da đỏ dũng cảm đến người Philippines), Nxb. Overlook, 2010.
  3. Quennie Ann J. Palafox, The Vision of Francisco Dagohoy (Tầm nhìn của Francisco Dagohoy), https://nhcp.gov.ph/the-vision-of-francisco-dagohoy/, truy cập ngày 12.8.2021.