Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khởi nghĩa ở Perak (1875 - 1876)

Khởi nghĩa ở Perak (1875 - 1876) là cuộc đấu tranh của các thủ lĩnh bản địa ở bán đảo Malay nhằm chống lại mưu đồ cai trị của thực dân Anh cuối thế kỷ XIX.

Sau khi thành lập Các khu định cư eo biển năm 1826, Anh duy trì chính sách tự do thương mại, không can thiệp chính trị trong khu vực. Đầu thập niên 1870, khu vực Perak thuộc tây bắc bán đảo Malay trong tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn. Ở Pangkor diễn ra cuộc tranh giành quyền kế vị sau khi Sultan Ali mất năm 1871. Ismail và Yusuf chống đối Sultan mới Rajas Abdullah và họ không tham gia vào sự kiện Lời ước hẹn Pangkor 1874. Anh lo lắng mất đi vị thế tại Perak bởi sự can thiệp của các cường quốc phương Tây khác.

Toàn quyền Andrew Clarke được cử đến Malaya ngày 20.9.1873 để củng cố quyền lực của Anh. Ông chấm dứt chính sách không can thiệp, buộc một số nhà nước Malay nằm dưới sự quản lý, kiểm soát của người Anh. Với Lời ước hẹn Pangkor năm 1874, Andrew thiết lập chế độ Thống sứ ở bán đảo Malay, cụ thể ở Negri Sembilan, Perak và Selangor, làm nảy sinh xung đột giữa các nhà lãnh đạo địa phương với chính quyền Anh.

James Birch trở thành Thống sứ Anh đầu tiên ở Perak, nhưng không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương. Luật mới được thực hiện, lực lượng cảnh sát và tòa án chỉ chịu trách nhiệm giải trình trước Thống sứ và Sultan. Tháng 4.1875, Anh thông báo đến Sultan Abdullah việc sẽ nắm cả thuế và thu nhập của toàn lãnh thổ, dẫn đến xung đột giữa người Anh và Sultan. Birch đe dọa sẽ thay thế vị trí của Abdullah.

Birch đã cho đốt nhà của Raja Ngah tại thành phố Bidor sau khi ông này tăng thuế xuất khẩu thiếc trái phép. Chính quyền Anh gửi Jervois đến Perak để đàm phán một hiệp ước mới với Sultan Abdullah, nhưng thất bại. Jervois đơn phương thực hiện chế độ 2 quan chức người Anh dưới danh nghĩa đại diện của Nữ hoàng làm việc cùng Hội đồng Malay để trực tiếp quản lý tại đây. Jervois đã không nhận thức đầy đủ những bất mãn của người Perak đối với Birch và những đề nghị của ông càng làm vấn đề thêm trầm trọng.

Ngày 2.11.1875, Thống sứ Birch bị giết bởi Maharaja Lela và những lãnh đạo bản địa muốn thoát khỏi sự khống chế của người Anh. Đại tá Anson, Thống đốc tạm thời của Penang cử quân tấn công Pasir Salak để dẹp loạn. Cuộc tấn công đầu tiên ngày 7.11.1875 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng W.Innes, T.G. Booth và Armstrong William Elliott cùng 60 lính bị thất bại, khiến 17 người Anh bị giết. Anh cử 2.000 quân từ Hồng Kông và Ấn Độ đến truy lùng các lãnh đạo khởi nghĩa. Hải quân Anh phong tỏa bờ biển Perak, và cấm buôn bán vũ khí trong khu vực.

Ngày 16.11, pháo binh hoàng gia và lục quân Anh dưới quyền đại úy William Whitla, cùng hải quân trên tàu chiến Thistle và Fly thực hiện cuộc tấn công thứ hai vào Pasir Salak và phá hủy ngôi làng. Đầu tháng 12.1875, chỉ huy quân đội Anh ở Trung Quốc và Các khu định cư eo biển, Đại tướng Francis Colbourne, trực tiếp chỉ huy lực lượng Anh và quyết định tấn công làng Kinta để truy bắt những lãnh đạo khởi nghĩa (Ismail và Lena). Ngôi làng thứ ba bị tấn công ngày 4.1.1876 là Kota Lama bởi hơn 1.000 lính Anh và ngày 20.1, làng này bị đốt cháy hoàn toàn.

Giữa năm 1876, những lãnh đạo khởi nghĩa bỏ trốn bị bắt, những người theo phe chống đối đều bị treo cổ. Hầu hết các làng ở Perak bị đốt cháy, nguồn lương thực bị cắt đứt. Những thủ lĩnh địa phương như Ismail, Sultan Abdullah hay Mantri bị đày ra Seychelles hoặc Johore. Người Anh đã tàn sát và bắt bớ toàn bộ chính quyền ở Perak, từ Sultan đến các thủ lĩnh địa phương và quan lại cấp cao. Yusuf là thủ lĩnh quan trọng duy nhất còn sống và được đưa lên làm Sultan mới. Cuộc khởi nghĩa ở Perak (1875-1876) cho thấy sự chênh lệch lực lượng vô cùng lớn giữa đế quốc Anh với người dân và chính quyền bản địa ở Malay. Sự kiện trên dẫn đến sự thay đổi lớn lao trong lịch sử Perak thuộc Anh: đến năm 1910 người Anh hoàn thành việc xây dựng hệ thống thuộc địa ở bán đảo Malay.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. C. Northcote Parkinson, British Intervention in Malaya 1867-1877 (Sự can thiệp của người Anh tại Malaya, 1867-1877), University of Malaya Press, 1964.
  2. Robert Heussler, British rule in Malaya: The Malayan Civil service and its predecessors 1867-1942 (Quyền lực của Anh ở Malaya: Quan lại bản địa và tổ tiên của họ, 1867-1942), Greenwood Press, 1981.
  3. John Gullick, “The Economic of Perak in the mid-1870s” (Kinh tế của Perak giữa thập niên 1870), Journal of the Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, vol. 83, no. 299, 2010, pp. 27-46.
  4. J.M.Gullick, A History of Kuala Lumpur, 1857-1939 (Lịch sử của Kuala Lumpur, 1857-1939), Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, 2017.