Khối thịnh vượng chung Anh là tổ chức liên chính phủ gồm 54 quốc gia thành viên, hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh, được thành lập theo Tuyên ngôn London năm 1949 với mục tiêu tạo dựng sự hợp tác giữa các nước thành viên; hỗ trợ, cải thiện phúc lợi cho mọi công dân và thúc đẩy lợi ích chung của họ trên toàn cầu; cg. Khối thịnh vượng chung (tiếng Anh: Commonwealth of Nations).
Khối thịnh vượng chung hình thành và phát triển cùng với lịch sử quá trình phi thực dân hóa ở Đế quốc Anh. Chính sách truyền thống của Anh cho phép các thuộc địa có quyền tự trị nhất định trong khuôn khổ Đế quốc Anh. Kể từ năm 1887 đã diễn ra các cuộc hội nghị giữa những người đứng đầu các quốc gia tự trị với chính quyền Anh. Đó là cơ sở để hình thành Khối Thịnh vượng chung Anh (Bristis Commonwealth) năm 1926, được chính quyền Anh chính thức công nhận thông qua Quy chế Westminton năm 1931. Trên cơ sở sự phát triển của phong trào độc lập dân tộc, năm 1949 Khối Thịnh vượng chung chính thức được thành lập với việc thông qua Tuyên ngôn London, đánh dấu bước chuyển mình của các thành viên (với loại bỏ từ Anh trong Khối Thịnh vượng chung Anh). Các thành viên sáng lập Khối là Australia, Canada, Ấn Độ, New Zealand, Pakistan, Nam Phi, Sri Lanka và Anh.
Thành viên của Khối thịnh vượng chung tăng lên đáng kể vào nửa sau thế kỷ XX khi các thuộc địa của Anh được trao trả độc lập. Đặc biệt, một số nước vốn không phải thuộc địa của Anh, cũng gia nhập Khối thịnh vượng chung như Mozambique (1995), Rwanda (2009). Trong số 54 nước thành viên, có 19 nước châu Phi (Botswana, Cameroon, Gambia, Ghana, Kenya, Lesotho, Malawi, Mauritius, Mozambique, Namibia, Nigeria, Rwanda, Seychelles, Siera Leone, Nam Phi, Swaziland, Uganda, Tanzania, Zambia); 13 nước châu Mỹ và Caribbe (Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Canada, Dominica, Grenada, Guyana, Jamaica, Saint Lucia, St Kitts & Nevis, St Vincent & Grenadines, Trinidad & Tobago); 11 nước Thái Bình Dương (Australia, Fiji, Kiribati, Nauru, New Zealand, Papua New Guinea, Samoa, Solomon Island, Tonga, Tuvalu, Vanuatu); 8 nước châu Á (Bangladesh, Brunei Darussalam, Ấn Độ, Malaysia, Maldives, Pakistan, Singapore, Sri Lanka); 3 nước châu Âu (Anh, Cyprus, Malta). Người đứng đầu Khối là Vua George VI (cho đến khi ông mất năm 1952), sau đó là Nữ hoàng Anh Elizabeth II (từ 1952 đến nay).
Khác với các tổ chức quốc tế khác, Khối thịnh vượng chung không có hiến pháp hay luật lệ chính thức. Các thành viên không có nghĩa vụ pháp lý chính thức với nhau. Họ gắn kết với nhau bằng truyền thống, chia sẻ giá trị, kinh nghiệm và lợi ích chung. Cơ cấu tổ chức của Khối gồm Ban thư ký (thành lập năm 1965), Quỹ Thịnh vượng chung và Cộng đồng học tập. Ban thư ký là cơ quan điều hành các hoạt động của Khối trên ba lĩnh vực: quản trị và các vấn đề về hòa bình; thương mại, đại dương và tài nguyên thiên nhiên; phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
Hoạt động của Khối dựa trên sự tham vấn giữa các thành viên thông qua Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức hai năm một lần. Tuyên bố tại Hội nghị ở Singapore (1971) và các Hội nghị thường kỳ tiếp theo khẳng định bản chất tự nguyện và hợp tác, đồng thời cam kết phối hợp thúc đẩy hòa bình, chống phân biệt chủng tộc, chống chủ nghĩa thực dân, thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo… Năm 2012, Khối thịnh vượng chung ban hành Hiến chương 16 điểm, nhấn mạnh những giá trị chung của Khối bao gồm: dân chủ, bình đẳng giới, phát triển bền vững, hòa bình và an ninh quốc tế.
Khối thịnh vượng chung là một trong những tổ chức quốc tế có lịch sử lâu đời với sự tham gia của khoảng 1/3 dân số thế giới, bao gồm những nước giàu nhất, rộng lớn nhất và cả những nước nghèo nhất, nhỏ nhất trên thế giới. Bằng cách phối hợp hành động chung thông qua mạng lưới trên 80 tổ chức liên chính phủ, dân sự, văn hóa, nghề nghiệp…, Khối thịnh vượng chung tiếp tục duy trì các hoạt động, hướng tới một Cộng đồng chung tôn trọng lẫn nhau trong sự bình đẳng, đa dạng, hướng tới các giá trị, lợi ích chung và hành động tập thể trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cơ quan lưu trữ Chính phủ Anh, Hội nghị Thượng đỉnh Khối Thịnh vượng chung năm 2018, https://www.gov.uk/government/topical-events/commonwealth-heads-of-government-meeting-2018
- Bách khoa toàn thư Britanica, Khối Thịnh vượng chung, https://www.britannica.com/topic/Commonwealth-association-of-states
Ban thư ký Khối Thịnh vượng chung 2020, Khối Thượng vượng chung, https://thecommonwealth.org/about-us/history