Khố là một loại trang phục mặc phía thân dưới của nam giới người Việt trước đây. Các dân tộc ở Tây Nguyên dùng phổ biến loại trang phục này. Nếu người Việt chỉ gọi chung là K thì mỗi dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên lại có tên gọi riêng cho các loại khố khác nhau, chẳng hạn khố mặc hàng ngày là toai lui (dân tộc Jrai), tơ roi brung (dân tộc Mnông) hay kpin (dân tộc Ê Đê); hay khố mặc trong dịp lễ hội là Toai Kteh (dân tộc Jrai), tơ roi nhong (dân tộc M nông) hay kđruyêch piêk (dân tộc Ê Đê).
Nguyên liệu phổ biến để dệt khố là sợi bông được xe sợi từ nguyên liệu bông ở từng địa phương. Ở Tây Nguyên trước đây có loại khố được làm từ vỏ cây đập mềm. Có nhiều ý kiến cho rằng loại khố làm bằng vỏ cây này là loại hình xuất hiện sớm nhất trước khi người dân ở Tây Nguyên biết xe sợi để dệt khố trên khung. Cũng có ý kiến không khẳng định trình tự xuất hiện này và cho rằng khố vỏ cây tồn tại song song cùng các loại khố dệt từ vải bông, nhưng thường là trang phục của những người rất nghèo, hoặc chỉ được dùng khi phát nương làm rẫy.
Tuy khố của người Việt với khố các dân tộc ở Tây Nguyên có khá nhiều điểm chung về loại hình trang phục, cách mặc, hay chất liệu làm từ sợi bông; tuy nhiên lại có sự khác biệt trong kết cấu chi tiết cũng như về vai trò của loại trang phục này trong phong tục ăn mặc của người dân mỗi vùng và mỗi dân tộc. Với người Việt, khố thường được làm trơn, không có họa tiết, và là phần trang phục tối giản. Trong khi đó với các tộc người ở Tây Nguyên, khố được dệt cầu kỳ hơn, nhiều họa tiết, thậm chí có những loại khố thầy cúng hay những người có chức sắc mặc trong nghi lễ được dệt cầu kỳ như những công trình nghệ thuật.
Nếu ở người Việt, khố được coi là trang phục bình dân và của người lao động thì đối với nam giới các dân tộc ở Tây Nguyên cho đến những năm 1980, khố vẫn là một loại trang phục phổ biến. Với họ mặc khố không phải do nghèo khó hay thiếu thốn là một tập quán. Các dân tộc ở Tây Nguyên có nhiều loại khố dùng trong các dịp khác nhau. Có khố để mặc trong đời sống thường ngày thường có kích thước nhỏ và ngắn (dài từ một đến hai vòng lưng) được dệt bằng vải đen nhuộm chàm và được trang trí đơn giản với những hoa văn dạng cơ bản trên thân khố. Loại khố dùng trong lễ hội thường có kích thước lớn và dài hơn (có thể đến 5 hoặc 7 vòng bụng), được dệt dày dặn, có hoa văn họa tiết cầu kỳ, phong phú và đẹp cả về hình dạng và màu sắc. Đây là loại khố có giá trị nhất cả ở khía cạnh kinh tế và văn hóa với các dân tộc ở Tây Nguyên và hiện được lưu giữ nhiều ở các bảo tàng. Hoa văn trên khố của các dân tộc ở Tây Nguyên vừa có ý nghĩa về thẩm mỹ, vừa chứa đựng những giá trị văn hóa, phản ánh nếp sống và con người nơi đây.
Với những biến đổi kinh tế xã hội, đặc biệt là do ảnh hưởng của văn hóa và trang phục phương Tây cùng các chính sách xây dựng đời sống mới của nhà nước, các dân tộc đã dần dần lối trang phục mặc khố. Hiện nay các loại khố có giá trị của các dân tộc ở Tây Nguyên chỉ còn được sưu tầm và lưu trữ trong các bảo tàng. Ở một số dân tộc, già làng hoặc thầy cúng còn sử dụng khố trong các lễ quan trọng của cộng đồng hay của gia đình. Trong đời sống hàng ngày, khố gần như biến mất, nhưng khố lại được các nghệ nhân, nghệ sỹ mặc như trang phục thiết yếu trong các buổi trình diễn văn hóa, văn nghệ để thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trần Từ, Hoa văn các dân tộc Giarai- Bana, Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai, Kon Tum, 1986.
- Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994.
- Trần, Quang Đức, Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945. Nxb. Thế giới, Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2013.
- Đặng Trường, Hoài Thu, Trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2013.
- Ma Ngọc Dung, Trang phục truyền thống các tộc người nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và việc bảo tồn giá trị văn hóa trang phục, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2014.
- Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2015.