Mục từ này cần được bình duyệt
Khăn vuông

trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Bắc Bộ và một số dân tộc thì y phục gồm có khăn, áo, yếm, dây lưng, quần (váy) và đồ trang sức gồm hoa tai, nhẫn, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Trong hệ thống khăn của phụ nữ bao gồm nhiều loại khác nhau như khăn dài, KV.. và được sử dụng nhiều kiểu khác nhau, tuỳ vào từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Trong đó KV chủ yếu được làm từ vải bông có mầu xanh chàm hoặc đen và được sử dụng để che đầu, giữ tóc, đồng thời thể hiện giá trị thẩm mỹ và xã hội

Cách tạo ra khăn vuông:

Để làm KV người phụ nữ dùng một khổ vải bông hình vuông rộng (40cmx40cm) hoặc (50cmx50cm) có màu nâu, xanh chàm hoặc đen, sau đó khâu viền bốn bên mép khổ vải để tạo thành khăn. Nếu khăn được làm bằng vải trắng thì sẽ đem đi nhuộm màu nâu, xanh chàm hoặc màu đen, quy trình nhuộm màu cho khăn cũng giống như nhuộm vải để may các thành tố khác của y phục. Ở khu vực đồng bằng, để giữ cho màu khăn không bị phai trong quá trình sử dụng thì sau khi nhuộm xong họ thường ngâm khăn vào nước bùn trong một thời gian nhất định

Cách sử dụng của khăn và giá trị thẩm mỹ thể hiện qua khăn vuông:

Để sử dụng KV, người phụ nữ thường nuôi tóc dài, trước khi đội khăn tóc thường được buộc túm ra sau gáy rồi phần tóc dài được vặn xoắn lại rồi vấn vòng quanh đầu. Trong một số trường hợp nếu tóc ít, ngắn, xơ thì người phụ nữ sẽ dùng các túm tóc dài xin của người khác, để độn vào tóc của mình sau đó toàn bộ tóc được bọc lại một băng vải cho gọn trước khi vấn vòng quan đầu. Khi đội KV được gấp chéo góc để tạo hình tam giác. Khăn sẽ được trùm lên trên vành tóc đã quấn trên đầu theo cách để hai đầu nhọn tam giác hai bên đầu, hình góc vuông của tam giác phía sau gáy. Sau đó dùng hai đầu nhọn của khăn sẽ buộc với nhau phía dưới cằm hoặc bắt hai góc khăn về hai phía tai rồi thắt múi ở gáy. Phần khăn trước mặt được bẻ gấp lại trông giống như hình mỏ con quạ vì vậy mà kiểu đội khăn này người dân gọi là “chít khăn mỏ Quạ” hoặc “đội khăn mỏ Quạ”

Trong sinh hoạt ngày thường hoặc trong các ngày lễ hội việc người phụ nữ đội khăn mỏ quạ và mặc trang phục truyền thống đã trở thành chuẩn mực đối người phụ nữ trược đây. Người phụ nữ khi đội KV theo kiểu đội khăn mỏ quạ đã tạo nên sự duyên dáng trên khuôn mặt. Qua cách đội khăn của người phụ nữ cần phải làm sao cho phù hợp và tôn nên nét đẹp của khuôn mặt của mình, điều này được thể hiện qua việc khi đội khăn hình mỏ quạ. Theo quan niệm của người dân, sau khi đội khăn, khuôn mặt người đội khăn đó phải có hình chiếc búp sen mới được coi là đẹp. Khi để góc khăn gấp hình mỏ quạ phía trước trán nếu lên quá cao thì trông sẽ “điêu” còn để xuống thấp quá thì khuôn mặt trở nên tối và khi bẻ khăn hình mỏ quạ phải làm sao cho chính giữa đường rẽ ngôi trên đầu. Khi người phụ nữ đội KV theo kiểu hình mỏ quạ mà đáp ứng được các tiêu chuẩn này sẽ được mọi người đánh giá là người cẩn thận và xinh đẹp.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Ngọc Thắng, Nghệ thuật trang phục Thái, NXB Văn hóa Dân tộc-Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Hà Nội,1990.

2. Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, NXBVăn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994.

3. Nông Quốc Tuấn, Trang phục cổ truyền của người Dao ở Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002.

4. Nguyễn Khắc Tụng, Nguyễn Anh Cường, Trang phục cổ truyền của người Dao ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004

5. Võ Thị Mai Phương, Trang phục của người Lào ở Tây Bắc Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.