Không gian mạng hay không gian ảo là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian trên cơ sở mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu.
Không gian mạng là một trải nghiệm xã hội. Các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý tưởng, chia sẻ thông tin, cung cấp hỗ trợ xã hội, tiến hành các hoạt động kinh doanh, hành động trực tiếp, tạo nội dung nghệ thuật, chơi trò chơi, tham gia thảo luận chính trị, v.v. bằng cách sử dụng mạng toàn cầu này.
Lịch sử ra đời[sửa]
Thuật ngữ không gian mạng đã trở nên thông dụng để mô tả bất cứ thứ gì liên quan đến Internet và nền văn hóa Internet đa dạng
Theo Chip Morningstar và F. Randall Farmer, không gian mạng liên quan tới tương tác xã hội nhiều hơn là việc triển khai kỹ thuật. Theo quan điểm của họ, các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong không gian mạng chủ yếu là để sự tăng cường kênh giao tiếp giữa những người thực.
Mặc dù không nên nhầm lẫn không gian mạng với Internet, thuật ngữ này cũng thường được sử dụng để chỉ các đối tượng và định danh tồn tại trên Internet. Do đó, chẳng hạn một trang web có thể được nói một cách ẩn dụ là "tồn tại trong không gian mạng". Theo cách hiểu này, các sự kiện diễn ra trên Internet không xảy ra ở các vị trí thực tế của người tham gia hoặc các máy chủ, mà là "trong không gian mạng". Nhà triết học Michel Foucault đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả những không gian đồng thời là vật chất và tinh thần như vậy.
Nguồn gốc của không gian mạng (cyberspace) xuất phát từ từ "cybernetics", bắt nguồn từ một từ Hy Lạp cổ đại để chỉ những người làm nhiệm vụ "dẫn đường" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như những chính trị gia, tài xế, người lái tàu,... Từ "cybernetics" lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà toán học và triết gia người Mỹ Norbert Wiener trong những công trình nghiên cứu tiên phong của ông về điều khiển - tự động hóa và điện tử - truyền thông.
Thuật ngữ "không gian mạng" lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật thị giác vào cuối những năm 1960, khi nghệ sĩ Đan Mạch Susanne Ussing (1940-1998) và cộng sự là kiến trúc sư Carsten Hoff (sinh năm 1934) tự tạo thành Atelier Cyberspace. Dưới cái tên này, cả hai đã sáng tác một loạt các tác phẩm sắp đặt và hình ảnh mang tên "không gian cảm giác" dựa trên nguyên tắc hệ thống mở có thể thích ứng với nhiều ảnh hưởng khác nhau, chẳng hạn như chuyển động của con người và hành vi của vật liệu mới.
Thuật ngữ "không gian mạng" lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết vào những năm 1980 trong tác phẩm của tác giả khoa học viễn tưởng về cyberpunk William Gibson, lần đầu tiên trong truyện ngắn "Burning Chrome" năm 1982 và sau đó là trong tiểu thuyết Neuromancer năm 1984 của ông. Từ không gian mạng trở nên phổ biến vào những năm 1990 khi việc sử dụng Internet, mạng và truyền thông kỹ thuật số đã phát triển đáng kể. Thuật ngữ không gian mạng có thể đại diện cho nhiều ý tưởng và hiện tượng mới đang xuất hiện.
Cơ hội và thách thức[sửa]
Không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận. Hoạt động trên không gian mạng tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là con người
Cùng với những lợi ích to lớn, các đe dọa từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Đó là những thách thức về tình báo mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng và hàng loạt nguy cơ khác. Nếu không gian mạng quốc gia không được bảo vệ, các bí mật nhà nước sẽ bị lộ, lọt; các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công nghiệp trọng yếu sẽ bị phá hủy; hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ hoặc rối loạn hoạt động.
Không gian mạng có thể trở thành môi trường để các tổ chức khủng bố quốc tế tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động chống phá nhà nước và chế độ xã hội. Một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng và chiến tranh mạng đang trở thành hình thái chiến tranh mới, nguy cơ về một cuộc chiến tranh không khói súng, không chiến tuyến, không biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia đang hiện hữu. Những điều này tạo ra vô số mối nguy lớn về an ninh và chủ quyền quốc gia.
Các vấn đề liên quan tại Việt Nam[sửa]
Dự thảo luật An ninh mạng Việt Nam bắt đầu được soạn thảo từ tháng 11/2016 theo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam khóa 14. Luật An ninh mạng Việt Nam được giao cho Bộ Công an chủ trì, soạn thảo để khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác an ninh mạng để góp phần bảo vệ an ninh quốc gia bảo và đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Luật này được Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) biểu quyết thông qua vào ngày 12/06/2018
Mặc dù một số định nghĩa về không gian mạng có thể được tìm thấy cả trong các tài liệu khoa học và các nguồn chính thức của các chính phủ, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính thức hoàn toàn được thống nhất. Theo F. D. Kramer, có 28 định nghĩa khác nhau về thuật ngữ không gian mạng.
Có thể thấy không gian mạng là một miền toàn cầu và động (có thể thay đổi liên tục) được đặc trưng bởi việc sử dụng kết hợp các điện tử và phổ điện từ, có mục đích là tạo, lưu trữ, sửa đổi, trao đổi, chia sẻ và trích xuất, sử dụng, loại bỏ thông tin và phá vỡ các tài nguyên vật lý.
Một đặc điểm khác biệt và cấu thành của không gian mạng là không có thực thể trung tâm nào thực hiện quyền kiểm soát đối với tất cả các mạng tạo nên miền mới này. Cũng giống như trong thế giới thực không có chính phủ thế giới, không gian mạng thiếu một trung tâm phân cấp được xác định trước về mặt thể chế. Đối với không gian mạng, một miền không có nguyên tắc sắp xếp thứ bậc, do đó, chúng ta có thể mở rộng định nghĩa về chính trị quốc tế do Kenneth Waltz đưa ra: là "không có hệ thống luật nào có hiệu lực thi hành. " Điều này không có nghĩa là không có chiều quyền lực trong không gian mạng, cũng không phải quyền lực bị phân tán và rải rác thành hàng nghìn luồng vô hình, cũng không phải là nó được trải đều trên vô số người và tổ chức, như một số học giả đã dự đoán. Ngược lại, không gian mạng được đặc trưng bởi một cấu trúc chính xác của các hệ thống phân cấp quyền lực.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- P.W. Singer và A.Friedman, Cybersecurity and Cyberwar: What Everyone Needs to Know, Oxford University Press; 1st edition (2014)
- Quốc hội CHXHCN Việt Nam, Luật an ninh mạng, số 24/2018/QH14 (2018).